Khu vực Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều lợi thế kết nối giao thông và tiềm năng sinh lời nên những năm gần đây, các DN trong lĩnh vực này đã tung ra rất nhiều dự án có quy mô lớn và hoành tráng. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua giành thị phần địa ốc ở thị trường này, các dự án đã “bỏ quên” người có thu nhập thấp vốn chiếm đa số trong dân cư.
Giấc mơ mua một căn hộ để an cư của người lao động thu nhập thấp vẫn sẽ mãi xa vời bởi giá thường dao động từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng |
Hiện nay, các tỉnh láng giềng TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu đang dồn dập bung ra những dự án nhà ở quy mô lớn. Theo thống kê của giới kinh doanh BĐS thì hiện tại Bình Dương có 6 dự án đất nền với 4.837 nền, 6 dự án biệt thự, nhà phố và 5 dự án căn hộ chung cư và gần như tất cả các dự án này đã bán hết nhẵn chỉ trong một thời gian ngắn.
Bùng nổ dự án
Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR - VT) đang trở thành “thủ phủ” của nhiều dự án biệt thự sinh thái tầm cỡ. Năm 2010 Vũng Tàu hứa hẹn sẽ ra mắt nhà mẫu của các dự án nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD: Hồ Tràm Strip, Sant Simeon, Côn Đảo resort, khu biệt thự suối nước nóng Bình Châu và tổ hợp chung cư dịch vụ thương mại Ocean View Manor...
Còn ở Đồng Nai, hiện có 257 dự án khu dân cư, khu đô thị đang được quy hoạch đồng bộ, quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha tập trung phần lớn tại khu vực Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Các sàn giao dịch BĐS của Tín Nghĩa, Donaland và Sonadezi đang chào bán hàng loạt dự án khu đô thị lớn như: “Phố Đông Biên Hòa” bao gồm khu dịch vụ, tài chính, khu căn hộ cao cấp, khách sạn rộng 335 ha, mặt trước nằm ven xa lộ Hà Nội, cách TP HCM 30 km, mặt sau là nhánh sông Đồng Nai; Dự án tổ hợp sân golf, khu nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp “cù lao Tân Vạn” 45 ha; khu đô thị kinh tế mở Long Hưng 1.170 ha và khu đô thị mới Đông Sài Gòn 940 ha vừa khởi công tại huyện Nhơn Trạch; khu đô thị Phước Hưng có tổng diện tích 286 ha; khu đô thị Aquacity rộng 304 ha; khu đô thị Waterfront quy mô 366 ha; khu dân cư Giang Điền 529 ha. Ngoài ra, các DN địa ốc tại Đồng Nai còn tung ra những khu dân cư quy mô nhỏ và trung bình như: Phú An (11,5 ha), Tam Phước (18 ha); khu dân cư Tân Biên (126 nhà phố và 22 vila), dự án căn hộ Quang Vinh (0,89 ha)...
Nhưng thiếu cơ hội cho người có thu nhập thấp
Ngay khi các DN được ưu đãi giá đất, được ưu đãi về thuế (lên đến 50%) thì giá thành nhà ở vẫn quá tầm với của người lao động. |
Thực tế, trong hàng loạt khu đô thị mới vừa được xây dựng ở Tp HCM, Bình Dương, BR - VT và Đồng Nai... tỷ lệ nhà ở cho người nghèo cũng đã được tính đến. Nhưng giấc mơ mua một căn hộ để an cư của người lao động thu nhập thấp vẫn sẽ mãi xa vời bởi giá thường dao động từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên và tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, thì phải mất tới... 20 năm để mua được căn hộ ở mức giá thấp nhất.
Giải pháp nào cho khát khao sở hữu một chỗ ở ổn định của người có thu nhập thấp là vấn đề đã tốn nhiều giấy mực bởi không chỉ khu vực Đông Nam Bộ, mà trên cả nước, ở đâu cũng có nghịch lý “nhiều nhưng lại thiếu” trong việc đầu tư dự án BĐS. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần ban hành chính sách dành nguồn vốn ưu đãi cho xây dựng nhà ở khuyến khích mọi thành phần kinh tế được thuê đất với giá ưu đãi khi xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng thực tế, ngay khi các DN được ưu đãi giá đất, được ưu đãi về thuế (lên đến 50%) thì giá thành nhà ở vẫn quá tầm với của người lao động.
Đành rằng vai trò của các DN địa ốc trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp là rất lớn nhưng không thể đặt toàn bộ “gánh nặng” lên vai các DN này. Mà thiết nghĩ, đã đến lúc vai trò của những người sử dụng lao động cần được thể hiện trong lĩnh vực này. Hiện mức lương tối thiểu cho lao động ở tất cả các loại hình DN hầu như chỉ dựa trên chi phí tối thiểu cho việc ăn - tái tạo sức lao động, còn chi phí cho việc ở chưa hề được tính toán hoặc nếu có thì cũng bất hợp lý.
Hầu hết người lao động ở các khu đô thị đang phải chi phí khoảng 300-400 ngàn đồng cho ở - điện - nước, chiếm gần 50% lương tối thiểu. Chi phí này người sử dụng lao động chưa hề tính đến trong cơ cấu đồng lương trả cho lao động. Không ít ý kiến khẳng định, quỹ phát triển nhà ở, nếu có, thì cần phải có sự đóng góp của tất cả giới chủ, cho dù là loại hình hoạt động nào. Nếu không, lương tối thiểu cần bao gồm cả chi phí nhà ở của người lao động. Chỉ khi người sử dụng lao động thực sự có trách nhiệm thì vấn đề mới có thể được giải quyết triệt để. Bởi dù các DN địa ốc có làm những dự án giá “mềm” hơn mà người lao động chưa có cơ hội tăng thu nhập thì vấn đề này không thể giải quyết.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP HCM - bà Đỗ Thị Loan, hiện những dự án lớn ở Đông Nam Bộ đều tập trung vào phân khúc căn hộ cao cấp, trong khi hầu hết người dân ở đây đều có thu nhập thấp, đặc biệt là lượng lớn công nhân làm việc trong các KCN nên cách đầu tư này là bất hợp lý. Nếu BĐS khu vực này muốn phát triển thì các DN cần tập trung đầu tư vào phân khúc căn hộ trung bình. Quả thực, có rất nhiều dự án đã được xây dựng khang trang nhưng căn hộ bỏ không, đất nền bỏ trống không xây trong khi hàng triệu lao động ở các tỉnh Đông Nam Bộ lại không thể mua nhà để ở bởi với dân nhập cư, lao động công nhân nghèo từ các tỉnh, tiền lương cũng không đủ trả chi phí điện nước, thuê nhà thì không thể tính đến chuyện bỏ ra vài trăm triệu mua một nền nhà hay một căn hộ chung cư.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: