Top

Thị trường bất động sản Hà Nội: Nguồn cung đang lớn hơn cầu 20%

Cập nhật 25/12/2017 09:21

Theo các chuyên gia, hiện nguồn cung về nhà ở trên thị trường lớn hơn nguồn cầu khoảng 20%. Do đó, mỗi năm Hà Nội chỉ nên cấp từ 3 - 3,5 triệu m2 sàn nhà ở phát triển mới theo dự án.


Sáng ngày 23/12/2017, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, số 01, Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội”.

Chương trình do Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, dưới sự bảo trợ của UBND TP. Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện các sở, ngành trung ương và Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Thực trạng và dự báo thị trường bất động sản Hà Nội; Vai trò của Nhà nước trong quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp; Những kiến nghị và giải pháp để tạo lập không gian sống văn minh trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội mới hình thành 10 – 15 năm và hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô. Quỹ nhà ở bình quân tăng lên 2 lần, từ 9 m2 lên 20,6 m2. Hà Nội đã hình thành được nhiều khu đô thị đẹp, văn minh với chất lượng sống cao.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị nhanh nhưng thiếu nhiều hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội như nhà trẻ, bệnh viên, công viên, trung tâm thương mại nên vẫn còn tình trạng các khu đô thị đầu tư lớn nhưng chậm thu hút người dân về ở (dọc đường 32, phía Tây Hà Nội).

Phần lớn các đại biểu đều đồng ý rằng, đô thị hóa sẽ đồng nghĩa với việc Hà Nội có thêm một lượng lớn dân nhập cư. Cơ quan quản lý cần nhìn nhận tích cực về vấn đề này, từ đó, đưa ra các chính sách quy hoạch, phát triển đô thị một cách hợp lý.

Theo Ban Tổ chức, hiện nguồn cung về nhà ở trên thị trường lớn hơn nguồn cầu khoảng 20%. Do đó, mỗi năm Hà Nội chỉ nên cấp từ 3 - 3,5 triệu m2 sàn nhà ở phát triển mới theo dự án.

Một trong các giải pháp được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra đó là cần hoàn thiện, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch có liên quan.

Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị về tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa.

Ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Thời gian tới, Thành phố sẽ nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách đặc thù, tạo lập môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phát triển theo hướng thành phố thông minh để kết nối, xử lý công việc từ xa”.

“Để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội cần có sự chung tay của các cấp, ngành, các doanh nghiệp và cả người dân. Một thành phố chỉ được coi là thành phố thông minh, thành phố văn minh khi các công dân trở thành công dân thông minh, công dân điện tử”, ông Sơn nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán