Sau thời gian “nhảy múa”, hai tháng qua, giá đất nền và căn hộ không còn tăng phi mã mà đi ngang, thậm chí tại nhiều dự án, không ít người đua nhau rao bán đất nền để cắt lỗ nhờ các động thái can thiệp của nhà nước.
Nhiều dự án đất nền ở không ít tỉnh phía Nam đã được rao bán cắt lỗ
Ít ai mua
Chị Ngọc Diễm (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vừa bấm bụng bán căn hộ trong Phú Mỹ Hưng, quận 7 với giá 4,5 tỷ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng. Căn hộ này được chị mua năm 2018 với giá 4,6 tỷ đồng. Từ Tết Nguyên đán đến giờ, chị nhờ môi giới rao bán nhưng không có ai mua.
“Biết là lỗ nặng nhưng đành phải bán căn hộ này để “cứu” các mảnh đất khác. Nhà đất chững lại, ai vay tiền đầu tư bất động sản như tôi đều phải chấp nhận cắt lỗ chứ không sẽ mất thanh khoản”, chị Diễm nói.
Tương tự, chị Trần Nguyên (quận 5, TPHCM) đang rao bán để cắt lỗ căn hộ cao cấp Eco Green Sài Gòn. Theo giới thiệu, căn hộ hướng đẹp diện tích 80m2 gồm 3 phòng ngủ, bàn giao hoàn thiện trang thiết bị cao cấp, giá bán 4,4 tỷ đồng, cắt lỗ 400 triệu so với thời điểm cách đây vài tháng. Chị cho hay, do con đang du học ở nước ngoài, dịch COVID-19 nên không đi làm thêm được, chị đành bán để có tiền gửi sang nước ngoài cho con.
Không chỉ căn hộ, sau cơn sốt giá đất điên đảo, thị trường bất động sản TPHCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày này, chạy xe dọc Tỉnh lộ 10, qua địa bàn các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), người đi đường không còn bắt gặp hàng trăm cây xanh, trụ điện ven đường dán chi chít bảng quảng cáo bán đất nền, đủ loại giá như trước đây.
Theo chân “cò đất” tên Hùng, PV đến khu dân cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) để xem các nền đất đã có sổ hồng. Trước Tết Nguyên đán, những nền đất này được bán ra với giá từ 32-35 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất ít giao dịch thì nay, dù giảm khoảng 600.000 đồng/m2 nhưng vẫn không có ai hỏi thăm.
Theo Hùng, một số khu vực khác ở Bình Chánh nếu như lâu nay các nhà đầu tư không “ngó ngàng” đến thì nay “sôi động” trở lại nhưng thực chất không có giao dịch. Cụ thể, tại xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) giá đất đang giao dịch quanh mức 65 triệu đồng/m2, khu Trung Sơn ở ngưỡng 140 triệu đồng/m2, xã Phong Phú giá đất cũng đang ở mức 40 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 30 triệu đồng/m2... nhưng rất ít ai mua.
Trong khi đó, tại một điểm nóng về giá đất là TP Thủ Đức, tình trạng cũng tương tự. Ở các khu đất phân lô bán nền tại khu vực phường Phú Hữu, giá đất đã giảm mạnh. Cụ thể, nếu trước đây, giá đất một số khu phân lô trong hẻm 45-50triệu đồng/m2, nay chỉ còn 40-42 triệu đồng/m2.
Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt. Giá đất tại 5 huyện ven Sài Gòn, gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ đều có xu hướng đi ngang trong 4 tuần qua sau khi tăng 3-20% trong quý 1.
Ở các tỉnh, nhiều dự án đất nền cũng được rao bán cắt lỗ. Các khu vực được nhà đầu tư rao bán cắt lỗ tập trung ở huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, thị xã Phước Long, thành phố Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước.
“Cách đây hơn 1 tháng, tôi mua lô đất 70m2 ở huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) với giá 720 triệu đồng với hy vọng sẽ “lướt sóng” kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi xuống tiền và tiếp tục chào bán trong 1 tháng nhưng vẫn không thấy người mua, tôi đành phải bán cắt lỗ với giá 650 triệu để thu hồi vốn. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi lỗ mất 70 triệu đồng”, chị Nga (ngụ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ.
Anh Trung Thành (quận 12, TPHCM) đang là môi giới cho một dự án căn hộ cao cấp ở Thuận An, Bình Dương nói, trước Tết Nguyên đán, đến đầu tháng 3/2021 luôn tấp nập khách đến giao dịch. Có những ngày sàn giao dịch của anh chốt thành công cả chục căn nhưng khoảng một tháng gần đây, giao dịch rất chậm, ít khách đến xem dự án. Nhiều nhà đầu tư muốn bán lại kiếm lời hiện cũng khó khăn.
“Thị trường đang chững lại do mức giá đã bị đẩy lên khá cao. Nếu anh muốn mua rồi bán lướt thời điểm này thì hơi khó, phải chờ thêm một thời gian nữa thì mới bán được giá”, anh Thành nói.
Can thiệp kịp thời
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group nói rằng, bài học sau những cơn sốt diễn ra trước đó đã khiến rất nhiều người bị chôn vốn, thất thoát tiền bạc, thiệt hại rất lớn. Khi thị trường tăng nóng, có rất nhiều người cầm cố nhà vay vốn ngân hàng, cầm sổ tiết kiệm rút tiền ra để mua đất… Tuy nhiên, 100 người tay ngang nhảy vào cơn sốt theo tâm lý đám đông thì có đến 80 người “chết”, chỉ có 20 người thu được lời theo chủ đích.
Rao bán nợ ngàn tỷ
SCB đang rao bán khoản nợ ngàn tỷ là dự án chung cư trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án nói trên, diện tích sử dụng 19.639m2. Tài sản gắn liền với đất gồm những hạng mục chính như khu cao ốc 22 tầng, khu cao ốc 25 tầng, khu biệt thự 5 căn… Giá khởi điểm của tài sản được rao bán là hơn 2.352 tỷ đồng…
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2021 có 25.386 giao dịch bất động sản thành công, tổng lượng giao dịch giảm chỉ bằng khoảng 86% so với quý 4/2020.
“Các đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo “sóng” thị trường để trục lợi. Còn doanh nghiệp không hề được gì từ cơn sốt đất, thậm chí còn khổ vì sốt đất”, ông Khang nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hậu quả từ những cơn sốt giá đất trước đây vẫn còn đến nay. Khi cơn sốt đi qua, đất đai bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Chưa kể, sau những cơn sốt đất, đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội an cư lạc nghiệp, vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao.
“Rủi ro hiện nay đến từ các nhà đầu tư F0, đa phần họ mua theo tâm lý đám đông. Do non về kiến thức, kinh nghiệm nên nhà đầu tư F0 dễ mắc bẫy trong cơn sốt đất”, ông Châu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhờ các động thái can thiệp của nhà nước, thị trường đã bình ổn trở lại. Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng...
“Khi nhà nước quản lý chặt và đưa ra các cảnh báo, nhà đầu tư cũng bắt đầu bình tĩnh khiến thị trường giảm nhiệt hơn”, ông Đính nói.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông gọi đây là bài học về quản lý thị trường bất động sản khi do công tác này chưa được triển khai thấu đáo, dẫn đến tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra quản lý đất tại 26 tỉnh, thành phố.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: