“Đóng băng”, “chết”, “đứng yên”, “ảm đạm”, cần “giải cứu thị trường”, “gỡ khó cho thị trường”... là những cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các thông tin đại chúng từ một năm nay, nó cũng là câu “cửa miệng” của nhiều người khi nhắc về thị trường bất động sản trong thời gian này. Nhưng vì sao thị trường bất động sản lại ra nông nỗi đó và ai là đồng phạm?
Ảnh: Minh họa
Thời hoàng kim
“Đất không biết đẻ, nhưng đất lại làm ta có vàng”, cụm từ này có thời gian được mọi người “tôn thờ” đến nỗi gần như cả xã hội lao vào thị trường bất động sản. Người người buôn đất, nhà nhà buôn đất. Gặp nhau, điều mà mọi người hay nói nhất có lẽ chính là câu: Đợt này có ôm được mảnh nào không? Mua được lô nào rồi? Dự án A vừa ra hàng đấy, quan tâm không? Mua dự án X chưa, gõ google mà xem, dự án đấy “hot” nhất thị trường bây giờ đấy?...
Mà quả thật là thị trường lúc đó sốt đùng đùng thật. Từ năm 2007, khi thị trường chứng khoán đang ở trên “đỉnh” và rồi tuột dốc không phanh đến mức độ càng ngày càng có nhiều mã chứng khoán rời “sàn”, trong cơn tiếc tiền, mọi người bổ nháo nhào vào bất động sản. Thời điểm đó, mọi người gần như quên mất cú sốc đóng băng của thị trường bất động sản năm 2005. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, chỉ cần có thông tin vừa có dự án mới ra đời, trong quy hoạch dự kiến, quy hoạch của tương lai sẽ mở đường... cao trào nhất của cơn say bất động sản có lẽ rơi vào thời điểm “nín thở” chờ Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những thông tin “vỉa hè”, “tin mật”, “tin riêng” có những chủ đầu tư dấm dúi bán dự án, công khai bán dự án, và mọi người cùng nhau lao vào như thiêu thân. Chưa thỏa cơn khát lợi nhuận, người ta đổ xô về phía Tây: các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, thậm chí cả Ba Vì để lùng sục mua đất. Phía Đông, những nhà đầu tư, người buôn đất đổ xô về Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Long Biên. Phía Nam, huyện Thanh Trì cũng bị “càn quét” ngày đêm.
Những người tôi biết, vài người tôi quen cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, “lùng” được đất là vui rồi. Nhiều người còn tự tin khi nói “đi lùng đất không khác gì đi lùng chuột cống”. Chẳng sao cả, vì lúc đó lợi nhuận là trên hết. Có đất là có tiền, là sống, thậm chí là sống vương giả!
Nhưng quả thật đất mang vàng về thật, nhiều người còn mãn nguyện bảo đất mang về kim cương, tâm sự của một cò đất, người buôn đất mà một đồng nghiệp báo bạn gặp chia sẻ là rõ nét nhất về thời điểm đó: “Thời hoàng kim của bất động sản có ngày tôi kiếm được cả tỷ đồng, khách hàng nhiều vô kể thậm chí còn không có hàng để giao cho khách. Không khi nào tôi ăn cơm ở nhà, mỗi ngày tôi tự thưởng cho được phép hưởng thụ những gì mình làm ra”.
Những người nông dân cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mà vẫn phải giật gấu vá vai, nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản bỗng “lên đời”: nhiều tiền thậm chí là rất nhiều tiền vì bán đất, làm cò mồi dẫn khách, rồi làm luôn những người buôn đất. Những mảnh đất bình thường bán rẻ không ai mua, có giá chỉ vài triệu, vài chục triệu, trong lúc “hoàng kim” bán tiền trăm triệu, tiền tỷ. Mọi người cứ nhìn nhau và hét giá. Hôm nay nhà này bán 20 triệu m2/ đất vườn, khách vào xuống tiền ngay không mặc cả. Ngày hôm sau, nhà khác sẽ tự động nâng giá lên. Đây là hiện thực tại tất cả các huyện ngoại thành của Hà Nội, và điển hình trong số đó chắc phải nhắc lại là cơn sốt đất tại Ba Vì!
Thị trường trầm lắng: Đổ tội cho ai?
Đang trong cơn hào quang của thị trường bất động sản, việc mua bán cũng trở nên dễ dàng. Chỉ cần xem giấy tờ, với mơ hồ về căn hộ được mua trong tương lai là ngay lập tức khách hàng xuống tiền. Thậm chí, không cần xem giấy tờ chỉ cần người thân mua, người quen mua là gửi mua hộ. Một nhà đầu tư tại dự án An Thịnh 6 vừa kêu khổ: Tôi đang chết đứng với 8 lô đất của An Thịnh 6 đây. Trong đó chỉ có 2 lô đất là của tôi còn lại là của anh trai, của bạn bè, của họ hàng. Bây giờ hợp đồng vẫn niêm phong cất vào trong két nhưng bán không ai mua và không biết đến khi nào thì dự án sẽ được triển khai.
Dự án mà nhà đầu tư này trót ôm vào, thời điểm cuối năm 2010 được coi là một trong những dự án hấp dẫn nhất thị trường. Với giá gốc trong hợp đồng góp vốn là 17 triệu đồng/m2, có thời điểm ngoài thị trường giá bị đẩy lên 27 triệu đồng/m2. Lên nhanh nhưng xuống cũng nhanh, trong lúc nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy tin đồn, thấy ngon ăn lao vào thì dự án này xuống giá từng ngày.
Khi thị trường đi xuống, gặp ai trót ôm đất mà “hí hửng” may quá vừa đẩy được đi xong thì thị trường chết cũng thấy mừng cho người đó. Còn người trót ôm những quả đắng đầu tư thì trách ai đây?
Ảnh: Minh họa
Trong bất cứ một sự việc nào đó khi xảy ra mà kết quả không như mong đợi, người xưa có một câu ví von: Gieo nhân nào, gặt quả đó. Trong một vụ án, khi tìm ra bản chất của sự việc, tìm đối tượng của vụ án người ta còn phải thực hiện một bước quan trọng là tìm đồng phạm liên quan. Trong sự "chết" của thị trường bất động sản, nhà đầu tư đang cố đẩy lỗi về phía chủ đầu tư, về những hứa hẹn hão huyền về tiến độ dự án mà quên mất vai trò đồng phạm ở đây chính là các nhà đầu tư!
Một người bạn tôi, cũng là một nhà đầu tư đang cố chắt chiu để sống qua ngày, trả giá cho hành động lao vào thị trường bất động sản mà không tìm hiểu kỹ chỉ nghĩ về lợi nhuận, thật thà rằng, chủ đầu tư có lừa đảo mình đâu, là mình tự nguyện cùng họ đi chung một con đường, lợi mình hưởng nhiều, nhưng rủi ro chủ đầu tư gánh mới lắm.
Như dự án mà anh đầu tư, giá chủ đầu tư đưa ra là 16 triệu đồng/m2/căn hộ, giá của anh mua là 19,5 triệu/m2, số tiền chênh anh trả ngay cho thứ cấp. Phần ăn chia giữa thứ cấp và chủ đầu tư anh không biết, nhưng chắc chắn số đó không nhiều. Vậy nhưng khi thị trường như hiện tại, khi chủ đầu tư bị vòng xoay khó khăn mà không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án thì các nhà đầu tư lại đến "bắt đền": đòi rút vốn, kiện tụng khắp nơi...
Một chủ đầu tư bày tỏ, nếu các nhà đầu tư không cùng chung gánh nặng với chủ đầu tư để thực hiện dự án thì sẽ chỉ đẩy cả hai đến kết cục xấu mà thôi. "Khi bị dồn vào đường cùng, chỉ có hai sự lựa chọn, một là nhắm mắt chờ đợi điều xấu nhất đến với mình, hai là nghĩ giải pháp để có thể tiến lại về nơi vừa bị đẩy đi".
Khi "cơm không lành, canh không ngọt" có điểm gì xấu của nhau người ta đều cố phơi bày, đôi khi cố "bới bèo ra bọ". Có lẽ vì quan điểm này mà trên thị trường đang xuất hiện nghịch lý: thị trường càng ảm đạm, kiện cáo nhau càng nhiều. Khi thị trường hoàng kim, các chủ đầu tư được coi là "thượng đế", còn bây giờ cứ không hài lòng là căng biểu ngữ, băng rôn để phản đối. Nhưng, hoạt động tất yếu của thị trường là có cầu mới có cung, dù cầu bất động sản trong thời gian qua chỉ là ảo, nhưng khi lợi nhuận khổng lồ không có nhà đầu tư nào đi kiện doanh nghiệp. Để đến khi "tình hình xấu", các "đồng phạm" lại càng làm cho tình hình xấu hơn...
(Còn nữa)
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: