Top

Thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực

Cập nhật 13/06/2014 13:54

Lượng giao dịch thành công tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013, nhiều dự án nhà ở tiếp tục được triển khai lại sau thời gian dài “ngủ đông”, giá trị tồn kho bất động sản giảm mạnh và đặc biệt nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những ưu đãi khuyến khích người mua nhà để ở… Đây cũng là những tín hiệu lạc quan tạo cơ sở để Bộ Xây dựng khẳng định những dấu hiệu “hồi sức” cho thị trường, nhất là đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình và giá thấp.

(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo đánh giá mới được Bộ Xây dựng công bố, trong năm tháng đầu năm 2014, thị trường bất động sản đã liên tiếp đón nhận những tín hiệu lạc quan. Điển hình nhất là lượng giao dịch đã tăng khá mạnh, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình và giá thấp.

Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng ước tính có khoảng 4.000 giao dịch thành công. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với 6 tháng cùng kỳ 2013. Lượng giao dịch thành công đặc biệt tăng cao tại những dự án nhà thương mại có giá bán và diện tích phù hợp, đang bàn giao hoặc sắp được hoàn thiện. Điển hình, có thể kể tới các dự án HP Landmark Tower, CT2B và HHB Tân Tây Đô, chung cư 175 Nguyễn Trãi-Thanh Xuân…

Dấu hiệu “tan băng” của thị trường cũng được ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung chủ yếu vào các giao dịch căn hộ có giá dưới 15 triệu VND/m2.

Thị trường chuyển biến tốt cũng tạo động lực không nhỏ để các dự án nhà ở vốn “ngủ đông” trước đây rục rịch tái khởi động và tiếp tục mở bán tới người mua. Động thái này tiếp tục khiến cho nguồn cung hàng hóa trên thị trường trở nên dồi dào và đa dạng hơn, phù hợp với nhu cầu trực tiếp của các khách hàng.

Nhiều chủ đầu tư thậm chí đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt nhằm kích thích sức mua của người dân. Tiêu biểu, tại dự án Hồ Gươm Plaza do Công ty May Hồ Gươm làm chủ đầu tư, khách hàng chỉ cần thanh toán 20% tổng giá trị căn hộ là có thể được nhận nhà ở, 80% còn lại sẽ được trả góp trong vòng 15 tháng với lãi suất 0%. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra số tiền từ 1,3-1,7 tỷ đồng, khách hàng sẽ được nhận ngay căn hộ tại dự án HP Landmark Tower (quận Hà Đông) kèm bộ nội thất phòng khách trị giá 20 triệu đồng.

Chính những động thái tích cực kể trên đã góp phần đáng kể làm giảm tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho cả nước đầu năm 2014 đã giảm tới 45.029 tỷ đồng (trên 35%) so với quý I năm 2013. Tại Hà Nội, mức giảm đạt 36%; trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh, con số được ghi nhận cũng lên tới 45%.

Điểm nhấn rõ nét nhất trong bức tranh thị trường bất động sản nửa đầu năm 2014 là ở các dự án nhà ở xã hội. Mặc dù nguồn cung tương đối lớn, nhưng các dự án này làm đến đâu hết đến đó. Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (qua hai giai đoạn) trên 2.000 căn hộ đồng thời vừa tiếp tục khởi công giai đoạn 3 có tổng diện tích 6,2ha, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, 136 ngàn m2 sàn xây dựng, tổng số 1.466 căn hộ, diện tích từ 45m2-70m2 bao gồm các căn hộ bán, cho thuê. Căn hộ để bán có giá bán dưới 9.000.000đ/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì), giá trị căn hộ khoảng 400 triệu đồng. Căn hộ cho thuê có giá thuê khoảng 25.000 đồng/m2, tương đương trên 1 triệu đồng/ căn hộ/ tháng. Đây là mức giá bán và cho thuê thấp nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Ngay sau khởi công giai đoạn 3, đã có 500 hồ sơ đăng ký mua và thuê. Dự kiến, dự án sẽ bàn giao căn hộ trước Tết Ất Mùi 2015 và khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 3.400 cư dân.

Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do HUD và Cty Cổ phần Bic Việt Nam phối hợp thực hiện với quy mô 1.037 căn hộ cũng đang được người dân đón chờ. Mặc dù mới chỉ có tòa C1 quy mô 228 căn hiện đã xây xong phần móng nhưng có tới 500 hồ sơ người dân đăng ký mua...

Bộ Xây dựng đánh giá, tuy thực tế còn khó khăn, nhưng thị trường bất động sản trong những tháng qua đã ấm dần lên. Có những dự án dù giá cao nhưng đã hoàn thành, hạ tầng đồng bộ đã có nhiều người mua và nhận bàn giao nhà. Nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp thì đang tăng lên, có giao dịch tốt. Dự án mới xây xong móng bán ra đều hết.

“Điều đó khẳng định Nghị quyết 02 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã trúng và đang từng bước đi vào cuộc sống,” đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Trong khi đó, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cho rằng sự ấm lên của thị trường thời gian qua, ngoài yếu tố giá cả hợp lý còn do người dân đã lấy lại niềm tin, chủ đầu tư cũng đã tìm nhiều cách bứt phá để lấy lại uy tín.

“Sau một thời gian có quá nhiều rủi ro từ phía những chủ đầu tư làm ăn chộp giật, không có năng lực, hiện người dân đã lấy lại phần nào niềm tin để có thể sẵn sàng chi tiền mua nhà. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng có nhiều cách tạo uy tín như liên kết với các ngân hàng, đưa ra chính sách bảo đảm tiến độ một cách minh bạch chứ không mập mờ "đánh lận con đen" như thời gian trước. Chẳng hạn như dự án CT Number One tại Khu đô thị Vân Canh, nếu chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ, ngân hàng Agribank sẽ là bên bảo lãnh trả lại tiền cho người dân… Người dân cảm thấy yên tâm thì họ sẽ mua. Dù vậy, còn cần nhiều thời gian và cần có sự đảm bảo chắc chắn của các chủ đầu tư và hệ thống chính sách thì lòng tin của người dân mới được phát triển tiếp," chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo tình trạng sốt “ảo” một phần do giới “cò” nhà đất tạo nên.

“Thị trường ấm lên, giao dịch tốt hơn là thật nhưng người mua cần cảnh giác, làm chủ tình hình, không để cò lợi dụng tâm lý, đẩy giá lên cao để lấy tiền chênh. Cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát thị trường. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh thì sớm muộn lại làm mất lòng tin của người tiêu dùng”./.


DiaOCOnline.vn - Theo Vietnam Plus