Top

Thị trường bán lẻ Sài Gòn chờ đợi phép thử mới

Cập nhật 27/06/2016 09:21

TP HCM đang có 1,1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ và vấp phải hoài nghi bội thực nguồn cung, song Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng muốn biết thị trường này đến ngưỡng quá tải hay chưa cần thêm các phép thử mới ở khu trung tâm.

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, Alex Crane đánh giá, với 1,1 triệu m2 sàn mặt bằng bán lẻ trên tổng số khoảng 10 triệu dân thì TP HCM chưa phải là quá tải. Những điểm mua sắm vắng khách, kinh doanh kém hiệu quả trên thị trường hiện nay có thể bắt nguồn từ nguyên nhân định vị kém, thiết kế, bố trí chưa phù hợp và chưa được đặt vào đúng phân khúc. "Tôi nghĩ phép thử thật sự sẽ xuất hiện khi một số trung tâm thương mại sắp mở cửa ngay tại khu lõi trung tâm (CBD). Chúng ta hãy chờ xem", ông Alex Crane nói.

Theo quan điểm của chuyên gia này, độ phủ của thị trường không phải dựa vào việc cân bằng giữa dân số và mặt bằng bán lẻ, bởi vì vấn đề nằm ở nhu cầu. Cả thị trường sẽ nhìn thấy một phép thử sắp tới khi Takashimaya chính thức xuất hiện tại thị trường TP HCM, Saigon Center 2 khởi động. Khi đó có thể đánh giá được định vị dự án và nhu cầu thực của người mua sắm như thế nào.

Việc Parkson đóng cửa trung tâm thương mại tại quận 7 đã làm dấy lên nhiều lo ngại bội thực mặt bằng bán lẻ cũng như thị trường bán lẻ bị quá tải, song Cushman & Wakefield cho rằng cần thêm phép thử ở khu trung tâm quận 1, TP HCM để đánh giá về vấn đề này. Ảnh: Vũ Lê

Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương, Sigrid Zialcita cho biết, chìa khóa thành công của các trung tâm thương mại là phải tìm được nhà bán lẻ thích hợp và cách bố trí mặt bằng khách thuê hợp lý đồng thời có nhà quản lý am hiểu được thị trường.

Nếu nhìn ở tầm vĩ mô, TP HCM có dân số trẻ, nhu cầu về thực phẩm, thức uống, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng rất lớn kèm theo đó là một thị trường nhà ở đang rất phát triển. Những dự án trung tâm thương mại cần phải làm nghiên cứu bài bản, khảo sát xung quanh khu dân cư có những gì, cần phải xem mục tiêu thị trường là gì.

Định vị và phát triển dự án là bước đầu tiên và rất quan trọng, sau đó mới nói đến tổ chức ngành hàng ở trong mỗi trung tâm. Bởi vì nếu định vị và phát triển dự án không đúng thì dù dự án có đang ở vị trí nào cũng không hấp dẫn người tiêu dùng được.

Nếu nhìn trên yếu tố vĩ mô, TP HCM có dân số trẻ, sức mua cũng lớn, tuy nhiên định vị và bố trí như thế nào là một dấu hỏi? Các khu thương mại cần gắn với xu hướng tiêu dùng nữa. Vì bán lẻ thực ra là thị trường liên tục phải thay đổi để chạy đua với thị hiếu của người tiêu dùng.

TP HCM đã manh nha một số hình thức bán lẻ được tổ chức bài bản. Điển hình là  những khu mua sắm one stop shopping đã xuất hiện. Trong đó có tất cả đồ ăn thức uống, giải trí, mua sắm ở cùng một khu thương mại năng động, hiện đại. Đây là một hình thức bán lẻ đa dạng ngày càng phổ biến và được đón nhận tốt.

"Gia nhập WTO cũng như TPP đang biến Việt Nam thành ngôi sao đang lên với thị trường mở có tính hội nhập cao và có rất nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ. Các bạn đã sẵn sàng cho một thị trường đầy sôi động", bà nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress