Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, để đáp ứng yêu cầu về chỗ ở và điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, chiến lược đặt mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở đô thị được dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo. Chú trọng tăng tỉ trọng nhà ở chung cư, nhà ở cho thuê theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về chỗ ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân lao động tại các KCN; sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.
Điểm mới của chiến lược so với quy định hiện hành là bổ sung các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...). Ngoài ra, chiến lược cũng có nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở như mua (nhà ở giá rẻ), thuê mua, cho thuê, hỗ trợ kinh phí xây dựng, nhà công vụ, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết…
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người, trong đó, tại đô thị đạt 26 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 19 m2 sàn/người. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2 sàn/người, trong đó, tại đô thị đạt 29 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m2 sàn/người.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: