Top

Thất thoát xây dựng đang là vấn đề nhức nhối

Cập nhật 05/06/2012 15:20


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thất thoát trong xây dựng đang là vấn đề bức xúc, nhức nhối và được cả xã hội quan tâm. Vì vậy, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước …

Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tại cuộc đối thoại, nhiều độc giả đã đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề nóng gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay như nhà ở xã hội, thất thoát và gây lãng phí trong xây dựng...

* Độc giả Hoàng Hữu Giang đặt câu hỏi: Thất thoát lãng phí trong xây dựng, theo dư luận thì nhiều năm tới 10-20% thậm chí lớn hơn, theo Bộ trưởng có đúng không? Nếu thất thoát thì ở khâu nào là lớn nhất?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời: Câu hỏi này rất hay và khó. Nhưng phải nói, thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta còn nghèo, ta còn phải tiết kiệm rất nhiều để đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội. Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn.

Còn về việc thất thoát lãng phí có tỷ lệ 10 hay 20% thì hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể nào để khẳng định. Thất thoát trong xây dựng là một khái niệm vừa rộng, vừa hẹp. Hiểu theo nghĩa hẹp, thất thoát chỉ là bớt xén vật liệu, nhân công… để chất lượng công trình giảm. Còn theo nghĩa rộng, thất thoát bao gồm cả lãng phí.

Nói tóm lại, thất thoát, lãng phí trong xây dựng là thiệt hại do việc sử dụng kém hiệu quả hay do sử dụng những công trình không đạt được hiệu quả mà mục tiêu dự án đề ra, những thiệt hại làm công trình giảm chất lượng, do đó không tương xứng với giá trị, với chi phí vốn đầu tư…

Như vậy có thể nói, có hai loại thất thoát, lãng phí: một là hữu hình ( như ăn cắp, bớt xén) chủ yếu là chủ động từ phía con người do mục đích vụ lợi cá nhân. Hai là vô hình do bị động, bắt nguồn từ năng lực hạn chế của những người tham gia đầu tư xây dựng của tất cả các khâu.

Chẳng hạn, chất lượng quy hoạch kém hoặc quy hoạch chậm, như một đô thị đã phát triển rồi mới tính chuyện mở rộng đường phố thì rất tốn kém… Thậm chí, với những công trình làm xong không sử dụng đến thì thất thoát, lãng phí bao nhiêu phần trăm? Đây là thất thoát, lãng phí bị động. Còn với những công trình thất thoát, lãng phí 1, 2… phần trăm thì phải có kiểm tra cụ thể.

Nhưng thất thoát, lãng phí rõ ràng là không nhỏ vì vậy giải pháp trước hết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách…

Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó yêu cầu các ơ quan quản lý Nhà nước phải tham gia thẩm định thiết kế và dự toán, thậm chí thẩm định cả dự án, chứ không giao toàn quyền cho chủ đầu tư. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng…

* Độc giả Nguyễn Hải Đức đặt câu hỏi: Thưa Bộ trưởng, năm 2011 Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng phê duyệt về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với tư cách là nhà quản lý về lĩnh vực này xin Bộ trưởng phân tích thêm về quan điểm chủ đạo, cách tiếp cận chiến lược và cách thức đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, để có thể có một căn nhà để ở?

Đây là một câu hỏi lớn, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, nhân văn. Chúng ta đều biết nhà ở là một trong những điều kiện tối thiểu của con người. Cùng với giáo dục y tế thì nhà ở là một lĩnh vực, điều kiện để đảm bảo cho con người phát triển toàn diện. Chính xuất phát từ vai trò của nhà ở như vậy, nên trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển trong lĩnh vực nhà ở.

Có thể nói trong 10 năm (từ năm 1999 – 2009), đất nước chúng ta đã phát triển một khối lượng nhà ở khổng lồ khoảng 700 triệu m2 nhà ở và nó bằng tổng số khối lượng nhà ở bằng từ năm 1999 trở về trước, đây là một thành tựa rất lớn. Cùng với phát triển nhà thương mại thì Đảng và Nhà nước thì đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến nhà ở cho các đối tượng có công với nước, cho những khu vực đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở như Quyết định 134; nhà ở cho người nghèo ở nông thôn như thực hiện Quyết định 167…; nhà ở cho sinh viên; công nhân khu công nghiệp…

Đến nay, trong 3 năm chúng ta đã thực hiện hỗ trợ được cho 500 nghìn hộ nghèo của nông thôn có nhà ở mới, bằng những chính sách cụ thể của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở của chúng ta hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra, mặc dù phát triển mạnh nhưng khả năng tiếp cận nhà ở của một bộ phận không nhỏ người dân còn rất khó khăn, trong đó có người nghèo ở đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức…

Chính vì điều này, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan thường trực về ban chỉ đạo phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, cũng như cơ quan của Chính phủ quản lý lĩnh vực phát triển nhà ở để xây dựng chiến lược phát triển nhà ở. Và chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành từ cuối năm 2011.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có chính sách chiến lược về nhà ở với cách tiếp cận một cách tổng thể và toàn diện như vậy. Điểm mới của chiến lược phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân, thay vì ý kiến vẫn cho rằng phải phát triển nhà ở theo quy luật của nguyên tắc thị trường.

Trong chiến lược cũng phân rõ ra đối thuộc nhà ở xã hội gồm 8 đối tượng. Bao gồm: có người nghèo và nông thôn; những người có công với nước; người nghèo ở đô thị; cán bộ công chức viên chức văn nghệ sĩ trí thức khó khăn về nhà ở; sỹ quan, công nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân ở những nhà máy xí nghiệp khu công nghiệp;

Như vậy, chiến lược này đã phủ kín 8 nhóm đối tượng đang khó khăn về nhà ở cần phải hỗ trợ trong giai đoạn tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ