Thị trường BĐS đang trong giai đoạn ngặt nghèo nhất khi mà nợ xấu nhiều, hàng tồn kho gia tăng… mặc dù đã tìm mọi cách nhưng không cải thiện khiến cho nhiều DN rơi vào thế “chùn chân mỏi gối” phải tìm cách thoát thân càng sớm càng tốt. Trong cả năm 2012, có hàng loạt các DN lớn thảo lui khỏi các dự án lớn vốn một thời là niềm tự hào, hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
Ông lớn bỏ BĐS
Việc Vinaconex thoái vốn tại Parkcity là vụ rút lui ầm ĩ nhất trong thời gian cuối ăm 2012. Nó như một ví dụ điển hình cho một năm biến động và thoái lui của các ông lớn tập đoàn khỏi đất đai.
Tổng công ty Vinaconex đã chính thức hoàn tất chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư dự án Park City tại quận Hà Đông. Theo Vinaconex, nguyên nhân của việc thoái vốn để “tái cơ cấu danh mục đầu tư” của tổng công ty. Như vậy, Tổng công ty Vinaconex đã chính thức rút hết phần vốn của mình tại siêu dự án đắt nhất Hà Nội này.
Mới đây, Vinaconex cũng đang mời các nhà đầu tư quan tâm để chuyển nhượng cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Splendora. Theo lý giải của Vinaconex, việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các dự án trên là chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 của tổng công ty phê duyệt với mục tiêu trong giai đoạn 2012-2016: tiếp tục thực hiện nhanh, mạnh mẽ chiến lược tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh đi đôi với tái cấu trúc các đơn vị thành viên, tái cấu trúc danh mục đầu tư... tập trung vào các hoạt động cốt lõi là xây dựng và kinh doanh bất động sản theo hướng hiệu quả.
Trong nhà đất, Vinaconex là một đại gia lớn, một DN đầu đàn với những bước đi chiến lược ở Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), An Khánh (Hà Nội) và hàng loạt dự án giao thông, đô thị, BĐS khác.
Danh tiếng và sự lớn mạnh của Vianconex dường như là điều không còn phải bàn cãi, nhờ thế, tập đoàn này đã được nhiều đối tác nước ngoài chọn là đối tác phát triển những dự án BĐS cực lớn.
Tuy nhiên, những khó khăn trong đầu tư, kinh doanh BĐS, xây dựng đã khiến đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2012, những con số thống kê đã cho thấy DN này lỗ và nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ. Tình hình tài chính khó khăn, buộc DN này phải rút lui khỏi hàng loạt DN và nhất là khỏi các dự án lớn mà họ từng tâm huyết.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí rút khỏi dự án tháp cao nhất Việt Nam. Nhằm thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PetroVietnam chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ, 100% vốn Nhà nước nên sẽ không đầu tư vào tòa tháp nữa và PetroVietnam đã báo cáo với Chính phủ.
Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam có các chức năng văn phòng làm việc hạng A, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp được xây dựng tại lô đất X1, trên diện tích 6,5ha thuộc dự án xây dựng quần thể kiến trúc 25ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đây là dự án từng được xem là biểu tượng phát triển, là cơ sở hoạt động kinh doanh đầu não của PV trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, sau rất nhiều biến động thái vốn, chuyển chủ… tòa tháp PVN hiện vẫn chưa được khởi công.
Rút vốn, về với nghề cũ
Không chỉ các DN mà nhiều cá nhân đại gia cũng tìm cách rút vốn khỏi các DN BĐS. Đáng kể nhất là việc nhiều cổ đông thoái vốn khỏi Sacomreal – một công ty BĐS có tiếng gắn liền với ngân hàng Sacombank.
Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR) là tâm điểm của nhiều vụ thoái vốn trong năm nay. Đầu tháng 11, Chủ tịch HĐQT Sacomreal, Đặng Hồng Anh đã bán 21,45 triệu cổ phiếu, giảm lượng nắm giữ xuống còn 14,16 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 9,9% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát cũng bán hơn 839.000 cổ phiếu SCR.
Trước đó không lâu, một cổ đông lớn của Sacomreal đã đẩy đi hơn 7 triệu cổ phiếu. Đồng thời, bà Đặng Huỳnh Ức My (em ông Hồng Anh) cũng đã bán xong 500.000 chứng khoán và thoái hết vốn khỏi công ty địa ốc này.
Trong khi đó, Spinnaker GEMF Ltd thoái hết vốn tại NVT. Ngày 2/11, cổ đông lớn Spinnaker GEMF Ltd đã bán hết 3,15 triệu cổ phiếu NVT, tương đương 5,21%. Sau khi bán hết số cổ phiếu này, Spinnaker GEMF Ltd không còn là cổ đông lớn của NVT và cũng không còn nắm giữ cổ phiếu NVT nào.
Quý 3/2012, công ty mẹ NVT đạt doanh thu tài chính gần 25,7 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính trong kỳ lên đến 58 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay chưa đến 1 triệu đồng. Công ty lỗ 33 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng, NVT đạt doanh thu tài chính 37,4 tỷ đồng và lỗ 28 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Sơn Hà bỏ bất động sản tập trung bán lẻ. Cụ thể, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số dự án bất động sản, nhằm tập trung cho việc đầu tư vào thị trường bán lẻ.
Hiện Sơn Hà đang thực hiện một số dự án bất động sản ở Hà Nội gồm: khu đô thị Kiến Hưng - Hà Đông, Paradise Garden, dự án phía Tây Hồ Tây, cao ốc văn phòng Huỳnh Thúc Kháng, cao ốc văn phòng Sông Hồng, khu dân cư Kim Giang...
Sơn Hà vừa ra mắt hệ thống siêu thị Hiway Supercenter Việt Nam, nằm trong kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ hiện đại của Hiway mà trước mắt là 3 siêu thị bán lẻ sẽ được khai trương tại quận Hà Đông, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (Hà Nội) trong năm 2012.
Trong khi đó, câu chuyện đang diễn ra với Mai linh cũng là một bài học thấm thía. DN vận tải hàng đầu này đang đối măt với những ngày tháng bi đát mà trong đó có một phần đầu tư dàn trải vào BĐS. Đến giờ, muốn rút ra cũng không phải là dễ.
Một thời chưa xa, khi BDDS trong cơn sốt, siêu lợi nhuận thì đầu tư nhà đất là một mốt. DN nào cũng cố có một một phần đầu tư BĐS, mạnh thì dự án to, yếu hơn thì dự án nhỏ, không thì cung góp vốn đầu tư… Có BĐS trong các ngành nghề kinh doanh như một cách để khẳng định năng lực và thương hiệu của mình. Thế nên DN nào cũng đua nhau làm BĐS từ DN xây dựng, tài chính ngân hàng đến thương mại thậm chí cả DN thủy sản, thức ăn chăn nuôi cũng đầu tư BĐS…
Thế rồi, khi BĐS lao dốc, BĐS đóng băng khối tài sản ngàn tỷ một thời giờ thành nơi đọng vốn, bán không ai mai, DN lâm vào cảnh chết trên đống tài sản ngàn tỷ… nhưng lại phải gánh những khoản nợ tiền tỷ đến oằn lưng, rồi sức ép từ thiếu vốn và kinh doanh ngành nghề chính bị khó khăn đã khiến cho DN lao đao. Tỉnh ngộ, nhiều DN đã buộc rút khỏi BĐS càng nhanh càng tốt. Đó chính là cách tháo chạy khỏi nhưng rủi ro do chính minh gây ra để tìm về với ngành nghề cốt lõi.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: