Top

Tháng 11-2011: Thông xe hầm Thủ Thiêm

Cập nhật 23/02/2011 14:30

Ngày 22-2, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết đang tiếp tục theo dõi xử lý chống thấm hầm dìm và xử lý lún.

Sau khi dìm đốt hầm đến nay, nhà thầu thi công thường xuyên quan trắc trong và ngoài hầm, kết quả cho thấy hầu hết các vị trí thấm và ẩm đều xuất hiện tại các mối nối của bản đỉnh và tường, phần kết nối giữa vỏ thép và bê tông của đốt hầm.

Sau khi được xử lý bằng phương pháp bơm tiêm epoxy vào các mối nối, đến nay tại các vị trí bơm đều đã khô ráo, không còn hiện tượng rịn nước và thấm. Dự kiến công tác chống thấm hoàn tất vào cuối tháng 3-2011. Tuy nhiên, quan trắc cho thấy có hiện tượng lún không đều ở một số vị trí. Đơn vị thi công tiếp tục xử lý bằng các phương pháp phù hợp như: móng cọc khoan nhồi, gia tải và bù lún bằng bê tông nhẹ… Dự kiến công tác xử lý này sẽ được hoàn thành vào tháng 8-2011.

Lãnh đạo TP thường xuyên kiểm tra công tác thi công và xử lý các vết thấm bên trong đường hầm.

Theo Tổ chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, công tác sửa chữa chống thấm của nhà thầu đã thực hiện đúng theo quy trình được duyệt, bước đầu đạt yêu cầu, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chống thấm của hầm dìm. Đối với hiện tượng lún, mức độ lún đều chưa vượt quá mức cho phép, một số điểm lún đã ổn định. Tuy nhiên, tổ chuyên gia yêu cầu nhà thầu tiếp tục quan trắc toàn bộ dự án, đặc biệt là khu vực hầm dìm để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hầm Thủ Thiêm dài khoảng 1,49km, rộng 33m, cao 9m, có 6 làn xe, mỗi bên 3 làn cho cả ô tô và xe máy, ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Phần thân hầm gồm 4 đốt, mỗi đốt dài 93 m, nặng 25,000 tấn, bề dày hơn 1.2m được cấu tạo bởi bê tông cốt thép chống thấm. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.

Hiện nay, nhà thầu đang lắp đặt hệ thống kỹ thuật bên trong hầm như hệ thống thông gió, bơm nước, cấp nước, hút ẩm, chiếu sáng, thông tin liên lạc báo động, chống cháy nổ và những bộ phận tự động đo độ ồn, độ ẩm, khói bụi. Trung tâm điều khiển được trang bị hệ thống camera theo dõi lưu thông và điều khiển tất cả các hệ thống bên trong hầm để xử lý kịp thời các tình huống. Dự kiến công trình này khánh thành vào tháng 11-2011.

Đại lộ Đông - Tây có chiều dài toàn tuyến là 21.89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây và kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố.

Đại lộ Đông - Tây tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn, từ đây đi các tỉnh miền Đông và miền Tây không phải đi vào trung tâm thành phố. Đây sẽ là con đường huyết mạch liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng