Giá nhà ở thương mại quá cao, phần lớn người lao động không thể tự tạo lập chỗ ở. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh, việc lo nhà ở cho người nghèo, người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... là một trong những nhiệm vụ lớn của TP Hà Nội nhằm xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở đô thị, thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như nội dung Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.
Công chức không thể tích lũy mua được nhà
Trong chính sách tiền lương hiện hành, tỷ lệ tiền nhà trong lương cán bộ, công chức đang làm việc tại hệ thống hành chính được giữ ổn định 7,5% từ năm 1993 đến nay. Như vậy, một bộ trưởng trung bình có 547.000 đồng tiền nhà/tháng, 6,57 triệu đồng/năm. Nếu mua một căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp diện tích 70m2, với giá khoảng 600-700 triệu đồng thì 2 người đi làm trong 50 năm mới đủ tích lũy để mua nhà. Tuy nhiên, đó đơn thuần chỉ là tính toán mang tính chất so sánh, bởi thực tế thu nhập của công chức thấp hơn nhiều, chỉ đáp ứng một cách eo hẹp chi phí ăn mặc, sinh hoạt, khó có thể tích lũy cho nhà ở.
Xét chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân, Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Cụ thể, chỉ số này ở Việt Nam từ 24,5 đến 26,6 trong khi ở khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á là 4,14, Châu Phi là 2,21, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25, Mỹ Latin và Caribê là 2,38. Theo tính toán của Liên hợp quốc thì chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân từ 3 đến 4 là hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hầu hết những người làm công ăn lương có khó khăn về nhà ở đều không thể mua được nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn. Cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận, giá nhà ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, giá BĐS nói chung, trong đó có giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Đã vậy, cơ cấu hàng hóa lại thiếu cân đối. Loại nhà cao cấp, biệt thự có thời điểm được đầu tư xây dựng ồ ạt theo trào lưu của thị trường, dẫn đến dư thừa, trong khi nguồn cung nhà giá thấp, nhất là loại hình nhà ở cho thuê lại quá thiếu. Đặc biệt, góp phần vào việc đẩy giá nhà ở lên cao là hiện tượng đầu cơ, làm giá và tâm lý mua bán theo tin đồn, đám đông diễn ra phổ biến đã làm cho thị trường càng thêm méo mó.
Nhu cầu nhà ở rất lớn
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, riêng các cơ quan hành chính trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó cơ quan trung ương là 202.000 người. Từ tháng 11-1992, Nhà nước bãi bỏ chế độ phân phối, đưa nhà ở vào tiền lương và thực hiện bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê; đồng thời giao đất cho các đơn vị, tổ chức xây dựng nhà ở bằng vốn góp của cán bộ, công nhân, viên chức. Đến tháng 4-2001, TP quy định phát triển nhà ở theo dự án, chấm dứt việc giao đất tự xây dựng nhà ở. Theo đó, dự án khu đô thị mới phải dành 50% diện tích sàn chung cư để bán cho cán bộ, công nhân, viên chức theo chỉ định của UBND TP. Kết quả, đã có hơn 3.900 trường hợp mua nhà tại quỹ nhà này. Từ năm 2006 đến nay, TP tạo điều kiện giới thiệu địa điểm cho các cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở bán cho cán bộ, công chức. Hiện có 206 khu đất, với tổng diện tích 596ha đang được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không đáp ứng được nhu cầu của đa số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP. Dưới góc độ quản lý, TP khó kiểm soát được nhu cầu thực tế của các cơ quan và đối tượng thụ hưởng dẫn đến thiếu công bằng. Trong khi đó, xây dựng manh mún, thiếu đồng bộ làm cho việc kiểm soát không gian đô thị khó khăn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội quá tải, không đạt được mục tiêu giãn dân đô thị. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo tạm dừng giải quyết hồ sơ xin giao dự án, giao đất xây dựng nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách để chờ chính sách chung của TP.
Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp (KCN), theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 15-20% trong tổng số 800.000 học sinh, sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá; trong khi hầu hết công nhân làm việc tại các KCN phải thuê nhà trọ với điều kiện vật chất rất thấp. Bên cạnh đó, 5% số hộ dân khu vực đô thị có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Từ năm 2009 đến nay, bằng nhiều nguồn lực, cơ chế chính sách, Hà Nội đã đưa vào vận hành khu nhà ở cho công nhân tại Kim Chung (Đông Anh); khánh thành và bàn giao tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) dành cho người thu nhập thấp; hoàn thành 900 căn nhà ở xã hội tại lô đất CT19 - 21 KĐTM Việt Hưng (Long Biên)... Một loạt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp khác cũng đang được triển khai gấp rút như dự án khu ký túc xá sinh viên tại KĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp và Mỹ Đình, dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm), Kiến Hưng (Hà Đông)... Tuy nhiên, so với nhu cầu và mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, số dự án trên vẫn chưa thấm vào đâu.
Để giấc mơ an cư thành hiện thực
Nhằm giải quyết bất cập về nhà ở cho người lao động hưởng lương ngân sách trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã lập đề án đề xuất giải pháp lập quy hoạch tổng thể phát triển các dự án nhà ở cho cán bộ, công chức hưởng lương và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP chuẩn bị quỹ đất sạch. Ngoài ra, sử dụng một phần quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, sử dụng quỹ đất xen kẹt, đất thu hồi do vi phạm Luật Đất đai để phát triển quỹ nhà ở này. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành lại 20-30% tổng diện tích sàn nhà ở để bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách với giá bán bằng giá thành xây dựng cộng 10% lợi nhuận.
Tương tự như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà đầu tư dự án nhà ở cho người hưởng lương ngân sách cũng được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, được cung cấp thiết kế mẫu, giải pháp công nghệ và vật liệu mới nhằm giảm giá thành xây dựng; được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế; được sở hữu diện tích dịch vụ - thương mại để kinh doanh bù đắp giá bán nhà... Bên cạnh hình thức mua, đề án cũng đề xuất hình thức cho thuê hoặc thuê mua. Trường hợp thuê mua, mua trả góp, người mua nộp tiền lần đầu là 20% giá nhà. Thời hạn trả góp tối thiểu là 10 năm. Sau khi nghe Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhất trí cơ bản với nội dung đề án. Dự kiến, giai đoạn năm 2011-2015 tập trung giải quyết nhà ở cho đối tượng có nhà ở diện tích bình quân 5-10m2/người. Giai đoạn năm 2015-2020 tiếp tục giải quyết cho đối tượng có diện tích nhà ở bình quân 10-20m2/người.
Bên cạnh đề án trên, TP tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan đôn đốc tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đang triển khai; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư khởi công các dự án mới. Theo kế hoạch, đến năm 2015, Hà Nội xây mới 4,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, đáp ứng chỗ ở cho 60% học sinh, sinh viên, 1,6 triệu mét vuông sàn (tương đương 28.000 căn hộ) đáp ứng chỗ ở cho 50% công nhân KCN và 1,1 đến 1,5 triệu mét vuông nhà cho người thu nhập thấp.
Theo số liệu tổng điều tra nhà ở, tại khu vực đô thị, các hộ có diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn mức bình quân của TP (20,63m2/người) chiếm tới gần 47%. Điều đó cho thấy nhu cầu về nhà ở của TP rất lớn, nhất là khi các chính sách về nhà dành cho người lao động hưởng lương ngân sách chưa được quan tâm thỏa đáng.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: