Top

Tăng thuế VAT: Giấc mơ nhà vừa túi tiền xa dần

Cập nhật 01/09/2017 08:50

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản luật về thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Trong đó, việc đề nghị tăng thuế VAT lên 12% đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.


Tăng thuế VAT lên 12%, cơ hội sở hữu nhà ở vừa túi tiền của người thu nhập thấp ngày càng xa vời. Ảnh: Gia Huy

Đề xuất thuế VAT lên 12%

Theo Bộ Tài chính, đề xuất tăng thuế được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế, trong bối cảnh nợ công tăng cao, các quốc gia kể cả các nước đã phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu bù đắp nguồn thu giảm do giảm thuế TNDN và thu nhập cá nhân.

Các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (VAT và tiêu thụ đặc biệt). Số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004, lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Xu thế tăng thuế VAT diễn ra phổ biến từ năm 2009 - 2016. Thuế suất trung bình tại các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2000 là 19%, đến năm 2014 lên xấp xỉ 21,5%. Các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản…

Bộ Tài chính cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, 88 nước có mức thuế suất VAT từ 12 - 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất 17 - 25%), 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.

Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020 và phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế VAT quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất VAT theo một trong hai phương án: Phương án 1 là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.

Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, theo dự thảo luật sửa đổi, doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm áp dụng thuế suất thuế TNDN 15%, doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu trong năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng áp dụng thuế suất 17%. Các doanh nghiệp còn lại vẫn sẽ theo quy định của luật sửa đổi năm 2013 với mức thuế 20%.

Doanh nghiệp nhỏ và người nghèo chịu thiệt

Theo ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, nhìn vào phương án theo dự thảo thì có thể thấy, thuế VAT là thuế gián thu, theo đó người mua là người trả tiền thuế và doanh nghiệp chỉ là người thu hộ ngân sách nhà nước. Theo lý thuyết, việc tăng thuế VAT chỉ ảnh hưởng đến người mua, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang rất lo lắng.

Ông Được cho rằng, giảm thuế TNDN (17%) và tăng thuế VAT (12%) chỉ mang lại lợi ích đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ sẽ thêm khó khăn, vì hàng hóa tăng giá, cơ hội được hưởng mức giảm thuế TNDN không nhiều, vì họ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không nhiều. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc không có nguồn thuế VAT đầu vào cũng chịu tác động mạnh khi chi phí có thuế VAT đầu vào ít nhưng thuế VAT đầu ra tăng cao.

Vì vậy, Bộ Tài chính cần phải đánh giá kỹ tác động của việc sửa luật, bởi quy định thuế mới này sẽ ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng. Lần sửa đổi này có nhiều quy định mới về thuế suất (thuế VAT, thuế TNDN) nên mức ảnh hưởng và phạm vi, đối tượng sẽ mở rộng nhiều.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo dự thảo luật sửa đổi thì theo hướng có 3 mức chính (trừ trường hợp được hưởng ưu đãi). Trong đó, doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% hay 15% là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm. Mức thuế suất 17% và 15% này không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.

Theo ông Phượng, so với các nước trong khu vực, gánh nặng thuế khóa ở Việt Nam đang rất nặng. Nếu tăng thuế, sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và sức cạnh tranh trực diện của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp vốn sức cạnh tranh đã yếu, việc tăng thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.

“Người dân đang phải chịu gánh nặng thuế lớn so với thu nhập của họ, đặc biệt đóng thuế cao nhưng an sinh, phúc lợi xã hội vẫn chưa tốt. Việc nay tăng thuế này, mai tăng thuế kia không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, mà phải làm sao cho bộ máy biên chế bớt cồng kềnh, cắt bỏ được bộ phận biên chế làm việc kém hiệu quả”, ông Phượng nói.

Ngoài ra, ông Phượng còn cho rằng, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời, tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi. Trong khi đó, thuế gián thu không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

"Các nước đều hạn chế thuế gián thu, một số ít đánh thuế 10%, một số 5%, nhiều bang tại Mỹ còn không thu. Tuy nhiên, VAT có tác động tới hàng hoá, ngay trực tiếp tới người tiêu dùng, thậm chí là người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chẳng hạn, người nghèo thu nhập 6 triệu đồng/tháng, thì dành tới 4 triệu đồng chi tiêu ăn uống tiêu dùng thiết yếu, trong khi với người giàu thu nhập 100 triệu đồng/tháng, chỉ dành 20% tiêu dùng thiết yếu. Do đó, nếu tăng thuế VAT, người nghèo sẽ bị thiệt thòi", ông Phượng nói.

Giá nhà sẽ tăng

Về tác động tới các ngành nghề, ông Phượng cho rằng, việc tăng thuế VAT lên 12%, sẽ có nhiều ngành nghề kinh doanh bị tác động mạnh, gây ảnh hưởng tới việc phát triển của doanh nghiệp ngành đó, trong đó có ngành bất động sản.

“Bộ Tài chính đang dự thảo luật sửa đổi về các luật thuế, những thay đổi về mức thuế như thế này, có thể kéo theo nguy cơ tiềm ẩn phát sinh nhiều tranh chấp trong giao dịch bất động sản, thậm chí cũng rất khó xử ai đúng ai sai.

Thường hợp đồng mua bán nhà có thời hạn dài, giá đã được chốt nhiều tháng trước, nay tăng thuế VAT thì ai chịu? Bản chất thuế VAT là thuế gián thu, nghĩa là người mua chịu thuế, còn bên bán là người thu hộ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nếu buộc bên mua phải trả phần thuế VAT tăng thêm thì họ không chịu, vì hợp đồng đã chốt giá bán (giá bao gồm thuế). Ngược lại, bên bán cho rằng, thuế này người mua phải chịu thêm, họ cũng chỉ thu và nộp cho ngân sách, không được hưởng đồng nào”, luật sư Phượng nói.

Chỉ thêm về bất cập tăng thuế đối với thị trường bất động sản, ông Phượng cho rằng, ngoài hợp đồng mua bán ra, còn có thể liên quan đến các hợp đồng hợp tác kiểu ăn chia lợi nhuận, trước chốt cố định theo doanh số, nay chắc có người lợi người thiệt.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về đề xuất này của Bộ Tài chính. Theo đó, HoREA cho rằng, chưa nên thực hiện tăng thuế VAT lúc này.

So sánh với các nước khác, HoREA cho biết, trong các nước ASEAN thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất VAT 10%, Singapore 7% và Thái Lan 5%.

“Đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ, việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ đẩy giá nguyên liệu lên và tất yếu giá nhà sẽ tăng”, HoREA cho biết.

Theo các chuyên gia, việc giá nhà tăng lên sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của thị trường, đặc biệt là làm cho cơ hội sở hữu nhà ở giá rẻ của người thu nhập thấp càng khó khăn hơn.

Vì vậy, HoREA khuyến nghị giữ nguyên thuế suất thuế VAT là 10% từ nay đến năm 2021, đồng thời kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế VAT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế VAT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.           

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản