Top

Tăng hiệu lực quản lý các dự án thu hồi đất

Cập nhật 17/01/2018 08:35

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thu hồi đất đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng của phần lớn các dự án còn chậm...


Dự án tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 “dây dưa” hơn 15 năm vẫn chưa xong công tác bồi thường

Báo SGGP ra ngày 5-1, có bài “Chưa an cư với tái định cư” phản ánh công tác tái định cư còn những bất cập khiến người dân chưa yên tâm với cuộc sống tại nơi ở mới. Ngày 12-1 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đã ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã  hội trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018 - 2020.

Còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Thành ủy, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quy hoạch, đền bù khi thu hồi đất và bố trí tái định cư trên địa bàn TP, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đạt được nhiều kết quả tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, góp phần đầu tư phát triển hạ tầng đô thị của thành phố. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thu hồi đất đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng của phần lớn các dự án còn chậm; trong thực hiện tái định cư, vấn đề đảm bảo nơi ở mới cho người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nhìn chung vẫn chưa thực hiện tốt; cơ chế quản lý về tài chính và đầu tư chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu; có sự khác biệt trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giữa dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn của tư nhân; việc phát triển, quỹ nhà ở, đất ở tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu công tác  bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đầy đủ phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn rất lớn trong tổ chức thực hiện.

Tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan vẫn diễn biến phức tạp; một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để xảy ra tình trạng sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của các cấp ủy đảng. Nguyên nhân chủ yếu là do những mâu thuẫn, bất cập phát sinh liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, tái định cư dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện; có nơi buông lỏng vai trò lãnh đạo cấp ủy, trách nhiệm quản lý về đất đai…chưa minh bạch, công khai tổ chức thực hiện; chưa xử lý dứt điểm những vấn đề nổi cộm, có nhiều dư luận, đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực đất đai…

Để tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội - kinh tế trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là sự tổng hợp quản lý điều hành trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư - tài chính - xây dựng - đất đai...

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Phấn đấu trong năm 2018 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất các dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phê duyệt trước ngày 1-7-2014 và hoàn thành bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phê duyệt theo Luật Đất đai 2013; tập trung hoàn thành sớm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Công trình trọng điểm, cấp bách thuộc 7 chương trình đột phá của TPHCM. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành Trung ương, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật liên quan theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phát triển đô thị và tình hình thực tiễn của thành phố.

Tạo cơ chế vốn và đầu tư

Về cơ chế vốn và đầu tư, chỉ trình HĐND TP xem xét chấp thuận thông qua mục dự án có thu hồi đất với các dự án đạt yêu cầu về tính hợp lý và khả thi trong việc chuẩn bị, cân đối được 6 điều kiện phải đảm bảo trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Sử dụng vốn nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp để bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án; tạo quỹ đất sạch chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực cho thành phố. Các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, dự án công trình theo tuyến, xem xét tách và phê duyệt phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng trước khi tổ chức thực hiện thi công.

Thực hiện ứng vốn từ Quỹ phát triển đất TPHCM hoặc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn. Khi đấu giá quyền sử dụng đất, có cơ chế tài chính linh hoạt để sử dụng một phần tiền thu được tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất đấu giá. Khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân trước khi đầu tư các dự án có thu hồi đất, từ đó có chính sách khuyến khích người dân đăng ký nhận bồi thường, hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện và đặt hàng các doanh nghiệp xây nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn nhà ở phục vụ nhu cầu tái định cư.

Nhà, đất tái định cư yêu cầu đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường, đa dạng hình thức tái định cư, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất được lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp; phân cấp, xác định trách nhiệm của UBND quận - huyện trong việc chuẩn bị, đầu tư xây dựng về số lượng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nền đất phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định không phù hợp, chồng chéo và không rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và những vấn đề vướng mắc về pháp lý dẫn đến khó khăn trong lãnh đạo; bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - người bị thu hồi đất - chủ đầu tư. Quan tâm quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất, nhà, tài sản và công trình gắn liền với đất không đủ thanh toán toàn bộ giá trị nhà ở, đất ở tái định cư nhưng ngoài căn nhà phải tháo dỡ di dời không còn căn nhà nào khác trên địa bàn thành phố. Tăng cường đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân nhằm giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP