Trong "Năm chất lượng công trình 2011", Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp, hành động nhằm nâng cao chất lượng khi thực hiện các dự án. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra mới đây của Bộ GTVT tại một số dự án, ngành chức năng đều phát hiện những khiếm khuyết...
Kiểm tra là ra lỗi
Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, các công trình xây dựng giao thông đưa vào sử dụng thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH đất nước. Tuy nhiên, cũng có công trình mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mới đây, Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng 6 dự án, gồm các dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía nam Vành đai 3 Hà Nội, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, QL 48-2 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận.
Đây là những dự án, công trình có quy mô, tổng mức đầu tư lớn và cũng là điểm "nóng" về tiến độ, chất lượng. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện công trình nào cũng có vấn đề. Bốn nhóm tồn tại được chỉ rõ, gồm phá vỡ kết cấu mặt đường (dự án QL 48-2 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương); độ bằng phẳng mặt đường không bảo đảm (dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình); lún (dự án đường Láng - Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương); tồn tại trong giai đoạn thiết kế, thi công và chuyển giao công nghệ (dự án đường Láng - Hòa Lạc). Những dự án có quy mô, ý nghĩa quan trọng đã vậy thì tại các dự án khác, nơi mà công tác kiểm tra, giám sát lơi lỏng hơn sẽ ra sao?
Một đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, như GPMB kéo dài, khó khăn về vốn, lưu lượng vận tải lớn… không thể phủ nhận lỗi chủ quan. Bộ GTVT thẳng thắn thừa nhận, lỗi chủ quan có ở mọi khâu từ chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế; từ giám sát đến thi công. Đây là những hạn chế đã được chỉ rõ trong hội nghị về chất lượng công trình giao thông diễn ra đầu năm 2011. Đó là công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư chưa chặt chẽ, quá tin tưởng vào tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhưng đội ngũ này không thực hiện nghiêm chức trách, thậm chí thiếu trung thực, thể hiện ở dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, QL 48… Do chủ đầu tư, đội ngũ tư vấn, giám sát quản lý lỏng lẻo nên nhà thầu thi công không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Ba nhóm giải pháp
Để nâng cao chất lượng, tiến độ công trình, năm 2012 được Bộ GTVT tiếp tục xác định là "Năm chất lượng công trình" với quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung vào chất lượng công trình. Ba nhóm giải pháp lớn được nêu ra, gồm nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu; nhóm giải pháp liên quan đến rà soát, sửa đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực chủ thể tham gia thực hiện dự án. Năm nay, Bộ GTVT tập trung chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý thực hiện dự án từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây lắp… Với dự án không bảo đảm chất lượng sẽ nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Dự kiến, trong tháng 2-2012, Bộ sẽ ban hành quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân…
Tại hội nghị tổng kết năm 2011, triển khai kế hoạch năm 2012 của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chất lượng công trình giao thông vẫn là vấn đề hàng đầu và yêu cầu ngành phải có những biện pháp quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng. Để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển trước. Bộ GTVT phải nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực được giao, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển giao thông. Trưởng ban quản lý dự án như là tổng công trình sư, do vậy phải lựa chọn người có năng lực, trình độ, đạo đức, phẩm chất tốt để nâng cao chất lượng từ quản lý dự án đến tư vấn giám sát, nhà thầu thi công… Khi cơ chế, chính sách và chất lượng cán bộ đã bảo đảm, chắc chắn chất lượng công trình sẽ được nâng lên.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: