Top

Tân Bộ trưởng Xây dựng nói về tương lai thị trường bất động sản

Cập nhật 04/08/2011 08:40


Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
“Nếu thị trường BĐS trầm lắng một cách tự nhiên mà không ảnh hưởng đến ai thì chúng ta không phải bàn, nhưng đây cũng là sản phẩm, là tài sản của xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó để nó phát triển một cách bền vững ổn định…” - Tân Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói trong ngày ông đắc cử chức Bộ trưởng Xây dựng.

* Thưa Bộ trưởng, ông nhận định như thế nào về những thách thức đối với nhiệm vụ mới mà ông vừa nhận trọng trách?

Có rất nhiều thách thức cần phải làm đối với Bộ Xây dựng, nhưng việc đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, làm thế nào để lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng, phải khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai, và các nguồn lực khác như vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đồng thời cần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư.

Thứ hai là cần phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị, để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả đất nước.

Việc thứ ba là phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho những người ít có điều kiện tiếp cận nhà ở giá cao.

* Nhà ở xã hội đang là vấn đề mà nhiều người dân quan tâm, bởi họ cho rằng khó mà có thể tiếp cận được. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nhà ở xã hội và đã có nhiều chính sách nhà ở xã hội như hỗ hỗ trợ bằng tiền và cơ chế chính sách khác như lãi suất cho vay hay các quỹ phát triển khác. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta tổ chức như thế nào để nhà ở xã hội được thực hiện một cách có kế hoạch theo một thời kỳ dài, trung hạn và hàng năm. Sẽ phải cụ thể hoá chính sách bằng các chương trình cụ thể. Điều này cần nỗ lực rất cao của nhiều Bộ, trong đó có Bộ Xây dựng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

* Thưa ông, thực tế cho thấy hiện nay có nhiều người giàu nhưng lại mua và ở nhà dành cho người thu nhập thấp. Trong nhiệm kỳ tới, ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Hiện nay có 2 loại thị trường nhà ở, một là nhà ở hàng hóa do thị trường điều tiết nhưng chủ yếu dành cho những người có khả năng thanh toán, hoặc là những nhà cao cấp. Còn thị trường nhà phi hàng hóa là loại có thị trường, có nhu cầu nhưng không tuân theo quy luật của thị trường, thì nhà nước phải can thiệp vào để có số lượng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng hơn.

* Sắp tới, người dân có thể kỳ vọng vào một sự đột phá nào về giải pháp nhà ở không, thưa ông?

Cái đó là cố gắng của bất kỳ một nhà nước nào, đặc biệt là đất nước ta phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phương tiện là thị trường, mà mục tiêu là xã hội, là con người nên người dân phải được ngày càng tiếp cận tốt hơn với những nhu cầu theo khả năng thanh toán của mỗi người, tất nhiên là nhu cầu tối thiểu mà họ phải có.

Sắp tới, 3 vấn đề cần ưu tiên giải quyết, một là hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng. Pháp luật về xây dựng hiện đã nhiều, nhưng cần rà soát lại xem cái gì là phù hợp, cái gì còn chồng chéo, cái gì còn thiếu để trực tiếp làm theo thẩm quyền hoặc là tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội để đề xuất ra những chính sách cho phù hợp.

Hai là nhiệm vụ phát triển đô thị mà Bộ Xây dựng phải đứng ra quản lý, đặc biệt là quản lý về đầu tư và xây dựng đô thị, để đô thị có thể xứng tầm với mong muốn của người dân, để họ được sống trong môi trường tốt hơn.

Thứ ba là tập trung xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng chỉ mua được giá rẻ mà không mua được giá cao, hoặc những đối tượng chỉ thuê được chứ không mua được. Ngoài ra còn có những người không mua được, cũng không thuê được như người tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa, không làm ra tiền nhưng cũng phải được ở trong nhà ở. Những điều này Nhà nước đã làm rồi, nhưng vẫn phải tập trung bằng những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn.

Trầm lắng là phải quan tâm

* Thưa ông, cũng liên quan đến vấn đề nhà ở và đất đai thì gần đây, dư luận rất quan tâm đến sự kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng, với những ý kiến trái chiều trong việc “cứu” hay không ‘cứu”. Ông có nhận xét gì về tình hình này?

Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Nếu đầu tư vào bất động sản mà nó phát triển đúng, phát triển phù hợp với nhu cầu thì đó chính là phát triển. Còn nếu phát triển mà cung và cầu không phù hợp với nhau thì có thể dẫn đến lãng phí hoặc dẫn đến rất khó khăn.

Hiện chưa có đánh giá chính xác thị trường bất động sản cụ thể như thế nào, nhưng rõ ràng, nó trầm lắng thì ta phải quan tâm. Trầm lắng có nghĩa là vì cung cầu có vấn đề, tức là có loại nhà quá nhiều, có loại nhà quá thiếu và chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, của từng đối tượng khác nhau và của nền kinh tế. Chúng ta đang cố gắng để người dân ngày càng có cơ hội được đáp ứng các nhu cầu theo khả năng thanh toán của mình.

Nhà nước và chính quyền các địa phương, các thành phố lớn phải rà soát lại, phải đánh giá được nhu cầu nhà ở căn cứ vào quy hoạch của từng giai đoạn xem dân số tăng bao nhiêu, bao nhiêu nhà ở là vừa, từ đó xác định xem cần đất là bao nhiêu và bao nhiêu dự án. Đây là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để làm thế nào can thiệp, điều tiết để phát triển cân bằng cung cầu về nhà ở.

* Có ý kiến cho rằng, việc thị trường bất động sản trầm lắng là một điều kiện để giá bất động sản trở về đúng với giá trị thực của nó, vậy thì sẽ không cần phải giải cứu, thưa ông?

Thị trường trầm lắng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giá không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, hay không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, với thu nhập đầu người còn thấp, Khi trầm lắng thì cầu giảm, có nghĩa là cung cũng phải giảm.

* Vậy thì có thể coi đây là giải pháp tự nhiên mà không cần phải tác động vào?

Không phải hoàn toàn như vậy. Nếu thị trường trầm lắng một cách tự nhiên mà không ảnh hưởng đến ai thì chúng ta không phải bàn, nhưng những nhà đầu tư đều phải bỏ tiền ra, và đây cũng là sản phẩm, là tài sản của xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó để nó phát triển một cách bền vững ổn định. Vì vậy, cần phải có giải pháp hài hoà, đảm bảo các lợi ích, thứ nhất là của nhà nước, lợi ích thứ hai là của các nhà đầu tư, lợi ích thứ ba là của cộng đồng dân cư và đặc biệt là lợi ích của người dân, người tiêu dùng.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia