Top

Tạm đình chỉ công tác tổng giám đốc IPC

Cập nhật 29/10/2018 15:02

Ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bị đình chỉ do 'gây trở ngại cho công tác thanh tra'.

Khu dân cư Sadeco Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM là một trong những dự án thành phần nằm trong Công ty Sadeco mà Công ty IPC có góp vốn - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Ngày 28-10, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay UBND TP.HCM vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), vì lý do "gây trở ngại cho công tác thanh tra".

Theo hồ sơ, Thanh tra TP đã ban hành kết luận số 33 về thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại IPC. Trong số nhiều sai phạm xảy ra tại công ty này, đáng chú ý có 2 phi vụ công ty này "giúp" doanh nghiệp khác thâu tóm doanh nghiệp thành viên của IPC.

Cụ thể, trong hai năm 2016 và 2017, IPC đã chỉ định trái quy định lần lượt Công ty Nguyễn Kim và Công ty Tuấn Lộc làm cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco) và Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước). Từ đó đã khiến IPC mất quyền kiểm soát Sadeco và Hiệp Phước, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Sau khi Thanh tra TP vào cuộc, cuối tháng 8-2018, IPC báo cáo về việc thu hồi 9 triệu cổ phiếu đã bán cho Công ty Nguyễn Kim và 20 triệu cổ phiếu bán cho Công ty Tuấn Lộc.

Thanh tra TP nhận định: việc làm trên của IPC, Sadeco và Hiệp Phước là xem thường kỷ luật, kỷ cương, đối phó và gây trở ngại cho công tác thanh tra. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Thanh tra TP chuyển các vụ việc trên sang cơ quan công an điều tra xử lý.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn tại 4 doanh nghiệp là vượt so với quy định (không quá 3 doanh nghiệp) theo quy định Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Thanh tra TP kết luận các sai phạm, thiếu sót của IPC thuộc về trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực, công việc có liên quan.

Bên cạnh đó là trách nhiệm của kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn và các tổ chức, cá nhân tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.

Vào năm 2017, Thanh tra TP cũng đã ban hành kết luận thanh tra số 12 về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại IPC.

Theo đó, Thanh tra TP cũng đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật việc IPC chi tiền thanh toán hơn 19 tỉ đồng, vượt giá trị chỉ định thầu tại dự án xây dựng cầu Đồng Điền; tùy tiện thanh toán các khoản chi phí mua vật tư xây dựng cầu Đồng Điền và tòa nhà IPC vượt giá trị hơp đồng, vượt giá trị quyết toán...

Ngoài các kết luận thanh tra trên, Thanh tra TP cũng đang theo dõi việc thực hiện 3 kết luận thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành khác liên quan đến IPC mà cho đến nay IPC vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Công ty IPC tiền thân là Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, được UBND TP thành lập năm 1993, hoạt động theo mô hình "công ty mẹ - công ty con".

Đến năm 2010, UBND TP quyết định chuyển đổi thành công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình "công ty mẹ - công ty con", là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP sở hữu 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của công ty (theo giấy chứng nhận đầu tư cấp đổi lần thứ 5 vào năm 2015) là hơn 2.926 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo TTO