Để tái cấu trúc, đầu tiên là cải tổ hành chính. "Cải tổ hành chính để người dân có thể tiên liệu tốt hơn và chủ động hơn trong tính toán kinh doanh, sẽ có tác động tích cực lập tức lên toàn bộ nền kinh tế, tạo nên một vòng xoáy phát triển ngày càng tăng tốc" - TS Trần Sĩ Chương.
Năm qua, cụm từ "hot" nhất trong thời sự kinh tế VN có lẽ là "tái cấu trúc". Nhưng hiểu như thế nào về tái cấu trúc, đặc biệt về mục tiêu "đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới" mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương - người từng có kinh nghiệm tư vấn về kinh tế cho Quốc hội Mỹ, hiện là một nhà đầu tư độc lập đã trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình.
Ông Chương chia sẻ: "Tôi không nhìn vấn đề này ở góc nhìn của một kinh tế gia, mà nhìn theo cái lý tự nhiên của yêu cầu cũng như điều kiện thực tiễn của xã hội. Đề tài tái cấu trúc (TCT) trở thành "hot" khi người ta cảm thấy bế tắc, làm ăn khó khăn hơn. TCT nôm na là công việc (1)/ Rà soát, hoàn thiện, thêm hoặc bớt, sắp xếp lại các cơ cấu chủ đạo của hệ thống; và (2)/ Định rõ nét sự tương quan, hợp lý giữa các cơ cấu trong hệ thống đó ra sao, để toàn hệ thống chạy tốt hơn, hiệu quả hơn.
Theo đó, TCT không phải chỉ là phạm trù của lĩnh vực kinh tế mà còn là của lĩnh vực chính trị, xã hội. Đầu tiên và quan trọng hơn hết chúng ta nên hiểu rằng TCT là một thử thách chính trị nhằm giải quyết nhiều vấn đề kinh tế cấp bách".
Đừng "ôm cây mà không thấy rừng"
* Ở tầm quốc gia, TCT cần phải nhấn mạnh vào đâu, thưa ông?
Ông Trần Sĩ Chương: Không thể lấy ra một bộ phận nào đó, sửa chữa bộ phận đó để hy vọng cả cỗ máy sẽ "chạy ngon". Do đó, chuyện tái cấu trúc không thể mang một vài bộ phận như ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thị trường chứng khoán... ra để hô hào tái cấu trúc mà phải nhìn, đặt để chúng trong tương quan và tổng thế của thể chế chính trị, cơ cấu kinh tế - xã hội. Nếu tách mỗi bộ phận ra mà không có sự hợp nhất, xuyên suốt, tình trạng sẽ rất dễ khiến chúng ta ôm cây mà không thấy rừng.
|
TS.Trần Sĩ Chương
* Tại sao không nên tập trung TCT ở một vài bộ phận có vai trò quyết định đối với cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai, chẳng hạn như DNNN, một việc mà hầu hết các chuyên gia quốc tế đều khuyên VN nên ưu tiên giải quyết, thưa ông? Có phải đây là đối tượng đầu tiên cho công cuộc TCT?
Trong một cơ chế như hiện nay, chúng ta không dễ dàng để sửa đổi khối DNNN và có thể kỳ vọng khối đó có đóng góp thực lớn lao cho nền kinh tế. Cần phải xem xét vấn đề này trong cái nhìn tương quan của lịch sử và cả những hệ quả mà thời gian đang để lại cho chúng ta.
Từ khi ra đời, khối DNNN đã được định vị vai trò "con trưởng", được ngồi "mâm trên", coi như đó là diện mạo của cả gia đình. Và vì đã quen như vậy, quen được bao cấp nên chẳng có lý do gì để anh con trưởng này phải lao tâm khổ tứ làm lụng cả. Đã làm ăn thì phải có "máu", phải trăn trở vì đã bỏ đồng tiền thì liền khúc ruột, thì mới sáng tạo, nỗ lực vượt khó, vượt tầm được. Trong khi đó cán bộ quản lý DNNN là quan chức, họ không có những phẩm chất của người doanh nhân, mặc dù có thể là nhà quản lý hành chính giỏi, liêm khiết.
Xác suất thành công của một Bí thư tỉnh ủy, hay một vị Thứ trưởng được chuyển qua điều hành DNNN theo đúng nghĩa thị trường - làm ra được đồng lời tương xứng với đồng vốn đầu tư - là rất thấp. Ở đâu cũng vậy chứ không phải chỉ ở VN.
Để giải quyết vấn đề này một cách tương đối cho những DNNN không thể tư nhân hóa. Một số nước tiên tiến đã thuê chuyên viên quản lý cao cấp về điều hành với lương cơ bản và số tiền thưởng rất cao dựa trên kết quả kinh doanh, để ít nhất là đảm bảo được tính chuyên nghiệp cao.
Singapore đã rất thành công với mô hình đại diện nhà nước giữ vai trò Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu kinh doanh rồi giao lại cho CEO là một chuyên gia triển khai. Để thay đổi một thói quen, một vấn đề mang tính lịch sử, một hệ quả lịch sử, liên quan đến một số tài sản khổng lồ mà khối DNNN đang nắm giữ, liệu có thể thay đổi trong một sớm một chiều hay không? E rằng là không.
Do vậy, không thể và không nên chỉ đặt trọng tâm công cuộc TCT là khối DNNN, hay một vài bộ phận đơn lẻ. Làm vậy không khác gì đang có một đoạn đường dài 3 km hàng ngày bị kẹt xe trầm trọng, mà chúng ta hy vọng chỉ cần mở rộng một đoạn đường 300m là giải quyết được nạn kẹt xe cho cả đoạn đường, hay cho cả khu vực!
Trong bối cảnh TCT toàn diện của VN hiện nay, chắc chắn DNNN cũng cần phải được TCT toàn diện, nhưng sản phẩm cuối cùng phải được kết nối xuyên suốt với các bộ phận còn lại.
Quyết tâm chính trị - điều tiên quyết
* Vậy đâu là những điều kiện cần và đủ cho công cuộc TCT này?
Đã đặt ra vấn đề TCT, theo tôi, cần phải có ba điều kiện tiên quyết để câu chuyện thành thực tiễn. Thứ nhất, là phải thẳng thắn, trung thực trong cách đặt vấn đề để thấy rõ trọng tâm và yêu cầu của vấn đề. Thứ hai, bình tĩnh phân tích để nhận ra các rào cản, thách thức. Thứ ba, một quyết tâm chính trị cao được thể hiện qua hành động. Nếu không có bất cứ một trong ba điều kiện này thì mọi cải tổ, đổi mới đều khó thành công. Ngược lại, nếu đã hội đủ ba điều kiện này, thi dù áp dụng bất kỳ mô hình đổi mới, cải tổ nào mà tương đối thuận lý, chúng ta cũng đều có cơ hội để thành công vượt tầm so với ngày hôm nay.
* TCT sẽ gặp phải những rào cản, thách thức nào, thưa ông?
Rào cản lớn nhất theo tôi là lực cản tâm lý sợ thay đổi nói chung, đặc biệt là lực cản tự nhiên từ những nhóm đặc quyền được hưởng lợi từ cơ chế hiện nay. Do vậy điều kiện quyết tâm chính trị có lẽ là quan trọng hơn cả.
* Và nếu TCT không bắt đầu từ một bộ phận cụ thể, thì phải làm gì?
Cửa sổ cơ hội này chỉ mở trong vòng 15-20 năm trong chu kỳ kinh tế và phát triển dân số của một quốc gia.
Nguyên tắc giải quyết một vấn đề phức tạp tưởng chừng như bế tắc là tìm một giải pháp khả thi nhất và có hiệu ứng lan tỏa lớn nhất có thể được. Điều kiện quan trọng nhất để nền kinh tế phát triển là một môi trường thông thoáng, minh bạch, công bằng. Cụ thể nhất và đóng vai trò chủ động để tạo nên những điều kiện thị trường này là hệ thống hành chính. Vậy thì nên tập trung ưu tiên là phải cải tổ hành chính.
Chúng ta đã có đồng thuận cao về vấn đề này. Có thể được thực hiện ráo riết ngay. Cải tổ hành chính để người dân có thể tiên liệu tốt hơn và chủ động hơn trong tính toán kinh doanh, sẽ có tác động tích cực lập tức lên toàn bộ nền kinh tế, tạo nên một vòng xoáy phát triển ngày càng tăng tốc. Điều kiện kinh tế cải thiện, người dân giàu hơn, tự nhiên xã hội sẽ có những yêu cầu đổi thay mà lúc đó sẽ dễ được chấp nhận hơn vì lợi ích đã có thể thấy được. Lực kinh tế và yêu cầu mới của xã hội sẽ dần dà nắn nót hệ thống vào vòng thuận lý hơn, khai thông những bế tắc trước đây chưa giải quyết được một cách hài hòa, ít tốn kém hơn.
* Việc cải tổ hành chính đã được khởi xướng từ lâu. Và đó cũng chỉ là khởi đầu cho chặng hành trình TCT. Nhưng ai sẽ dẫn dắt chặng hành trình này, sẽ là người "cầm chịch", thiết kế tư tưởng TCT?
Tạo điều kiện để người người được và muốn tham gia vào cuộc chơi và đảm bảo tính công bằng của cuộc chơi trên sân nhà là trách nhiệm kinh tế ưu tiên và quan trọng nhất của nhà nước, và hãy để người dân tham gia quyết định qua bàn tay của thị trường.
Tận dụng cơ hội
* Với đội ngũ doanh nhân nói chung (không bao gồm khối DNNN), họ đang hoạt động, kinh doanh trong một cơ chế thị trường tương đối rộng mở. Có cần phải áp lực để cải tổ, thay đổi, phải có chuyển biến về chất lượng cũng như cơ cấu DN nữa hay không, thưa ông?
Với đội ngũ doanh nhân, đầu tàu của nền kinh tế, theo tôi họ còn chịu rất nhiều rào cản giới hạn sự phát triển tiềm năng cạnh tranh của họ. Tạo ra những luật lệ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hơn nữa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, như nội dung Nghị quyết về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Bộ Chính Trị đã đề ra là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để các DN được cạnh tranh minh bạch, công bằng, phát huy thế mạnh kinh doanh, khẳng định vị thế DN trong TCT đất nước.
* Nghị quyết Doanh nhân có đề cập đến một trong những giải pháp trọng tâm để phát huy vai trò xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, là "thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước". Từng có kinh nghiệm tư vấn về kinh tế cho Quốc hội Mỹ, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nào đó để có thể hiện thực hóa giải pháp này?
Các từ "thúc đẩy", "khuyến khích" nếu hiểu không khéo thì dễ bị lợi dụng để bóp méo cơ chế thị trường. Thúc đẩy và khuyến khích là tạo điều kiện thuận lợi, nhưng phải công bằng cho tất cả mọi thành phần kinh tế xã hội, chứ không phải chỉ vì một vài nhóm DN lớn, tư hay công, dù thấy họ có tiềm năng đến đâu.
Trên thực tế ở các nước, rất khó để DN tư nhân tham gia vào hệ thống DNNN mà kinh doanh có hiệu quả vì hai cái "hệ điều hành" quá khác nhau, cũng như trong một Cty mà cùng sử dụng vừa hệ Microsoft vừa hệ Apple. Nhà nước chỉ nên tạo dựng cơ chế để các tập đoàn kinh tế tư nhân có thể tự hình thành, chứ không nên có chính sách ưu đãi cho các DN lớn. Nếu làm không khéo, thậm chí, giải pháp này còn có thể tạo cơ hội cho sự lũng đoạn mang tính hệ thống giữa các nhà tài phiệt lắm tiền và những người có quyền. Khi anh có tiền chơi với anh có quyền, điều gì xảy ra cho nền kinh tế thì ai cũng có thể hình dung được.
Toa thuốc cổ điển cho DNNN và DN tư nhân mà ai cũng rõ là: Hạn chế ưu thế độc quyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không để các tập đoàn này đầu tư, phát triển tràn lan, tránh tình trạng cạnh tranh đối đầu giữa tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được ưu đãi và có thế mạnh về tận dụng, sử dụng tài nguyên, với những DN tư nhân; và tạo điều kiện để DN tư nhân có cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển và hợp tác với nhà nước trong một số dự án, công trình trọng điểm.
VN đang có một cơ hội vàng về dân số trẻ và năng động, thế hệ này cũng đang được tiếp cận với đầy đủ các phương tiện để học tập phát triển tốt chưa từng có trong lịch sử đất nước. Cửa sổ cơ hội này chỉ mở trong vòng 15-20 năm trong chu kỳ kinh tế và phát triển dân số của một quốc gia. Nếu không tận dụng cơ hội này thì sau 15-20 năm nữa, VN sẽ bắt đầu đi vào chu kỳ dân số già, gánh nặng xã hội tăng, tiềm lực phát triển giảm dần, tận dụng thế mạnh này và tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát huy trong công cuộc tái cấu trúc, xây dựng một vận hội mới cho quốc gia dân tộc sẽ phải bắt đầu ngay từ hôm nay, chứ không phải ngày mai!
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: