Cuối năm, thị trường nhà đất Thủ đô vẫn tiếp tục không khí chào bán dự án rầm rộ. Về phía người đã có nhà (gồm cả những chủ nhân căn hộ mới nhận bàn giao), mối quan tâm gần kề là kế hoạch hoàn thiện, tu bổ nơi cư trú. Từ mua sắm, thay thế vật liệu nội thất sao cho “bền - rẻ - bảo đảm chất lượng” nhất, tới các công việc lớn hơn như cơ cấu lại hạng mục trong căn hộ đòi hỏi độ chuyên nghiệp của người thiết kế.
Không phủ nhận, số lượng sản phẩm chung cư hiện tại đã chiếm thế thượng phong so với nhà thổ cư, đất nền tại Thủ đô. Cứ tới cuối năm, khoảng tháng 11 dương lịch, đa phần các chủ hộ đều rục rịch tính toán cho công việc sửa sang nhà cửa để chuẩn bị dần cho Tết Nguyên đán.
Lý do, càng gần kề dịp Tết, giá cả thi công cũng như vật liệu xây dựng, nội thất càng được “đội” lên. Thậm chí, tình trạng “cháy thợ” cuối năm đã thành nếp ở Hà thành.
Băn khoăn vật liệu nội/ngoại
Về nhà chung cư, câu chuyện về thiết bị dẫn điện - nước vốn ít khi được nhắc tới (đã nằm trong phần trách nhiệm hoàn thiện sản phẩm bàn giao của chủ đầu tư).
Ngược lại, những thắc mắc liên quan tới lựa chọn loại ống nước của thương hiệu nào, giá cả ra sao, chất lượng có đảm bảo… luôn xuất hiện ở những chủ nhà đất thổ cư.
Đặc biệt, với những gia đình trẻ, được thừa hưởng khối tài sản là BĐS để lại từ ông bà/cha mẹ, rất nhiều chủ hộ còn mông lung với các loại vật tư ngành điện nước.
Anh Hải, chủ nhân căn nhà rộng 60m2 tại quận Hà Đông đang bị “tắc” trong khâu chọn ống dẫn nước thay thế đường ống cũ đã dùng từ hơn 10 năm trước vì “hoa mắt” trước quá nhiều nhãn mác sản phẩm.
Cụ thể, anh Hải cho hay: “Có lẽ do đường ống nước trong nhà đã dùng từ năm 2000 đến nay, nên thời gian này thường gặp sự cố tắc nghẽn dòng chảy lẫn xuất hiện cặn ánh màu kim loại”.
Được sự tư vấn của hàng xóm, bạn bè và cánh thợ, chủ hộ cân nhắc gần nửa tháng với những phân tích: ống dẫn cũ vốn là ống kẽm vì tuổi thọ vật liệu này chỉ khoảng 10 năm tối đa. Thay vào đó, hiện tại các gia đình đều tìm tới sản phẩm ống hàn nhiệt của Tiền Phong hoặc Bình Minh. Nếu có điều kiện tài chính, lựa chọn ống nhựa nhiệt VesBo (của Đức) với ưu điểm là bền cũng như… xuất xứ ngoại (!)
Càng gần Tết, giá cả thi công cũng như VLXD, nội thất càng bị “đội” lên
|
Cũng liên quan tới vấn đề “tưởng nhỏ mà không nhỏ” này là góc cạnh tranh giữa các thương hiệu ống nhựa trên thị trường VLXD. Những khách hàng cá nhân tìm mua ống hàn nhiệt thường gặp các tư vấn trái chiều về sản phẩm “nội” (Tiền Phong, Bình Minh) với một vài tên tuổi ngoại như VesBo, Dekko (Đức).
Khảo sát nhanh, lượng giao dịch của ống nội đang vượt hơn đối thủ. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng đạt được của hàng ngoại lại “át vía” sản phẩm trong nước.
Ở phía người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm hàn nhiệt ngoại nhập mới chỉ giải quyết được điều kiện cần của hệ thống nước. “3 năm trước, lúc sửa nhà, tôi thuê 1 thợ về lắp và hàn ống nhiệt của Đức. Tưởng đã xong, nào ngờ mới đây phải đục tường để sửa ống. Kiểm tra mới biết, người thợ trước làm cẩu thả khiến cho mối hàn không chắc chắn và bung ra sau một thời gian sử dụng. Năm nay, tôi sẽ chọn ống nhựa Tiền Phong gắn keo cho… dễ sửa chữa”, chủ căn nhà 3 tầng tại mặt đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) chia sẻ.
Khó từ xin thủ tục tới chọn thiết kế
Liên quan tới nhà đất, thị trường BĐS là cả một trái núi thủ tục hành chính. Chẳng đâu xa, việc sửa sang cải tạo nhà tại mỗi ngõ nhỏ Thủ đô cũng gặp đủ lời ca thán.
Trao đổi với người viết, vợ chồng anh Tiệp (khu Tân Triều dẫn sang Văn Quán) than thở: Gia đình tôi định cải tạo phía trước ngôi nhà 2 tầng và lợp lại mái mà đang không dám làm.
Theo thủ tục, hộ gia đình phải xin phép xây dựng tại bộ phận một cửa chính quyền sở tại. Nhưng sau khi gia đình bên cạnh cho biết, việc xin phép sửa còn phức tạp hơn xây mới rất nhiều (đặc biệt sẽ rất “tốn công” nếu đất chưa có sổ đỏ) nên tôi đang tìm phương án khác.
Được biết, thủ tục xin phép sửa nhà còn phải trải qua bước khảo sát và chứng nhận bảo đảm an toàn kết cấu cũ - “một tiền gà, ba tiền thóc” là nhận định chung trong nhiều hộ gia đình đã “kinh qua” công việc này.
Những chủ nhân chung cư cũng có mối lo riêng khi chuẩn bị kế hoạch hoàn thiện, tu sửa các hạng mục căn hộ mình sở hữu. Mới dọn về căn hộ 2 phòng ngủ tại chung cư thuộc trung tâm quận Hà Đông, chị Lan đang loay hoay lựa chọn phương án gộp chung và tách riêng hai phần việc thi công - thiết kế căn hộ.
Chị Lan cho biết căn hộ rộng 80m2, được một kiến trúc sư thiết kế lại theo đúng yêu cầu về trần, tường, sàn, phân chia hạng mục vệ sinh. Kiến trúc sư này đặt vấn đề muốn thi công luôn theo bản vẽ. Tuy nhiên, giá kiến trúc sư đưa ra ngót gần 100 triệu đồng (chưa kể vật liệu) là vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình.
Thực tế, rất nhiều trường hợp chủ căn hộ chung cư đã tiết kiệm tối đa bằng cách tự thiết kế và tự “tuyển” thợ thi công theo ý mình. Hậu quả, không ít gia đình đã “hối không kịp” vì thợ làm sai thiết kế (vì… không hiểu ý tưởng của chủ nhà), hoặc trình độ thợ chỉ biết xây nhà cấp 4.
Kinh nghiệm cho thấy chủ nhân các căn hộ (đặc biệt là nhận bàn giao thô như hiện nay) không lựa chọn thuê trọn gói hoặc tự mình làm tất cả. Một căn chung cư phổ biến 90 - 120m2 chi phí thiết kế mặt bằng chung là 25 - 30 triệu đồng.
Tiếp đến, thuê một công ty chuyên thi công theo bản vẽ với hợp đồng kinh tế rõ ràng. Lợi ích: giá rẻ hơn nhiều so với mời từng đội thợ về thực hiện các hạng mục riêng lẻ. Công ty này sẽ quản lý và đảm bảo thi công mọi công việc theo đúng bản vẽ.
Cuối cùng, chủ nhà phải thực sự cẩn thận tỉ mỉ khi nghiệm thu. Nếu sai lệch theo bản vẽ, phải quyết liệt yêu cầu họ đền hợp đồng - đại diện một công ty chuyên tư vấn thiết kế tại quận Thanh Xuân khuyến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: