Top

Sốt căn hộ chung cư - chuyện đáng mừng?

Cập nhật 07/11/2007 12:00

Trong khi cơn sốt đã gây ra bất bình trong xã hội và làm nghị trường cũng phải nóng lên, và không ít yếu tố tiêu cực đã được thảo luận. Tuy nhiên, nhìn theo một góc độ khác, sốt chung cư cũng có điểm đáng mừng. Đó là điều chứng tỏ người dân đã nhận thức đúng và đi trước chính sách về phát triển đô thị văn minh.

"Mảnh đất cắm dùi" hay là tư duy tiểu nông

Khi xảy ra các cơn sốt nhà đất thì từ người dân cho đến các nhà lãnh đạo đều rất bức xúc và đều cho rằng thủ phạm của nó chính là “bọn đầu cơ, buôn bán nhà đất” và cùng nhau yêu cầu Chính phủ phải nghĩ ngay ra các loại thuế để đánh thật mạnh vào những người đầu cơ, buôn bán nhà đất.

Điều đó đúng hay sai?

Nếu tất cả chúng ta cứ giữ cách tư duy và hành động theo kiểu “bột phát” như vậy để “nếu sai thì ta lại sửa” thì cuối cùng khoảng cách tụt hậu của nước ta so với các nước sẽ càng ngày càng xa vời liệu ta có nghĩ? Và như vậy thì thời gian và vận hội của dân tộc mất đi thì chúng ta có xót xa không và ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?

Chúng ta phải dám khẳng định rằng:

Cơn sốt căn hộ chung cư vừa qua như ở các dự án The Vista hay Sky Garden III là cơ hội vàng cho các nhà hoạch định chính sách và người dân Việt thay đổi hoàn toàn cách tư duy lỗi thời về thị trường BĐS, để cùng nhau thống nhất và bắt đầu một tư duy hoàn toàn mới về thị trường này ở VN, nhưng trước hết, chúng ta cũng phải dũng cảm gạt đi những tư duy bảo thủ, tiểu nông để thừa nhận một sự thật đáng buồn là tư duy mới này thực tế lại không phải là mới trên thế giới.

Đối với người VN, mong muốn được sở hữu 30m2 hay 40m2 đất để xây dựng một căn nhà ở là nỗi niềm khát khao cháy bỏng và là trăn trở của không biết bao nhiêu thế hệ, nhất là những người đang sống ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Mong muốn như vậy là đúng hay sai? Câu trả lời là:

Mong muốn như vậy là rất sai. Và cội nguồn của sự mong muốn đó là lối tư duy cho rằng con người ta cần phải có “mảnh đất cắm dùi”. Không những thế nó là niềm tự hào đối với người có nó khi còn sống và là tài sản để lại cho con, cháu sau khi chết.… Lối tư duy này đã “ăn vào máu” thậm chí là cả là gien di truyền trong tất cả chúng ta!

Tại sao mong muốn đó lại là sai? Đó là vì:

- Xét về lợi ích quốc gia thì mong muốn như vậy là cực kỳ lãng phí về nguồn tài nguyên đất đai.

- Xét về thị trường thì mong muốn như vậy chính là nguyên nhân gây ra sốt đất.

- Xét về hậu quả thì mong muốn như vậy chính là nguyên nhân gây ra tệ nạn đầu cơ đất đai.

Nhà cao tầng: Văn minh đô thị

Ai cũng biết, lịch sử nền văn minh của loài người chỉ xuất hiện khi có rất nhiều người sinh sống tập trung tại một khu vực nhất định. Và khi đó mâu thuẫn đã nảy sinh giữa diện tích đất ở thì hạn hẹp trong khi số lượng các cư dân thì ngày càng tăng cao, đã kéo theo sức ép về nhu cầu nhà ở cũng ngày càng gia tăng.

Để giải quyết mâu thuẫn này các nhà kiến trúc và xây dựng đã tìm ra được giải pháp là xây dựng các toà nhà cao tầng. Và hệ quả là ngày nay, các thành phố lớn trên thế giới với các toà nhà chọc trời đã xuất hiện ngày càng nhiều và thực tế là các toà cao ốc ngày nay càng ngày càng phát triển nhiều hơn và cao hơn trước.

Từ lịch sử phát triển đô thị của loài người như vậy, có thể kết luận rằng: chính nhà ở cao tầng đã vừa là giải pháp vừa là động lực tạo ra cuộc sống văn minh đô thị.

Thực tế cũng cho thấy rằng rất nhiều các thành phố lớn và hiện đại trên thế giới hiện nay, thì cách đây vài chục năm như Thượng Hải ở Trung Quốc hay cách đây vài trăm năm như New York ở Mỹ thì họ đã thay thế các nhà thấp tầng bằng các cao ốc chứ chưa thấy có nước nào trên thế giới lại đi phá cao ốc đi để chia nhỏ đất ra và xây thành các ngôi nhà thấp tầng trên các mảnh đất hẹp đó để cho người dân của nước họ có được “mảnh đất cắm dùi” như ở nước ta.

Điều đó cũng lý giải tại sao trong khi diện tích đất đai của nước Mỹ nếu tính số m2 trên đầu người thì họ lớn hơn ta rất nhiều lần nhưng người Mỹ lại đi xây rất nhiều các cao ốc chọc trời tập trung ở các thành phố lớn như Chicagohay New York… Còn đất đai còn lại của họ thì rộng mênh mông để cho bò thì tha hồ mà gặm cỏ còn ngựa của họ thì thoải mái mà phi!!!

Điều này chúng ta ai cũng biết, các nhà hoạch định chính sách của chúng ta chắc chắn cũng biết.

Việt Nam: đất nước nông nghiệp và lãng phí đất đai

Còn nữa, người Mỹ có thu nhập GDP cao nhất thế giới chủ yếu là từ làm công nghiệp và thực chất nông nghiệp của họ làm chỉ là để “vui là chính” thế mà chính sách của họ lại cực kỳ tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai. Trong khi hiện nay, chúng ta đang làm nông nghiệp và rõ ràng là không thể “vui là chính” như họ được vì có đến trên 70% dân số nước ta đang sống dựa vào nông nghiệp thì ta lại đang cực kỳ lãng phí nguồn tài nguyên này.

Lối tư duy mỗi người dân có quyền có “mảnh đất cắm dùi” cùng với dân số tăng nhanh và bùng nổ kinh tế đã lấy đi rất nhiều đất để canh tác. Và hậu quả là chúng ta làm nông nghiệp mà lại không có đất thì nông dân canh tác vào đâu được?

Trong khi đó, kinh tế càng phát triển, đầu tư ngày càng nhiều, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài họ cũng đua nhau mở văn phòng tại các đô thị lớn, doanh nghiệp càng lớn càng phải chứng tỏ tiềm lực của mình qua toà nhà văn phòng hoành tráng. Sẵn có tiền trong tay họ cũng phải tìm cho được “mảnh đất cắm dùi” xứng đáng cho doanh nghiệp của mình.

Các thương gia muốn chứng tỏ cho đối tác của mình thấy mình là dân “làm ăn xịn”, không thể bị coi thường, vì thế có khi phải dồn hết vốn liếng để cố sắm sửa cho được một “mảnh đất cắm dùi” ở trung tâm thành phố.

Kinh tế càng phát triển, đất đai sử dụng cho phát triển công nghiệp ngày càng lớn, người nông dân thì một phần do mất đất canh tác, trở thành thất nghiệp, một phần do lực hút bởi chênh lệch mức thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng đã làm cho di dân từ nông thôn ra thành thị cũng vì thế ngày càng lớn. Ra thành phố, họ lại cũng cố gắng xoay xở để mà có “mảnh đất cắm dùi”.

Chưa hết, các gia đình khá giả ở các tỉnh cũng đổ xô nhau về các thành phố để mua nhà. Trước hết là cho con cái của họ để chúng có chỗ ở khi đang còn là sinh viên và sau là chỗ ở cho họ khi họ về hưu. Họ cũng quyết tâm phải tìm cho ra “mảnh đất cắm dùi” cho mình.

Đến lượt những chàng thanh niên hừng hực sức sống và quyết tâm lập nghiệp cách đây mười mấy năm về trước. Họ đã trót bán mất “mảnh đất cắm dùi” ở trung tâm thành phố, chấp nhận đi thuê nhà ở để lấy tiền đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của họ.
 
Rõ ràng là doanh nghiệp làm ăn tốt, có lãi nhưng tại sao sau bao nhiêu năm lăn lộn, vất vả mới tạo dựng được cơ nghiệp này mà bây giờ nếu bán đi tất cả thì vẫn không thể mua lại được “mảnh đất cắm dùi” khi xưa, vì giá của nó bây giờ đã quá cao rồi. Vậy thì phải chấp nhận đi tìm cho mình “mảnh đất cắm dùi” khác xa trung tâm vậy, vì nếu chậm chân thì có khi lại phải đi ở nhà thuê cho đến hết đời!

Trong khi đó mấy anh bộ đội ở quê ra đóng quân ở thành phố, may mắn lại được đơn vị cấp cho “mảnh đất cắm dùi”, hay mấy “tay” đi xuất khẩu lao động nước ngoài về nước, quê ở tỉnh xa và không tìm được việc làm, nhưng lại sẵn có tiền trong tay nên mua liền mấy mảnh đất thì sau gần 20 năm chẳng phải làm gì bỗng dưng giờ đây lại được gọi với cái tên rất đáng nể là các “đại gia”.

Vậy thì dại gì mà đi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cho nó khổ! Có tiền thì cứ đầu tư vào càng nhiều “mảnh đất cắm dùi” càng tốt. Vì ai cũng phải phấn đấu để có nó và người thì càng ngày càng đông ra chứ đất thì có đẻ ra được đâu!

Như vậy là một nguồn vốn rất lớn của xã hội đã bị chôn vào các ngôi nhà mà không thể gọi là văn minh đô thị được và không biết bao nhiêu “mảnh đất cắm dùi” này.

Trong khi các thành phố của chúng ta thì nhỏ bé, hầu hết là nhà thấp tầng và chính sách của ta lại không khuyến khích cho xây cao tầng trong nội đô nên nó đã phải oằn mình chịu áp lực ngày càng gia tăng về nhu cầu sử dụng.

Đến đây thì tại sao đất nước ta nghèo, thu nhập của người dân rất thấp nhưng giá đất ở các đô thị lớn của chúng ta như Hà Nội và TP. HCM thì thậm chí đắt ngang với giá đất các đô thị lớn trên thế giới thì chắc là điều ai cũng hiểu. Hay nói đúng hơn là chính sách nhằm thoả mãn mong muốn của người dân để ai cũng có quyền sở hữu một “mảnh đất cắm dùi” là rất sai lầm. Không những thế nó còn làm lãng phí một nguồn lực cực lớn của xã hội do không được sử dụng cho đầu tư phát triển kinh tế.

Sốt căn hộ chung cư cao cấp: Chuyện đáng mừng?

Câu hỏi được đặt ra là : Tại sao nhà ở cao tầng vừa là văn minh đô thị lại vừa tiết kiệm tài nguồn nguyên đất thế nhưng nhà cao tầng ở nước ta lại không phát triển? Và lẽ nào người dân Việt Namlại không thích sống trong các đô thị văn minh mà cứ cố tìm cho mình “mảnh đất cắm dùi” để sống ?

Câu trả lời là : Do chúng ta chưa có đô thị văn minh vì thế chúng ta chưa có nhiều nhà cao tầng. Và vì chưa có đô thị văn minh để sống nên người dân đành phải lựa chọn cho mình cuộc sống trên những “mảnh đất cắm dùi”.

Tuy nhiên, chính những “mảnh đất cắm dùi” thiêng liêng của chúng ta đã không những gây ra lãng phí nguồn tài nguyên đất quốc gia mà nhu cầu của mọi người dân tìm cách sở hữu nó đã gây ra giá đất cao tại các đô thị. Vì thế nó đã đẩy giá các căn hộ chung cư lên cao, không những thế nó còn làm hạn chế nguồn cung về đất cho các dự án nhà ở cao tầng, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên các cơn sốt chung cư.

Thế tại sao sốt chung cư lại là đáng mừng? Trong khi chính nó đã gây ra bất bình trong xã hội và đã làm nóng lên các cuộc họp Quốc hội đang diễn ra?

Sốt chung cư là đáng mừng vì nó chứng tỏ người dân chúng ta đã nhận thức đúng và đi trước chính sách của chúng ta về phát triển đô thị văn minh.

Họ đã quá nhiệt tình hưởng ứng cuộc sống trong các toà nhà cao tầng văn minh với các điều kiện sống tốt hơn hẳn trong ngôi nhà trên “mảnh đất cắm dùi” của mình.

Đúng ra, chính sách phát triển đô thị văn minh của chúng ta đã phải hoạch định từ lâu để dẫn dắt người dân từ bỏ “mảnh đất cắm dùi” thiêng liêng của mình, nhằm tiết kiệm tiền cho bản thân và tiết kiệm nguồn tài nguyên đất quí giá cho đất nước phát triển.

Nhưng ngược lại, giờ đây người dân lại đang chủ động dẫn dắt các nhà hoạch định chính sách làm điều đó thông qua hành động gây sốt chung cư của mình.

Cuối cùng, chúng ta phải khẳng định dứt khoát rằng: Nhà đất phải là hàng hoá. Có như vậy, các chính sách về nhà đất khi ban hành cần phải đặc biệt quan tâm đến việc liệu nó có làm cho tính thanh khoản của nhà đất thấp đi khi áp dụng hay không?

Tính thanh khoản cao thì nhà đất “dễ mua, dễ bán” thị trường sẽ phát triển bình thường. Nếu tính thanh khoản thấp thì nhà đất “khó mua, khó bán” thị trường trì trệ. Nhưng thị trường không thể trì trệ mãi. Chính vì vậy khi nó đến một ngưỡng nhất định của trì trệ thì nó sẽ bùng lên và đây chính là lý do tạo ra "cơn sốt".

Theo VietNamNet