Sau khi đất một số huyện bị đẩy lên quá cao, hơn một tháng trở lại đây, khu vực Sóc Sơn (cách trung tâm thủ đô hơn 30 km hướng Đông Bắc) được nhiều nhà đầu tư tìm đến, giá tăng gấp 3-4 lần thời điểm cuối năm 2010.
Qua thị trấn Sóc Sơn sầm uất, sâu vào hơn 1 km đường Đền Gióng là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát xen kẽ với những ngôi nhà lụp xụp cùng một vài ô đất bỏ hoang. Thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn có hàng chục lô đất được xây tạm vài ba hàng gạch vuông vắn để khẳng định chủ quyền. Hỏi những người dân trong thôn, cụm từ "đất của người Hà Nội" mua từ tháng trước được nhắc đi nhắc lại.
Dọc đường Đền Gióng, nhiều quán trà đá mọc lên san sát nhau. Giới thiệu là người đến mua đất, du khách sẽ được đón tiếp nhiệt tình. Với 5,000 đồng mỗi cốc trà đá, đắt hơn khoảng 4,000 đồng so với giá bán cho người dân trong thôn, người mua sẽ được chủ quán trà chỉ bảo nhiệt tình nên mua đất ở đâu, vị trí nào thuận tiện.
Đường Đền Gióng có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau. Ảnh: Hoàng Lan
|
Ông Nguyễn Tuấn, chủ quán trà đá vốn là cán bộ chuyên lo giấy tờ nhà đất đã nghĩ hưu cho hay, đất thôn Vệ Linh chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm đã tăng từ 1.2 triệu lên 5.5 triệu mỗi m2 bởi cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Một tháng đổ lại đây, ông đã làm thủ tục chuyển nhượng giấy tờ nhà đất giúp khoảng hơn chục người. Người đàn ông ngoại tứ tuần với tay chỉ, từ đây đến đền Sóc chỉ khoảng 3 km, đi thêm 2 km là lên tới đường đi Thái Nguyên. “Khu vực này có nhiều đền chùa, đi sân bay Nội Bài hoặc Thái Nguyên đều thuận tiện. Ngoài ra, thôn Vệ Linh còn gần sân golf Quốc tế và khu quy hoạch sinh thái nên được nhiều người hỏi mua”, ông Tuấn nói.
Ông Hoàng Sơn, một người dân trong thôn cũng cho hay, cách đây nửa tháng, ông đã bán 1,000 m2 đất thổ cư cho 5 anh em ở Hà Nội. Cả nhà họ đã chia nhau, người mua xong bán luôn, người giữ lại định xây ngay nhà nghỉ phục vụ mùa du lịch. Ông Sơn cho hay, đất ở Sóc Sơn được chia ra làm nhiều loại. Loại một ở gần mặt đường có giá phải trên 10 triệu đồng. Càng vào sâu, giá đất càng giảm. Ngoài việc quan tâm đến thế đất, khách mua còn để ý đến hướng đường lớn. Nếu cùng chiều, song song với đường lớn hợp phong thủy, giá đất sẽ cao. Ngược lại, nếu phải rẽ ngược chiều với đường lớn, giá đất sẽ giảm.
“Người Hà Nội thấy ưng là ‘quật’ luôn. Người ta thích là mua là đặt cọc, vì đất có bao giờ xuống. Nay mua đắt thì mai bán đi lại thấy giá ngày xưa mua quá rẻ”, ông Sơn cho hay.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, đất Minh Phú, Minh Trí, Nam Cương, Bái Thượng, Phù Linh, Thanh Xuân được coi là tâm điểm của thị trường Sóc Sơn trong hơn một tháng đổ lại đây. Thời điểm cuối năm 2010, giá đất những khu vực này chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng mỗi m2 nhưng đến nay đã lên tới 7-8 triệu, thậm chí một số khu vực gần đường lớn lên tới 18-30 triệu đồng. Thông tin các trường đại học di dời đến và cơ sở hạ tầng giao thông ổn định, dự án sân golf Quốc tế đang triển khai, tuyến đường 35 mở rộng… khiến giá đất Sóc Sơn tăng chóng mặt.
Khu vực Phù Linh Sóc Sơn cũng được nhiều người quan tâm. Ảnh: Hoàng Lan.
|
Chị Phương Thu (Hà Nội) cho hay, sau khi liểng xiểng vì đầu tư chứng khoán, chị cùng 2 người bạn thân góp tiền đầu tư bất động sản. Vị trí đầu tiên chị nhắm đến là đất Đông Anh. Nhưng sau khi khu vực này bị đẩy lên quá cao, nhóm bạn của chị chuyển hướng sang khu vực Sóc Sơn. Đất vùng này có cơ sở hạ tầng thuận lợi, lại có thông tin các trường đại học sắp di dời đến nên theo chị tính toán đất sẽ lên. Lùng sục khắp nơi, cả nhóm bạn của chị quyết tâm mua hơn 300 m2 đất tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Ninh và gần 250 m2 thôn Cầu Ngắm xã Minh Phú. Cả hai miếng đất đều có sổ đỏ chính chủ, bốn mặt đều là ngõ đường đi rộng rãi, ôtô đi vào tận nhà, gần quốc lộ 35 sang sân bay Nội Bài lại có 4 mặt ngõ bao quanh với giá hơn 3 triệu đồng mỗi m2. Chưa đầy hai tháng sau, chị đã bán được với giá 6 triệu đồng mỗi m2, lãi 3 triệu đồng so với số tiền bỏ ra ban đầu.
“Đa số người dân chỉ bán từ 250 m2 đến 1,500 m2 trở lên nên phải hùn vốn để đầu tư. Chỉ nên mua đất có sổ đỏ chính chủ để phòng ngừa bất trắc, nếu chưa lướt được ngay thì cũng không lo ngại giá đất sẽ hạ”, chị Thu chia sẻ
Chị Thu cho hay, giá đất Sóc Sơn tăng nhưng cũng không loại trừ trường hợp cò đất tự đẩy lên. Nếu người mua không tỉnh sẽ mắc phải bẫy cò. Chị Thu cho biết, chuyện vợ chồng cùng đóng vai trò môi giới, đua nhau thổi giá đất là chuyện thường tình ở huyện. “Cò chồng” và “cò vợ” cùng lúc đóng hai vai người mua và người bán. Khi thấy khách lạ hỏi mua, "cò chồng" vống giá cao hơn khoảng 2-3 triệu đồng tùy, "cò vợ" đóng vai khách mua ngã giá nhưng thực chất là làm cho khách mua cảm giác phải mua ngay nếu không sẽ mất cơ hội.
“Trước khi mua, chúng tôi phải tham khảo giá rất nhiều, hỏi han những người dân xung quanh và căn cứ vào những giao dịch thực để xác định giá”, chị Thu chia sẻ.
Cải tạo nâng cấp đường 16 huyện Sóc Sơn khiến giá đất tăng chóng mặt. Ảnh: Hoàng Lan.
|
Trao đổi với Phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ông Nguyễn Văn Nguyệt cho hay, giá đất Sóc Sơn tăng là do thông tin quy hoạch Sóc Sơn là một trong 5 vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn có đền Sóc, hội Phật giáo, sân golf Quốc tế và dự kiến sẽ có thêm một sân bay vào năm 2020 nên giá đất tăng là chuyện dễ hiểu. Trước đó, dự kiến quy hoạch Sóc Sơn còn có 600 ha xây dựng trường đại học, 1,000 ha xây khu công nghiệp sạch, 4,500 ha xây khu du lịch sinh thái. Huyện cũng đang đề xuất Sóc Sơn là thành phố trung tâm khu du lịch đào tạo nhưng chưa được phê duyệt.
Cũng theo ông Nguyệt, giá đất tại một số huyện thuộc khu vực Hà Nội đã quá cao nên người dân đổ về Sóc Sơn để đầu tư. Ông có nghe một số xã phản ánh chuyện người dân đi buôn đất như đi chợ mua rau khiến giá đất tại một số khu vực gần sân bay tăng gấp 2-3 lần.
"Người dân thấy giá đất rẻ thì đổ xô đi mua rồi lại bán đi để kiếm lời trong đó có cả cò đất. Nhưng tôi cho rằng, chuyện giàu có nhờ kinh doanh đất đai là do duyên số. Các nhà kinh doanh cần phải tìm hiểu cụ thể kỹ lưỡng trước khi đầu tư", ông Nguyệt cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: