Trước thông tin lãng phí quỹ nhà ở tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP.HCM khi nhiều công trình đã hoàn thành nhưng tỷ lệ dân vào ở không cao, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng cần có cái nhìn toàn diện đối với vấn đề TĐC của TP.HCM.
Trả lời giới truyền thông tại buổi họp báo quý I/2016 của Sở Xây dựng TP.HCM mới đây, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở cho biết, về chương trình TĐC không nên chỉ đánh giá ở khía cạnh kinh tế, kinh phí đầu tư mà chương trình này còn mang ý nghĩa về mặt an sinh xã hội.
Trong nhiều năm qua, TP.HCM liên tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này đòi hỏi phải có quỹ nhà TĐC để ổn định cuộc sống người dân sau giải tỏa.
Điển hình, sau 20 năm thực hiện chương trình cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố, đã có 36.000 nhà dân bị giải tỏa, đồng nghĩa với việc dân phải có nơi TĐC, nếu không đầu tư, những người này không biết đi về đâu, vì nhiều người trong số đó tiền bồi thường không đủ để tiếp cận nhà ở thương mại.
Do vậy, chương trình TĐC góp phần lớn cho sự phát triển của thành phố, cải thiện đời sống người dân. Hơn nữa, cơ sở pháp lý để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tổ chức TĐC thay đổi liên tục, một dự án TĐC không thể trong một ngày một buổi là có đất để triển khai. Ngay như khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã phải mất 8 năm để GPMB mới có thể triển khai.
Với khu TĐC Vĩnh Lộc B, thành phố đã chi 1.000 tỷ đồng xây dựng 2.000 căn hộ, 300 nền đất và hạ tầng xã hội với mong muốn đưa người dân về đó.
Song, thực tiễn lại cho thấy TĐC cho người dân không chỉ là bố trí căn hộ, mà còn gắn với công ăn việc làm, học tập, đi lại nên đây cũng là bài học kinh nghiệm. Để dân vào ở tại khu TĐC Vĩnh Lộc B, thành phố áp dụng chính sách bán căn hộ nhưng trả góp theo dạng nhà ở xã hội.
12.500 căn hộ TĐC ở Thủ Thiêm cũng tương tự. Với mong muốn phát triển đô thị theo quy hoạch bài bản ở phía Đông thành phố, bên cạnh nhà thương mại, người dân trong diện giải tỏa phải được bố trí TĐC tại chỗ.
Song ở thời điểm này, chính sách đền bù có sự thay đổi, theo đó, người dân có thể chọn phương án nhận tiền và tự tìm nơi định cư mới, một số vẫn TĐC tại chỗ nên có hiện tượng dư nhà TĐC.
Tất nhiên kinh phí để xây dựng 12.500 căn TĐC có một số huy động của doanh nghiệp (DN) xây dựng (theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng hoặc thành phố sẽ hoàn tiền cho DN) nhưng để tránh lãng phí và có nguồn thu để thanh toán các khoản lãi vay, Sở Tài chính đã đưa ra nhiều phương án giải quyết cho nguồn nhà ở TĐC dôi dư.
Chẳng hạn, với Vĩnh Lộc B, thành phố đã bán đấu giá trên 1.000 căn cho DN, còn với 12.500 căn cũng đề xuất nhiều phương án như xác định quyền sử dụng đất theo giá thị trường, cấn trừ căn hộ và phần nào sẽ giao lại cho thành phố để xác lập vào quỹ dự phòng nhà ở, phần nào bán cho DN để thu hồi vốn...
"Ở góc độ quản lý, quỹ nhà ở dự phòng cho một đô thị lớn như TP.HCM phòng khi có sự cố là điều không thừa, lẽ dĩ nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế, nhưng không thể vì sợ lãng phí mà TP.HCM không có sự chuẩn bị về nguồn nhà ở cho người dân khi tiến hành đền bù giải tỏa để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật", đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sàu Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: