Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ở, sinh hoạt của công nhân, Sở Xây dựng đang kiến nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở, đề xuất phương án xây dựng mới và mở rộng nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa trong các khu nhà ở công nhân.
Rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân
Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với quy mô trên 1.700 ha đất và khoảng trên 144 nghìn công nhân. Trong đó, có 4 KCN đã bố trí đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở công nhân là: KCN Phú Nghĩa, KCN Thăng Long, KCN Quang Minh II, KCN Thạch Thất-Quốc Oai (Công ty TNHH Young Fast và Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam tự bố trí quỹ đất trong diện tích đất được thuê để xây dựng nhà ở công nhân).
Có 4 KCN không thể điều chỉnh tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân gồm: KCN Nội Bài, KCN Sài Đồng, KCN Nam Thăng Long, KCN Thạch Thất-Quốc Oai (đất xây dựng nhà ở công nhân cho cả khu công nghiệp).
Hiện nay, TP. Hà Nội đang giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân. Với KCN Quang Minh I, Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư KCN điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp sử dụng 41 ha tại xã Kim Hoa, thị trấn Chi Đông (thuộc phần diện tích 63 ha đất quy hoạch KCN Quang Minh mở rộng) tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân lao động trong khu công nghiệp.
Với KCN Quang Minh II, Thành phố đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp tạo quỹ đất (khoảng 14 ha) dành cho xây dựng nhà ở công nhân và giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc hướng dẫn Công ty TNHH đầu tư Hợp Quần điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp nhằm phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch phân khu.
Tạo điều kiện xây dựng nhà trẻ, trường học, khu văn hóa
Hiện nay, tại KCN Phú Nghĩa đã được đầu tư 1 nhà trẻ với diện tích đất 1.600 m2, cao 2 tầng, quy mô đào tạo 200 cháu. KCN phía Bắc Thăng Long đã đầu tư 1 nhà trẻ với diện tích trê 5.000m2, đáp ứng cho 9 nhóm lớp học với 220 cháu.
Ngoài ra, UBND huyện Đông Anh đã giao cho Ban Quản lý dự án huyện thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm 1 trường mầm non, 1 Trung tâm giao lưu văn hóa cộng đồng, hiện đang trình thẩm định dự án và sắp khởi công xây dựng.
Khu công nghiệp Nam Hà Nội cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó có đất giáo dục gồm ô đất xây dựng trường tiểu học với quy mô đất khoảng trên 4.000m2, bố trí khoảng 343 học sinh; ô đất xây dựng 2 nhà mẫu giáo với quy mô gần 4.000m2, đáp ứng 364 cháu.
Như vậy, các KCN đã có quy hoạch cần phải đầu tư xây dựng nhà trẻ đồng bộ với xây dựng khu nhà ở công nhân để bảo đảm sinh hoạt cho công nhân tại các khu công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp đang điều chỉnh quy hoạch cần bổ sung, bố trí đủ trường học, nhà trẻ cũng như các công trình văn hóa thể thao phục vụ cho công nhân khu công nghiệp theo quy định.
Về nhà văn hóa, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết bố trí nhà văn hóa với quy mô diện tích đất khoảng 906m2, cao 3 tầng; trạm y tế; công trình công cộng. Khu công nghiệp phía Bắc Thăng Long được phê duyệt Trung tâm văn hóa-thể thao với diện tích khoảng 5.400 m2; do UBND huyện Đông Anh làm chủ đầu tư.
Hiện tại, TP. Hà Nội đã giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Kế hoạch triển khai công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, trong đó có nội dung bố trí quỹ đất và các nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Mục tiêu là đến năm 2018 hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố bảo đảm diện tích quy hoạch tối thiểu dành cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và các công trình phúc lợi xã hội khác từ 2.000m2 trở lên.
Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Sở, ngành kiểm tra, rà soát lập danh mục các công trình về nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa thể thao cần đầu tư xây dựng phục vụ cho công nhân người lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn, đề xuất nguồn vốn đầu tư.
Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và quận, huyện có khu công nghiệp trên địa bàn rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, đồng thời bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa (trung tâm thể thao, nhà trẻ, trường học.
Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cần tham mưu để bố trí đủ quỹ đất ở dành riêng cho công nhân, người lao động khi tổ chức lập, trình duyệt các đồ án quy hoạch các khu công nghệ cao, khu công nghiệp; theo dõi sự biến động nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để báo cáo Thành phố và theo dõi, giám sát các chủ đầu tư dự án nhà ở phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp đảm bảo xây dựng nhà ở đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa…).
Sở Xây dựng sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp mẫu nhà ở xã hội riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho công nhân (trong đó có thanh niên) đang làm việc tại các KCN thuê ở theo tiêu chuẩn thiết kế và điều kiện tối thiểu tại các KCN.
DiaOcOnline.vn - Theo VGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: