Có một chuyện trớ trêu trong ngày 1/4 vừa rồi. Ấy là khi TT&VH liên lạc với một giáo sư trong ngành văn hóa để hỏi ý kiến về trường hợp Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Vài ngày trước, ông Giám đốc Lưu Minh Thành của khu vườn đã được công nhận là Di sản Thế giới ấy liên tục được dư luận kêu tên. Lí do: toàn bộ 11 cuốn sổ đỏ của di sản được ông Thành... hồn nhiên mang đi cầm cố để vay tiền cho dự án trồng rừng phòng hộ.
Mới đi xa về, vị giáo sư tưởng rằng đó là tin “vỉa hè” theo kiểu ất ơ. Nghe câu chuyện trong ngày Cá tháng Tư, sự quả quyết của ông lại càng lớn hơn bao giờ hết. Chỉ tới khi ông tận mắt đọc những gì báo chí viết, người viết mới được... minh oan. Còn, với câu chuyện “thật như đùa” ấy, sự vui vẻ ban đầu của giáo sư sớm tắt và chuyển sang chán nản. Ông xua tay, cau có: ý kiến gì nữa. Như thế đúng hay sai, mọi người rõ cả rồi.
Nguôi cơn bực, vị giáo sư nói thêm: nói mấy vị lãnh đạo ngành văn hóa ở Quảng Bình có lỗi thì đúng. Nhưng, của đáng tội, giàu trí tưởng tượng đến mấy, chắc cũng chẳng ai lường trước được chuyện có ngày ông Giám đốc Vườn quốc gia dám làm việc “động trời” này. Rồi ông kết luận: mà thôi, kém hiểu biết hay làm liều thì cũng thế!
Cũng nói thêm về chuyện di sản và sổ đỏ. Gần chục năm trước, báo chí từng không ngớt lời than vãn về chuyện cả chục vuông đất nằm giữa khu vực Thành nhà Hồ (khi đó chưa trở thành Di sản thế giới) được chính quyền cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Kết quả: trong quá trình làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO, chính quyền địa phương đã phải rất mất công xử lý để di dời toàn bộ các hộ dân này.
Tương tự, trong năm 2012, khi khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng Tràng An để đệ trình lên UNESCO, tỉnh Ninh Bình cũng rất đau đầu để giải quyết việc một số nhà máy xi măng có mỏ đá nằm lọt trong vùng danh thắng từ trước khi quy hoạch.
Nghĩa là, từ trước tới nay, chúng ta thường chỉ chú ý tới khả năng được UNESCO công nhận một di sản nào đó mà quên đi rằng trách nhiệm luôn đi kèm với việc vinh danh. Trách nhiệm ấy có thể là ý thức biết tự chấp nhận những thiệt thòi để cân bằng bài toán giữa phát triển kinh tế - bảo tồn di sản, và cũng có thể là việc chuẩn bị một tâm thế rằng di sản ấy sẽ bị dư luận “soi” kĩ hơn nhiều so với mức bình thường.
Chúng ta đang cần chuẩn bị tốt tâm lý ấy để tránh gặp những chuyện “thật như đùa” giống trường hợp Phong Nha - Kẻ Bàng. Xin nhớ, trong năm 2013 này, VN đã có ít nhất 3 bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO và chờ tin vui vào năm 2014 tới.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: