Bộ GTVT đang nghiên cứu mật độ dân cư ở "siêu dự án" tác động như thế nào đến giao thông.
Trả lời báo chí liên quan đến "siêu dự án" ở khu vực ga Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết đơn vị đã nhận được văn bản xin ý kiến của Hà Nội và đang nghiên cứu góp ý phù hợp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, đây là quy hoạch đúng, vì không chỉ là quy hoạch riêng cho ga Hà Nội mà quy hoạch chung của Hà Nội trong xây dựng Thủ đô, trong đó có ga Hà Nội mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý.
Với góc độ giao thông, ông Đông khẳng định đơn vị đang nghiên cứu mật độ người dân sống trong khu vực và tầng cao của công trình. Theo đó, đánh giá chung hiện nay Hà Nội và TPHCM đang quá tải về hạ tầng giao thông. Đất dành cho giao thông chỉ khoảng 7-8%, trong khi tỷ lệ này tại các nước từ 16-26%, với đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ phải trên 22%: "Như vậy, so với các nước trên thế giới, quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TPHCM chỉ được 1/3, vì vậy áp lực người và mật độ đè nặng lên hạ tầng giao thông, nên đây là yếu tố phải xem xét kỹ...", ông Đông nói.
Bộ GTVT đang nghiên cứu quy hoạch của Hà Nội và dự kiến đề xuất xây nhà cho thuê để tăng nguồn thu. Ảnh: VIẾT LONG |
Ông Đông cũng khẳng định, ga Hà Nội được xác định là trung tâm và tương lai có liên vận quốc tế, chạy xuyên Thủ đô, nên phải xem xét mật độ hành khách và lưu lượng giao thông quốc gia. Theo quy hoạch mới nhất của giao thông Hà Nội mà Chính phủ mới phê duyệt thì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đi vào tận ga Hà Nội. Do đó phải tính mật độ này trong mật độ chung giao thông.
Đề án của Hà Nội theo ông Đông, Bộ GTVT nhận thấy không có việc xây dựng nhà cao tầng trong lõi ga Hà Nội. Nên việc tác động của nhà cao tầng trên lõi ga Hà Nội là không có.
"Tuy nhiên theo quyết định của Chính phủ khi làm đường sắt đô thị số 1, yêu cầu đề ra là phải khai thác xã hội hóa ga Hà Nội nhằm tăng nguồn thu và đầu tư như văn phòng, thương mại (không phải nhà ở). Nên chúng tôi cũng rất muốn góp ý với quy hoạch là phải xem xét xác định không gian được phép bao nhiêu trong khu vực lõi ga để triển khai các dự án xã hội hóa như quyết định của Chính phủ” - ông Đông khẳng định.
Trước đó, TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.
Theo đó, thành phố đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Để thực hiện các chức năng trên, đồ án quy hoạch 9 phân vùng chức năng gồm khu văn hóa thấp tầng; các khu tài chính cao 40-70 tầng; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng.
Chiều cao công trình từ 100-200 m xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có một công trình điểm nhấn cao 200 m tại phía tây bắc hồ.
Về phân kỳ đầu tư, đồ án đưa ra ba giai đoạn. Giai đoạn một đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và tập thể Văn Chương; tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.
Giai đoạn hai (đến 2030) sẽ xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ; xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt.
Giai đoạn ba (từ 2025 đến 2035) gối đầu với giai đoạn hai đảm bảo 100% nhà tái định cư để thúc đẩy phát triển; xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.
Được biết bản Đồ án trên do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì lập, dưới sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản). Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98,1 ha; với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó, tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Vốn đầu tư theo đồ án là khoảng 23.800 tỉ đồng, trong đó Hà Nội đảm nhận nguồn vốn khoảng 700 tỉ đồng cho toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch cho biết, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khu vực ga Hà Nội bị hạn chế chiều cao công trình. Do đó, thành phố phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Thủ tướng có chỉ đạo thận trọng về "siêu dự án"
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội "thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững".
DiaOcOnline.vn - Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: