Top

Siết cung gây thêm sức ép

Cập nhật 08/11/2012 14:00

Chủ trương hạn chế nguồn cung mới trên thị trường của Bộ Xây dựng đang khiến không ít chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp lo lắng, bởi nếu được chấp thuận, hàng loạt dự án sẽ phải tạm dừng.

Siết cung do quá nhiều hàng tồn

Đối với những dự án chưa GPMB sẽ phải tạm dừng, những dự án đã GPMB nhưng chưa san nền nếu là BĐS nhà ở cũng phải dừng lại. Đối với những dự án này, sẽ không thu hồi mà khuyến khích nhà đầu tư cho người dân canh tác trở lại hoặc chính chủ đầu tư chuyển đổi theo hướng canh tác.

Ông TRỊNH ĐÌNH DŨNG,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS đã trải qua một giai đoạn phát triển tự phát, phong trào, không theo quy hoạch, dẫn đến việc dư thừa nguồn cung, hàng ngàn căn hộ không bán được.

Hàng tồn kho trở thành một nút thắt, một điểm mấu chốt trong việc khai thông thị trường BĐS. Để giải quyết triệt để vấn đề này, một trong những biện pháp cấp bách là tạm thời hạn chế nguồn cung mới đổ vào thị trường BĐS. Phương án này càng nhiều khả năng thành hiện thực hơn khi nhận được sự đồng tình của TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội, sở sẽ tạm đình chỉ các dự án mới hoặc các dự án đang chờ phê duyệt nhằm giảm lượng cung hàng ra thị trường. Ông Hải cũng kiến nghị các ngân hàng chỉ nên bơm vốn cho các dự án đang hoàn thiện và kiên quyết nói không với các dự án mới triển khai hoặc mới làm xong móng.

Những thông tin này, dù được đánh giá sẽ phần nào trợ giúp cho thị trường BĐS trong cơn “bệnh nặng”, nhưng lại khiến hàng loạt chủ đầu tư chưa triển khai được dự án, đặc biệt là những người đang có dự án bị đình trệ do điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, không khỏi lo lắng.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội, thủ đô hiện đang có đến 1.047 dự án phải GPMB với tổng diện tích đất phải thu hồi 10.358ha. Tính đến hết tháng 7-2012, mới chỉ hoàn thành thu hồi đất 67 dự án và 43 dự án theo phân kỳ đầu tư. Mặc dù chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn trong số gần 1.000 dự án chưa GPMB, có một con số không nhỏ là các dự án BĐS.

TP Hà Nội cũng còn khoảng 500 dự án vướng quy hoạch, chưa được phép triển khai. Trong số đó, những dự án thuộc địa bàn Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất (thuộc tỉnh Hà Tây và Hòa Bình trước đây) gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác đền bù, GPMB.

Doanh nghiệp BĐS và nhà đầu tư thứ cấp phản ứng

Nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được chấp thuận, số phận của hàng trăm dự án còn dở dang trên địa bàn TP sẽ càng “bi đát”. Không chỉ bế tắc khi không thể triển khai để thu hồi vốn, những dự án này chắc chắn sẽ lại tiếp tục phải đợi một thời gian rất lâu nữa mới được thành hình.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) đầu tư sẽ chia làm 2 xu hướng. Một là không ảnh hưởng gì vì thực chất họ đã chấp nhận bỏ dự án không triển khai nhiều năm qua, khi thị trường bắt đầu lao dốc. Hai là sẽ chịu ảnh hưởng lớn vì số tiền đổ vào để GPMB không hề nhỏ. Chưa kể có hàng trăm dự án BĐS chủ đầu tư đã đổ hàng ngàn tỷ đồng vào nhưng vẫn đang bế tắc, thậm chí không thể triển khai được dù đã GPMB đến 90-95% dự án.

Những dự án như thế này nguy cơ sẽ phải dừng lại, chuyển đổi theo hướng canh tác. Ảnh: D.SAN

Theo một doanh nghiệp có dự án tại Hoài Đức, nếu Nhà nước chỉ có những biện pháp bắt buộc mà không có chính sách hỗ trợ, nhiều DN chắc chắn sẽ “chết”. “Đổ cả trăm, cả ngàn tỷ đồng vào GPMB, lại gặp thời điểm thị trường khó khăn, DN đã rất vất vả để chống chọi. Nếu dự án không được triển khai trước mắt chúng tôi cũng chưa biết “sống” như thế nào” - DN này cho biết.

Theo ông Đoàn Châu Phong, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex, nếu Nhà nước áp dụng, việc điều chỉnh dự án cần phải tiến hành nhanh chóng để có thể giúp DN tìm những cơ hội mới. Nếu lại phải mất cả năm mới xong thủ tục, thị trường đã chuyển sang hướng khác, DN đã khó lại càng thêm khó.

Không chỉ các chủ đầu tư lo lắng, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đang ở trong tình cảnh bất an, bởi trên thực tế, rất nhiều dự án tiến hành huy động vốn khi chưa xong GPMB. Nếu các dự án này phải dừng lại, số tiền này nghiễm nhiên sẽ bị “chôn” ở đây vô thời hạn. Nhiều người nhận định, nếu những kiến nghị của Bộ Xây đựng được hiện thực hóa, việc các nhà đầu tư thứ cấp kiện tụng, đòi lại tiền đã góp vốn sẽ càng phổ biến.

Và những vụ việc như CTCP Đầu tư Trường Phúc đệ đơn lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Sỹ Ngàn (có trụ sở tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - chủ đầu tư dự án Ngọc Viên Island tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) để đòi lại khoản vốn hơn 5 tỷ đồng đã góp vào dự án chắc chắn sẽ còn diễn ra.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn