Top

Siết chặt công tác quản lý đất đai

Cập nhật 18/01/2019 13:08

                                   
Một dự án bất động sản đang triển khai xây dựng trên địa bàn quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý đất đai gần đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Thanh tra thành phố đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, nguồn lực về đất đai tại thành phố hiện nay chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực, thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn… Nguyên nhân là do công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. Theo nội dung văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, có 10 lỗ hổng và chín hạn chế của hệ thống pháp luật và trong quản lý nhà nước về đất đai khiến hiệu quả kinh tế đất - tài chính đất đai bị giảm sút, làm giảm thu ngân sách, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Những lỗ hổng mà Hiệp hội này nêu ra, đó là: Có tình trạng chỉ định nhà đầu tư dự án không đúng đối tượng, không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi; bán chỉ định đất công cho nhà đầu tư với giá thấp so với giá thị trường mà không thông qua phương thức đấu giá công khai, không đúng quy định pháp luật. Thành phố còn lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước, nhất là DN có nhiều quỹ đất giá trị cao. Quá trình thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, nhất là DN có nhiều quỹ đất giá trị cao chưa được quản lý chặt chẽ. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để chỉ định nhà thầu không thông qua phương thức đấu thầu, dẫn đến trường hợp, nhà thầu có thể vừa được nhận thầu công trình theo giá tốt, vừa được nhận quỹ đất phát triển dự án bất động sản với lợi nhuận cao. Một số cơ quan, đơn vị đang sử dụng mặt bằng đất công đã hợp tác đầu tư với DN tư nhân để phát triển dự án kinh doanh, dịch vụ, nhưng giá trị thương quyền của mặt bằng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại do đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số cơ quan chính quyền cấp cơ sở không thống kê, báo cáo đầy đủ quỹ đất công trên địa bàn, nhất là các thửa đất nhỏ, hẹp, tùy tiện cho phép khai thác sử dụng, kinh doanh; hoặc để đất công bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. Hiện vẫn tồn tại tình trạng cho thuê đất công với giá thấp so giá thị trường; hoặc chuyển nhượng quỹ đất dự án của DN nhà nước cho tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường, không đúng quy chế. Có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và DN để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho DN mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Thủ tục hành chính, quy trình xác định giá, thẩm định giá đất cụ thể của dự án; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trên thực tế bị kéo dài cũng dẫn đến thất thu ngân sách, giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã quá ba năm phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ thực hiện. Đồng thời, đề xuất xử lý các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa triển khai thực hiện, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 1-7-2014. Bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, DN tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4… Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai; nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, giảm tình trạng khiếu nại vượt cấp…

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc khai thác đất công phải tuân theo thị trường, tổ chức bán đấu giá, giao đất làm dự án cho chủ đầu tư có năng lực và phù hợp với quy hoạch. Thành phố sẽ thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thất thoát tài nguyên đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự câu kết giữa tư nhân và người có thẩm quyền nhằm hợp thức hóa việc biến tài sản công thành tài sản tư hay có sự ưu ái từng vấn đề về định giá, bán đấu giá nhưng hạn chế đối tượng.

Chính vì vậy, thành phố cần xử lý nghiêm tất cả các vụ việc đã xảy ra sai phạm. Nếu người có chức vụ sai phạm thì càng phải điều tra làm rõ, xử lý công bố cho người dân giám sát. Đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành thay đổi chính sách về sử dụng tài sản công (thể hiện trong Luật Đất đai 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Luật Đầu tư công) để thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc đấu giá công khai. Thực hiện được điều này, sẽ giúp dự án tiến hành nhanh hơn, đơn giản hơn, từ đó, Nhà nước chủ động thực hiện các công trình hạ tầng, rút ngắn thời gian thực hiện, giảm vốn đầu tư và mang lại hiệu quả cho xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước cần thu hồi và quản lý các diện tích đất có nguồn gốc tài sản công; khi giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc đấu giá, công khai minh bạch các dự án đầu tư công, quản lý nguồn đất công để nhân dân giám sát.



Diaoconline.vn – Theo Báo Nhân Dân