Top

Siết các sàn bất động sản

Cập nhật 08/07/2012 08:15

Hiện TPHCM có 358 sàn giao dịch bất động sản hoạt động, 56 sàn đã ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác nhưng không thông báo với các cơ quan quản lý

Dù các sàn giao dịch bất động sản (gọi tắt là sàn BĐS - PV) được thành lập với mục đích giúp thị trường lành mạnh hơn, thế nhưng thực tế cho thấy trong hoạt động vẫn còn nhiều bất cập. Vì thế mới đây, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM đã ban hành một số văn bản nhằm chấn chỉnh tình hình.

Mua qua sàn cũng “lãnh đạn”

Được xem như gác cổng cho những giao dịch BĐS hình thành trong tương lai nhưng một số đơn vị vẫn chưa thoát khỏi lốt “cò” nhà đất bởi cách làm ăn chụp giựt và kết quả là nhiều khách hàng trở thành nạn nhân của những dự án dỏm, bị chủ đầu tư kém năng lực lừa đảo. Điển hình là vụ hàng trăm khách hàng dính bẫy lừa đảo của cặp vợ chồng giám đốc Công ty TNHH XD-TM Sài Gòn Cây Cảnh (Nguyễn Văn Tình, SN 1962 và Nguyễn Thị Chí Sương, SN 1967) bán đất nền dự án khu dân cư (KDC) Tam Phước, tỉnh Đồng Nai.

Trong vụ án đang chờ được xét xử lại này có dính dáng đến 2 công ty có trụ sở và sàn BĐS tại TPHCM. Trước đó, ngày 26-12-2007, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án KDC Tam Phước cho Công ty TNHH XD-TM Sài Gòn Cây Cảnh. Mặc dù dự án KDC Tam Phước mới chỉ được chấp thuận giới thiệu địa điểm, chưa đầu tư hay đền bù, giải tỏa... nhưng vợ chồng Tình - Sương đã tổ chức nhiều buổi hội thảo công bố nhằm thu hút khách hàng mua đất nền để kiếm lời.


Sắp tới, các sàn giao dịch bất động sản sẽ được giám sát chặt hơn nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Sau đó, ông Tình lần lượt ký hợp đồng với các công ty môi giới và với sự “giúp sức” này, Công ty Cây Cảnh đã bán tổng cộng 398 nền đất, thu 84 tỉ đồng. Vừa huy động vốn trái luật, chủ đầu tư dự án KDC Tam Phước cũng không đầu tư tiếp các hạng mục xây dựng hạ tầng như đã cam kết mà chiếm dụng làm vốn riêng và bị cơ quan chức năng điều tra sờ gáy.

Không chỉ vậy, một số vụ việc tranh chấp, khiếu kiện giữa các khách hàng và chủ đầu tư ở một số dự án như: The Montana Apartment (quận Tân Phú) do Công ty CP Ngân Thanh làm chủ đầu tư, tòa nhà Vinacomplex III (quận Tân Bình) do Công ty TNHH Tổ hợp Vina (Vinacomplex) làm chủ đầu tư, The Adonis 1 (quận Bình Thạnh) và The Adonis 2 (quận 8) do Công ty Nguyên Đô hợp tác đầu tư với các đối tác... đều có phần trách nhiệm của các sàn BĐS, khi không thẩm định tính pháp lý của các sản phẩm chào bán ra thị trường. Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong năm 2011, các cơ quan chức năng của TPHCM đã xử phạt hàng chục sàn BĐS vì những vi phạm trong hoạt động môi giới, giao dịch BĐS với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Buông lỏng quản lý

Trong báo cáo mới đây gửi UBND TPHCM, Sở Xây dựng nhìn nhận rằng hoạt động của các sàn BĐS trên địa bàn hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo Sở Xây dựng, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn TP có 356 sàn BĐS đủ điều kiện hoạt động theo quy định, chiếm 50% số lượng sàn giao dịch trên cả nước.

Tuy nhiên, các sàn BĐS chỉ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng dịch vụ còn thấp. Hiện hoạt động của các sàn đang bị thả nổi, tình trạng giao dịch BĐS không thông qua sàn chiếm đến 50% số lượng giao dịch trên thị trường. Phần lớn các sàn BĐS do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của mình chứ chưa đáp ứng đúng những yêu cầu về quản lý sàn BĐS theo quy định...

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, TPHCM đã giao Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên trách tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các sàn BĐS trên địa bàn. Ngoài việc yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn sàn BĐS thực hiện đúng quy định, TP cũng yêu cầu lực lượng công an các quận, huyện tiến hành kiểm tra đột xuất và định kỳ việc kinh doanh BĐS, dịch vụ BĐS của các sàn.

Cũng theo UBND TP, dù thị trường còn gặp khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, tại TPHCM tiếp tục có 26 sàn BĐS đăng ký hoạt động, nâng tổng số lên 414 sàn. Tuy nhiên, trong số đã đăng ký, hiện có 358 sàn BĐS hoạt động, 56 sàn đã ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác mà không thông báo với các cơ quan quản lý.

Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo

Bộ Xây dựng vừa có văn bản yều cầu các sàn BĐS đang hoạt động trên toàn quốc phải báo cáo tổng hợp tình hình giao dịch BĐS trong 6 tháng đầu năm 2012, trong đó phải kê khai rõ số lượng giao dịch, giá trị giao dịch của từng phân khúc như: nhà chung cư, nhà riêng lẻ, nhà ở trong dự án..., chậm nhất là ngày 10-7 phải gửi báo cáo về Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS lập báo cáo hằng tháng về tình hình giao dịch qua sàn, chậm nhất là ngày 25 hằng tháng phải nộp về Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Đối với các sàn giao dịch BĐS không có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, Bộ Xây dựng sẽ công khai thông tin về việc không nghiêm túc thực hiện, đồng thời sẽ kiểm tra để xử lý.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động