Một trong những nguyên nhân gây nên những nguy cơ về một cuộc “nổ bong bóng” luôn thường trực suốt thời gian qua đã được chỉ ra trong Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường BĐS: “Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ DN và người dân trong tạo lập nhà ở”.
Vẫy vùng trong sóng dữ
Quả thật, đây là một năm mà giới BĐS không thể cao giọng nói lớn như trước, bởi hầu như tất cả các tia hy vọng le lói về sự giải cứu ở đâu đó như một phép màu bất chợt hiện ra trong 6 tháng cuối năm rốt cuộc đã không tới như mong muốn. Các DN BĐS phải đối mặt với sự thật: Không có vốn triển khai các dự án đang đầu tư dở dang, không thể vay vốn từ ngân hàng, và cuối cùng buộc phải chấp nhận vay từ bất cứ nguồn nào với lãi suất cắt cổ.
Trong cơn khát vốn năm 2011 vừa qua, công bằng mà nói thị trường đã chứng kiến sự vùng vẫy can trường của các DN để tìm cách thoát hiểm. Có những giải pháp “vô tiền khoáng hậu” được thực thi trong sự ngỡ ngàng và nhanh chóng chuyển sang lo lắng về nguy cơ đổ vỡ của thị trường này. Thoạt đầu, các giải pháp còn có yếu tố bình tĩnh như hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án chưa tới mức cần thiết, chưa bảo đảm đầu ra, tiết giảm chi phí tài chính. Nhưng càng về giữa và cuối năm, hàng loạt chiêu bài kiến tạo các dòng tiền mới - những dòng tiền mà chính bản thân các DN trước nay chưa hề nghĩ tới đã buộc phải áp dụng như chiêu thức mà nếu nói một cách sách vở là “tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Thị trường BĐS 2011 chứng kiến hết hạ giá đợt này lại tới đợt chiết khấu khác trong giá bán, nhưng rút cuộc đều khiến giá bán tụt thê thảm. Có DN phải “tặng” khách hàng một tỷ lệ lớn diện tích sàn thương mại vốn được xác định là “của để dành” của Cty nếu khách hàng chấp nhận đóng nốt toàn bộ phần tiền còn lại của hợp đồng. Kết quả là thu hết là cũng hết nguồn bởi “của để dành” không còn nữa. Có DN dù đã bán hết hàng và thu hết gần hết tiền nhưng rốt cuộc vẫn chiết khấu lại giá bán và số tiền giảm được trừ trực tiếp cho các hợp đồng bởi nếu tiếp tục thu đợt cuối với giá cũ thì e rằng sẽ vỡ kế hoạch thu. Những động thái ấy tuy giải quyết phần nào khó khăn tạm thời cho DN, nhưng lại rước về những hệ lụy phức tạp hơn trong tương lai, khi nguồn thu không còn nhưng chi phí không có gì bảo đảm sẽ không tăng.
Với chi phí lãi vay ngân hàng lên đến 24 - 26%, sự biến động tỷ giá ngoại tệ, cộng với việc tăng giá của hàng loạt chi phí từ vật liệu tới nhân công khiến chi phí của các DN đầu tư kinh doanh BĐS bị đẩy lên 30 - 40%. Trong bối cảnh này, được vay vốn thì làm trả nợ lãi còn không đủ, huống hồ vốn còn không được vay. Hàng loạt DN đứng trước nguy cơ thua lỗ. Hệ lụy là kinh tế xã hội rơi vào tình trạng đình đốn…
Tìm cách thoát hiểm
May thay, bức tranh BĐS 2011 dường như không chỉ toàn một màu u ám. Với những điểm sáng trong lĩnh vực nhà ở xã hội, với sự nhanh nhạy của những DN mũi nhọn ngành Xây dựng như Vinaconex, VIGLACERA, HUD… trong kiếm tìm các giải pháp về công nghệ xây dựng, VLXD cộng với sự nghiêm túc của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những giải pháp hữu ích để thoát hiểm đã hiện hữu khá rõ nét. Nhưng suy đến tận cùng, DN chỉ có thể thoát khỏi khó khăn nếu con đường họ lựa chọn mang lại cùng lúc giá trị lợi ích cho cả DN và cộng đồng xã hội.
Trong Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng 2011 vừa mới diễn ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định: Kế hoạch hành động năm 2012 đã được xây dựng rõ nét. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những chương trình hành động có tính chất mạnh mẽ quyết liệt để kiến tạo một môi trường phát triển BĐS theo hướng lành mạnh, chuyên nghiệp. Việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ được quán triệt nghiêm túc với những quan điểm mới và cách tiếp cận mới. Đó là: “Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân”.
Theo vị tổng tư lệnh ngành Xây dựng, các DN cần xác định rõ thái độ trách nhiệm xã hội của mình để tham gia mạnh mẽ hơn vào các chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho thuê, đồng thời mở rộng hơn nữa các hình thức đầu tư cũng như tạo cơ chế ưu đãi phù hợp làm “bệ phóng” cho thị trường này tiến những bước mạnh mẽ và bền vững.
Hy vọng với quyết tâm của Chính phủ, của toàn bộ máy quản lý nhà nước ngành Xây dựng và BĐS, sự nhạy bén thích ứng với thời cuộc của các DN đầu đàn ngành Xây dựng, sẽ mở ra một thời kỳ ấm áp hơn cho thị trường BĐS Việt Nam.
Để lành mạnh hóa thị trường BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Nhất định phải bắt tay hành động thật sớm, thật kiên quyết trong việc kiến tạo thể chế chính sách pháp luật dẫn đường để tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường BĐS như tháo gỡ khó khăn về xác định giá đất, thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng BĐS, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất, đẩy nhanh việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường…”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: