Top

Sau khi bị siết nợ, tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn vẫn chưa thể đấu giá

Cập nhật 14/09/2017 10:11

Theo nguồn tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), việc đấu giá dự án Saigon One Tower nhiều khả năng kéo dài, thay vì dự kiến bán công khai trong tháng 9.

Việc định giá và niêm yết dự kiến thực hiện ngày 30/9 như ban đầu là không thể. Nguyên nhân do dự án nằm trên đất nhà nước cho thuê hàng năm, việc định giá gặp nhiều khó khăn, đang còn gây nhiều tranh cãi.

Khó định giá do đất cho thuê

Thông tin cũng cho thấy việc định giá dự án này sẽ không thấp, bởi bao gồm cả tiền sử dụng đất 50 năm (từ năm 2017 đến năm 2067).

"Việc định giá dự án bao gồm nhà và đất sẽ phải có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên môi trường", nguồn tin cho biết.


Việc đấu giá chậm sẽ khiến dự án kéo dài thời gian khởi động trở lại theo mong muốn của TP.HCM là ngay trong năm nay. Ảnh Đình Dân.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC, cho biết dự án sẽ được đấu giá công khai vào tháng 9 này.

Được biết, sau khi VAMC thu giữ xong dự án Saigon One Tower, đơn vị đã thuê thẩm định giá xác định giá trị tài sản đảm bảo là dự án này đối với khoản vay gốc và lãi 7.000 tỷ đồng, sau đó tổ chức đấu giá công khai.

TP.HCM từng giải trình vì không đấu giá quyền sử dụng đất

Theo tìm hiểu của Zing.vn, UBND TP.HCM đã từng có công văn 5539 ngày 17/10/2013, giải trình với thanh tra Bộ Xây dựng việc cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C thuê đất tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1.

Theo giải trình, cơ sở pháp lý không đấu giá quyền sử dụng đất mà chấp thuận cho Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C thuê đất như sau: Khu đất này trước đây do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quản lý sử dụng. Sau đó công ty này góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Công ty liên doanh đã đầu tư xây dựng phần móng công trình của dự án. sau đó, phía đối tác nước ngoài chuyển nhượng lại vốn góp cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (nay là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH Một thành viên) để thực hiện dự án theo hình thức 100% vốn đầu tư trong nước.

Trong giá trị chuyển nhượng có phần vốn đầu tư móng công trình này. Như vậy, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư dự án tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 từ thời điểm tháng 10/2001, nên kế thừa thời hạn sử dụng đất đến ngày 14/8/2023.

Trên khu đất này đã có tài sản là phần móng công trình dự án thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

UBND TP.HCM thời đó cho rằng việc đem tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng khu đất thuê của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, như ý kiến của Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận là khó thực hiện.

Bởi nếu đấu giá quyền sử dụng đất thì nhà nước phải thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai về các trường hợp thu hồi đất thì trường hợp này không thuộc diện thu hồi đất.

Hơn 100 khách hàng đã bỏ tiền tỷ mua căn hộ tại dự án này cũng như đang ngồi trên đống lửa. Ảnh: Đình Dân.

Theo tìm hiểu thì từ tháng 11/2001, sau khi Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nhận chuyển nhượng vốn góp của đối tác nước ngoài trong công ty liên doanh, chuyển thành dự án 100% vốn đầu tư trong nước.

UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho phép Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đàm phán với các đối tác theo hình thức hợp tác giữa các đơn vị trong nước để lập liên doanh mới đầu tư khai thác mặt bằng khu đất này. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã hợp tác với Công ty Cổ phần M&C và Công ty TNHH Đất Thủ Đô để thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C ngày 31/3/2004.

UBND TP.HCM cũng cho rằng ngày 23/9/2005, thành phố đã thống nhất xác định giá trị quyền sử dụng đất hơn 365 tỷ đồng với diện tích 6.766 m2. Ngoài ra Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C còn phải thanh toán giá trị thương quyền khu đất 12 triệu USD là phần tăng vốn nhà nước và các khoản khác cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 quy định tổ chức kinh tế sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất.

Đồng thời do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C phải thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ tài chính và cần tập trung vốn đầu tư xây dựng công trình, nên đã kiến nghị được thuê đất trả tiền hàng năm.

Theo đó, phương án giá trị quyền sử dụng đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận là hơn 365 tỷ đồng trên diện tích 6.766 m2.

Thực tế, diện tích khu đất theo đo đạc hiện nay là 6.672,2 m2, nhưng chỉ có 5.810,6 m2 thuộc khuôn viên khu đất trước đây góp vốn liên doanh và 861,6 m2 là đường giao thông. Phía dưới phần diện tích đất này là hệ thống công trình cống và cáp ngầm của dự án Đại lộ Đông Tây.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing