Sau hơn 3 năm không được phép hoạt động tại bến Bạch Đằng (quận 1), TP.HCM đã cho phép các tàu nhà hàng, ca nô du lịch... quay trở lại hoạt động trên bến tàu đẹp nhất thành phố.
Buýt sông đang được khai thác tại 1 phần bến Bạch Đằng
Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
"Thúc" du lịch đường sông
UBND TP.HCM vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GTVT về việc cho phép khai thác du lịch đường sông nội đô, kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng (quận 1), trong thời hạn 1 năm. Theo đó, các tàu nhà hàng như Elisa, tàu Đông Dương, các loại ca nô du lịch... sẽ được phép phục vụ ăn uống trên bến này vào buổi tối. Doanh nghiệp có trách nhiệm tự thực hiện di dời không bồi thường khi thành phố triển khai thực hiện quy hoạch bến Bạch Đằng. Việc neo đậu của phương tiện tàu nhà hàng Elisa tại bến Nguyễn Kiệu (quận 1) vào các dịp lễ tết phải báo cáo, xin ý kiến UBND TP HCM. Chính quyền thành phố cũng giao Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đảm bảo mỹ quan đô thị trong quá trình khai thác, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy. Nếu phát sinh nguy cơ không đảm bảo an toàn, Sở GTVT phải báo cáo để thành phố chấm dứt hoạt động khai thác tại các bến.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt bày vô cùng hân hoan với chủ trương cho phép mở lại bến Bạch Đằng. Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, ông đánh giá có rất nhiều con sông trên đất nước như sông Hoài tại Hội An, sông Hàn - Đà Nẵng đã được khai thác rất tốt về mặt văn hóa, ẩm thực, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Trong khi đó, TP có con sông Sài Gòn nằm trọn trong lòng, bến Bạch Đằng được coi là "cửa sổ", là dấu ấn lịch sử gắn liền với người dân bao năm qua, đồng thời cũng là điểm đến của rất nhiều tàu biển lớn, đẳng cấp, làm đẹp cho hình ảnh của toàn TP, nhưng đang bị lãng phí, chưa khai thác hết.
Thành phố ra chủ trương mới không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí cho rất đông người dân thành phố mà còn mở ra cơ hội cho du lịch đường sông, hình thành sản phẩm đặc thù, góp phần thúc đẩy du lịch thành phố phát triển Sắp có 'phố ẩm thực' trên bến Bạch Đằng - ảnh 3
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt
"Chủ trương mới không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí cho rất đông người dân thành phố mà còn mở ra cơ hội cho du lịch đường sông, hình thành sản phẩm đặc thù, góp phần thúc đẩy du lịch thành phố phát triển" - ông Xuân Anh nói.
Ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu Elisa nhận định : Việc thành phố cho phép một số tàu nhà hàng từng bước hoạt động trở lại tại bến Bạch Đằng thể hiện rõ quyết tâm phát triển loại hình du lịch này, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. "Tận dụng bến Bạch Đằng - khu trung tâm của thành phố để hình thành nên những "phố" ẩm thực trên sông không chỉ phục vụ nhu cầu ăn, chơi của đông đảo người dân thành phố, mà còn là cơ hội giới thiệu món ngon thành phố, du lịch đường sông - 2 sản phẩm đặc thù mạnh nhất của TP.HCM đến với du khách nước ngoài" - ông khẳng định.
"Cứu" loạt tàu du lịch đang khốn đốn
Trước đó, năm 2015, việc TP.HCM đột ngột ra quyết định di dời các tàu cánh ngầm, ca nô du lịch, tàu nhà hàng... tại bến Bạch Đằng để phục vụ việc cải tạo chỉnh trang đã đẩy không ít các doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn.
Tình trạngít bến nhiều tàu khiến nhiều hãng tàu du lịch khốn đốn. Ảnh: Gia Khiêm |
Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết công ty ông đã hoạt động trong lĩnh vực khai thác khách tàu thủy gần 15 năm với 7 phương tiện, trong đó có 4 tàu lớn và 3 tàu nhỏ. Thời gian đầu, khi bến Bạch Đằng chào đón các DN, hạ tầng bến bãi ổn định thì việc kinh doanh của công ty rất thuận lợi.
Tuy nhiên, sau khi TP cho dừng hoạt động tại bến Bạch Đằng một cách đột ngột, Thuyền buồm Đông Dương phải chuyển qua bến Nhà Rồng. Nhưng vì đây là cảng hàng hóa, chỉ thích hợp cho tàu lớn nên công ty đã phải bán bớt 4 chiếc tàu do không có bến đậu. Theo ông Lâm, giá cả ở bến này cao hơn bến Bạch Đằng rất nhiều. Tại thời điểm bắt đầu chuyển bến (tháng 1.2015), 3 chiếc tàu neo ở đây phải trả chi phí 100 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần giá tại bến Bạch Đằng. Hiện con số này đã tăng lên 4 lần, tức 400 triệu đồng/tháng. Chi phí cao khiến DN cũng phải “bổ” lại trên đầu khách khiến giá tour cao, không khuyến khích phát triển du lịch đường sông.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (đơn vị đang khai thác tuyến buýt sông đầu tiên của TP) cho rằng TP cần tạo ra môi trường để các DN cùng đóng góp vào chương trình du lịch đường sông của thành phố. Trước đây DN đang làm tốt thì bị ngưng, khiến họ phải chạy đôn chạy đáo, trong khi sản phẩm du lịch này lại bỏ ngỏ mãi không phát triển được. Đây là nghịch lý.
"Ẩm thực và thưởng ngoạn sông Sài Gòn là chương trình hay, đã có từ lâu đời. Đây là sản phẩm du lịch không thể mai một. Có thể thời gian thí điểm ban đầu là 1 năm nhưng thành phố nên có quy hoạch chỉn chu, có tầm nhìn để anh em DN yên tâm vận hành phát triển bền vững" - ông Toản nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia nhận định thời hạn 1 năm là thời gian quá ngắn, khiến các doanh nghiệp e ngại không giám đầu tư mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh mỹ quan của thành phố. Thành phố nên cân nhắc có kế hoạch dài hơi để DN yên tâm đầu tư, vận hành.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: