Giám đốc một sàn bất động sản (BĐS) cho rằng: Nếu vấn đề không bắt buộc giao dịch qua sàn được thông qua sẽ làm thay đổi rất lớn phương thức giao dịch BĐS và có thể hiểu đây là phương án “nới lỏng” quản lý việc kinh doanh BĐS.
Theo Luật kinh doanh BĐS hiện hành, các giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch và quyền lợi các bên. Song, có vẻ như quy định này không đem lại hiệu quả, dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt đã có sự thay đổi.
Theo đó, thay vì bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS, trong dự thảo luật sửa đổi, nội dung này đã được bãi bỏ.
Thay vào đó, dự luật chỉ quy định nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên.
Trước vấn đề trên, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Info – Ocean Group cho rằng: Nếu dự thảo luật kinh doanh BĐS sửa đổi được thông qua sẽ làm thay đổi rất lớn phương thức giao dịch BĐS và có thể hiểu đây là phương án “nới lỏng” quản lý việc kinh doanh BĐS.
Ông Nam cho biết: Theo quy định tại luật kinh doanh BĐS năm 2006 thì gần như tất cả các giao dịch BĐS sơ cấp (từ chủ đầu tư bán cho người dân) đều phải được thông qua sàn giao dịch BĐS. Quy định này yêu cầu sàn BĐS phải niêm yết thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến các giao dịch sẽ được minh bạch, tránh tình trạng chỉ có môi giới mới biết được thông tin từ chủ đầu tư.
Nếu không bắt buộc giao dịch qua sàn BĐS được thông qua, các sàn BĐS sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa?. Ảnh: Nguyễn Lê
|
Tuy nhiên, khi thực hiện có rất nhiều sàn BĐS đã không thực hiện nghiêm túc các quy định trên và bản thân các Sở Xây dựng địa phương cũng không đủ lực để kiểm soát các sàn nên vào thời điểm thị trường sốt có hàng trăm sàn BĐS được mở nhưng trên thực tế trong 2 năm nay số sàn có xác nhận giao dịch báo cáo cho Sở Xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo quan điểm của vị Giám đốc này, việc nới lỏng quy định giao dịch qua sàn trước mắt sẽ giảm thủ tục cho khách hàng và chủ đầu tư trong thời điểm hiện tại. “Nhưng, nếu thả lỏng quản lý, rất có thể những nguy cơ gây mất minh bạch sẽ lại xuất hiện khi thị trường BĐS “sốt” lên”, ông Nam lo lắng.
Ông Chu Mạnh Trí, Giám đốc sàn Bất động sản
GP-Invest thẳng thắn nói: Khi thị trường BĐS “nóng sốt”, việc phải giao dịch qua sàn BĐS cũng không loại bỏ được những tiêu cực, vẫn có những thỏa thuận “ngầm” giữa một số chủ đầu tư với các sàn giao dịch để bưng bít thông tin, thậm chí bắt tay nhau để thu tiền chênh của khách hàng.
Mặt khác, có sự bất hợp lý là các chủ đầu tư có sản phẩm nhưng không có sàn BĐS bắt buộc phải bán sản phẩm qua các sàn BĐS khác khiến cho chi phí bán hàng tăng lên, thực chất là gián tiếp đẩy chi phí đến người tiêu dùng sản phẩm khiến cho giá bán BĐS tăng lên.
Mặc dù ủng hộ vấn đề không bắt buộc giao dịch qua sàn BĐS của dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi nhưng ông Trí lại băn khoăn: việc thay đổi này Bộ Xây dựng có tiếp tục quản lý và đưa ra những quy định nhằm tiếp tục phát triển mô hình sàn giao dịch BĐS nữa không hay lại buông lỏng mô hình này?
“Cần phát triển mô hình sàn giao dịch BĐS một cách chuyên nghiệp, chúng ta không thể đi lùi về mô hình văn phòng hay trung tâm môi giới nhà đất được”, ông Trí nói.
Vị giám đốc sàn này đề xuất: Đối với các chủ đầu tư làm ra sản phẩm BĐS thì được quyền tự bán sản phẩm mà không phải thông qua sàn BĐS. Đối với các tổ chức không phải là chủ đầu tư, chỉ có chức năng phân phối, môi giới BĐS thì tiếp tục phát triển mô hình sàn giao dịch BĐS, nhưng cần có mô hình quản lý tốt hơn vì đa số các giao dịch thiếu minh bạch đều tập trung vào các đối tượng này, khiến cho thị trường BĐS bị méo mó, xấu đi.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: