Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Thanh tra TP.HCM đã kết luận thêm các sai phạm của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) liên quan ông Tề Trí Dũng, đồng thời chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý các sai phạm này.
Trụ sở Công ty Tân Thuận (IPC) trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, Thanh tra TP đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý đối với 3 vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây bất lợi và thiệt hại cho vốn nhà nước do IPC làm đại diện chủ sở hữu (xem bảng), có dấu hiệu vi phạm điều 179 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bán nền giá bèo
Đến cuối năm 2018, IPC có hơn 28% vốn góp vào SADECO - được coi là "con gà đẻ trứng vàng" với hiệu quả kinh doanh tăng trưởng tốt gắn với nhiều dự án lớn.
Dự án khu định cư An Phú Tây nhằm bố trí tái định cư các dự án trong khu đô thị nam TP do SADECO làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 46,7ha, trong đó đất ở hơn 23,4ha, IPC góp vốn đầu tư cùng SADECO thực hiện dự án và chia thành quả với giá 6,6 triệu đồng/m2 (giá mua, năm 2008).
Trong năm 2016, IPC ký 4 hợp đồng chuyển nhượng lại nền đất. Giá thẩm định (năm 2016) 6,4 - 6,7 triệu đồng/m2, IPC đã bán giá 7 triệu đồng/m2 (giá đã bao gồm thuế VAT). So giá bán với giá mua tăng 6%, tuy nhiên lãi suất ngân hàng từ năm 2008 - 2016 tăng khoảng 42%.
Vậy nhưng năm 2018, khi giá thị trường bất động sản chuyển biến tốt hơn năm 2016 thì IPC tiếp tục ký 2 hợp đồng bán nền với giá chỉ 8,05 - 8,73 triệu đồng/m2. Đáng nói là cùng dự án, cùng thời điểm, SADECO lại bán cho khách hàng khác giá 8,2 - 14 triệu đồng/m2.
Thậm chí theo các hợp đồng chuyển nhượng tại dự án mà cơ quan thanh tra thu thập từ Chi cục Thuế huyện Bình Chánh thì giá khoảng 15 triệu đồng/m2.
Kết luận thanh tra chỉ ra giá thẩm định IPC dùng để bán nền không phù hợp giá thị trường, thấp hơn giá SADECO. Trong khi "IPC có vốn góp trong SADECO, chủ tịch hội đồng quản trị SADECO là ông Tề Trí Dũng - tổng giám đốc IPC.
Do đó, IPC không thể không biết việc IPC áp dụng đơn giá chuyển nhượng thấp hơn giá công bố và giá chuyển nhượng của SADECO..." - kết luận nêu.
Ngoài ra, kết luận cũng khẳng định bản chất IPC chuyển nhượng nền đất, không phải hợp tác đầu tư. IPC không tổ chức bán đấu giá hay qua sàn giao dịch bất động sản, việc lựa chọn nhà đầu tư, áp dụng đơn giá chuyển nhượng không đúng giá thị trường, không phù hợp giá thực tế...
"Do đó, việc xây dựng đơn giá chuyển nhượng nền đất của IPC có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Trách nhiệm chính thuộc về tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách, phòng kinh doanh IPC..." - kết luận thanh tra nêu.
Tự ý bán nền gây thiệt hại gần 44 tỉ đồng
IPC còn có sai phạm trong thực hiện dự án khu dân cư Long Thới (H.Nhà Bè). Đây là dự án phục vụ giải tỏa, di dời dân trong khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Tuy nhiên, từ năm 2000 - 2007 IPC đã chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư từ Khu công nghiệp Hiệp Phước "là sử dụng đất sai mục đích, bị nghiêm cấm theo Luật đất đai...".
Kết quả thanh tra cho thấy IPC bán nền chủ yếu với giá 350.000 đồng/m2, tổng cộng 61.160m2, trong khi chi phí thực tế để IPC hoàn thành cơ sở hạ tầng là 453.834 đồng/m2. Như vậy, nếu so với giá bảo toàn vốn do IPC tự tính cộng chi phí tiền sử dụng đất và thuế GTGT có khả năng gây thiệt hại cho IPC ít nhất khoảng 43,6 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, IPC còn chuyển nhượng 2 block chung cư dự án khu dân cư Long Thới với giá hơn 17,6 tỉ đồng. Đây là giá do đơn vị tự tính mà không xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, và cũng không thẩm định giá theo quy định. "Các sai sót trên trách nhiệm thuộc tổng giám đốc phê duyệt, phòng ban tham mưu tại thời điểm liên quan", theo kết luận thanh tra.
Dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè) giai đoạn 2 được giao cho IPC làm chủ đầu tư với diện tích hơn 513ha, đến tháng 2-2009 IPC bồi thường xong hơn 287ha và chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) với giá hơn 468 tỉ đồng.
Diện tích đất này, HIPC cho 79 doanh nghiệp thuê với diện tích hơn 121ha, đơn giá từ 1,2 triệu đến hơn 3,1 triệu đồng/m2, thu được hơn 1.969 tỉ đồng.
"Việc IPC chuyển nhượng dự án cho HIPC thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường mà không tiến hành thẩm định giá, đấu giá là không đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư, cần được kiểm tra làm rõ những sai phạm trong việc chuyển nhượng sai quy định để có cơ sở kết luận những thiệt hại.
Đồng thời, việc phân bổ, tính toán giá vốn không sát thực tế và xây dựng giá cho thuê không phù hợp dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thiệt hại cho công ty cũng như cổ đông nhà nước. Trách nhiệm chính thuộc về hội đồng thành viên và ban giám đốc IPC thời kỳ liên quan" - kết luận thanh tra nêu.
Còn nhiều nội dung đang làm rõ
Tháng 10-2018, Thanh tra TP đã ban hành kết luận thanh tra số 33 về hoạt động sản xuất kinh doanh tại IPC. Do còn nhiều sai phạm cần được kiểm tra làm rõ trong khi thời hạn thanh tra đã kết thúc, nên Thanh tra TP tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra.
Từ đó, Thanh tra TP ban hành thêm kết luận thanh tra mới đây. Về 3 vụ việc sai phạm của IPC chuyển cơ quan điều tra lần này chỉ là một phần trong các nội dung của kết luận thanh tra. Các nội dung khác vẫn đang tiếp tục xử lý.
IPC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vốn điều lệ (lần đăng ký thay đổi thứ 5, tháng 5-2015) là hơn 2.926 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018, IPC có vốn góp tại 9 công ty con, công ty liên doanh, liên kết như SADECO, HIPC...
3 vụ việc sai phạm tại IPC được chuyển sang cơ quan điều tra
1. Vụ IPC chuyển nhượng nền đất tại khu định cư An Phú Tây (H.Bình Chánh) không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường.
2. Thực hiện dự án Long Thới và chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho IPC, vốn nhà nước.
3. Chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, cần làm rõ những sai phạm để có cơ sở kết luận những thiệt hại.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: