Nếu như trước đây, người dân lùng xục đi tìm nhà ở nội đô, thì nay đích ngắm của không ít người dân có mức tiền trung bình là mua nhà ở xa, giá rẻ và chờ đợi tuyến đường sắt trên cao.
Tính đường dài với đất xa
Anh Thắng (quận Hoàng Mai, HN) đang có nhu cầu mua nhà với tầm tiền 1 tỷ đồng. Sau khi tính toán, anh quyết định mua đất tại Hà Đông, vừa đủ tiền để mua một lô đất nhỏ và xây nhà hai tầng.
Theo dự tính của anh Thắng, hiện tại gia đình anh sẽ phải vất vả khi di chuyển vào nội thành để làm việc và học tập nhưng chỉ nay mai thôi khi tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động, cùng với sự phát triển của xe bus nhanh, chắc chắn điều kiện đi lại sẽ được thuận lợi. Đặc biệt là lúc đó giá đất sẽ lên cao, với khoản tiền này gia đình anh sẽ khó có thể lựa chọn cho mình một ngôi nhà ưng ý.
Đi trước đón đầu các dự án giao giao thông không phải là chuyện mới nhưng trong thời điểm hiện nay khi thị trường BĐS xuống dốc, hầu hết người mua đều có nhu cầu ở thực, hiện tượng đầu cơ không còn nhiều.
Nhiều dự án BĐS sẽ ăn theo Metro. (Ảnh: D.Anh)
|
Khảo sát tại các điểm đầu của tuyến đường sắt trên cao, giá nhà đất đang ở mức vừa phải, phù hợp với nhiều người mua có thu nhập trung bình. Đơn cử như khu vực Yên Nghĩa, giá đất khoảng 15 triệu đồng/m2. Một lô đất 50m2 phân lô xây thô, cạnh bến xe Yên Nghĩa đang được chào bán với mức giá chỉ 1 tỷ đồng. Nhiều mảnh đát nhỏ chỉ 30m2 tại các khu vực trong làng có giá khoảng 500 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của một nhân viên môi giới tại Hà Đông, người mua săn lùng những loại nhà đất giá rẻ này chủ yếu là người tỉnh lẻ, có thu nhập trung bình. Thời gian gần đây, nhu cầu tìm mua tăng cao khi giá đất tương đối mềm, trong đó không ít dân đầu cơ tranh thủ đẩy hàng.
Năm 2008, khi dự án khu đô thị của Nam Cường bắt đầu triển khai, cùng với quy hoạch đường vành đai 4 nằm vắt ngang đường Lê Văn Lương kéo dài, đất Yên Nghĩa sốt sình sịch mỗi ngày. Giá đất tại khu vực này thời điểm sốt có mảnh chào bán lên tới trên 50 triệu đồng/m2.
Đánh giá các dự án, đại diện Savills VN cho rằng, thông thường hạ tầng tác động đến các dự án qua nhiều giai đoạn: quy hoạch, khởi công và hoàn thiện. Giai đoạn Metro được quy hoạch là giai đoạn tăng mạnh về giá cả và số lượng giao dịch do được săn lùng và gom hàng.
Giai đoạn khởi công sẽ chứng kiến sự ấm lại của BĐS tại những khu vực này nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Giai đoạn hoàn thiện thì thường không ảnh hưởng đến giá cả tại khu vực nhưng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến số lượng giao dịch. Căn cứ trên các giai đoạn trên, các chủ đầu tư có thể lựa chọn cho mình giai đoạn phù hợp để tung sản phẩm ra thị trường.
Nhà đất ngóng metro
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị chạy xuyên tâm thành phố. Cụ thể, từ nay đến 2020 sẽ có 77,05 km tuyến đường khổ 1,435m đi trên cao, mặt đất và dưới ngầm được xây dựng.
Tuyến đường sắt trên cao là một trong những đòn bẩy phát triển kinh tế, trong khi đó giới bất động sản kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các dự án phát triển. Đặc biệt là các dự án ở cửa ngõ như Hà Đông, Quốc lộ 32 sẽ có thêm hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông với nội đô, thu hút người dân và mở rộng dân cư ra ngoại thành. Nhờ cú hích hạ tầng này mà lượng dự án bất động sản tại Hà Đông, Hoài Đức đua nhau công bố thông tin trong các đợt mở bán. Trong đó được lợi nhất là nhiều các dự án có các ga chuyển tiếp.
Bà Ngô Hương Giang, Savills Hà Nội nhận định, Metro là công trình hạ tầng trọng điểm của Hà nội với giá trị đầu tư lớn, nên ngay từ thời điểm quy hoạch được công bố đã có tác động lớn đến thị trường BĐS do nhận được nhiều kỳ vọng từ việc kích cầu nên kinh tế và hạ tầng hoàn thiện cũng sẽ tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển bất động sản.
“Công trình này vừa tăng giá trị thặng dư cho bất động sản và gián tiếp kích cầu cho thị trường này. Nó đã tác động đến niềm tin của chủ đầu tư khi sẵn sàng đầu tư vốn để đón đầu sự phát triển của hạ tầng, khách hàng thì sẵn sàng xuống tiền mua sắm BĐS phù hợp với nhu cầu”, bà Giang cho hay.
Kỳ vọng của các chủ đầu tư BĐS cũng như người là vậy, song các dự án Metro vẫn đang tiếp tục lỡ hẹn. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với chiều dài hơn 13 km, đi qua địa bàn 3 quận Hà Đông, Thanh Xuân và Đống Đa vẫn đang vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng, việc này khiến dự án đường sắt đô thị đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội cũng đang vướng mắc giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến hoàn thành tháng 9/2017, nhưng dự án sẽ phải kéo dài thêm hơn 1 năm nữa (tháng 11 năm 2018).
“Metro ảnh hưởng tích cực đến thị trường BĐS tại khu vực không đồng nghĩa với việc đưa ra các sản phẩm không phù hợp vẫn có thể bán được. Vì vậy, chủ đầu tư phải lựa chọn phát triển những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường tại khu vực liên quan đến Metro”, bà Giang khuyến cáo.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần chú ý về việc kết nối hạ tầng dự án của mình với Metro để tạo giá trị thặng dư cho dự án và đồng thời hưởng lợi từ việc phát triển các tiện ích lân cận của Metro.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: