Top

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Nhiều vướng mắc

Cập nhật 16/12/2011 09:45

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này đang còn rất nhiều điều vướng mắc.

Nhiều người có nhà ở


Thủ tướng đã đồng ý với đề án lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Theo đó, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ hoạt động theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện 1% tiền lương hằng tháng của người lao động và được hưởng lãi suất 3-5% một năm.

Sau khi hình thành, Quỹ sẽ được ưu tiên cho cho người dân vay tiền mua nhà ở và dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Việt Nam đã có thêm công cụ để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản, góp phần điều tiết giá cả đồng thời đảm bảo nguồn tài chính và các ưu đãi sẽ đến được tận tay người tiêu dùng.

Nếu thực hiện thành công việc tạo dựng mô hình Quỹ này, việc khoảng 9 triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần đóng 1% số lương mỗi tháng, hàng năm Quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỉ đồng, góp phần đáng kể để cải thiện chỗ ở cho khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Vướng mắc


Quỹ tiết kiệm nhà ở được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở tuy nhiên để đi vào thực tế vẫn còn một số vướng mắc.

Thứ nhất, việc tự nguyện đóng góp là tốt, là tôn trọng quyền tự quyết của người dân tuy nhiên liệu có cần quy định đóng 1% lương hàng tháng. Những người muốn nhanh có nhà, muốn đóng góp nhiều hơn và đủ điều kiện tài chính cho phép họ đóng nhiều hơn sẽ giải quyết theo hướng nào?

Thứ 2, quỹ ưu tiên cho người dân vay mua nhà là hợp lý. Tuy nhiên nếu dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, liệu có dễ nảy sinh tiêu cực? Và trong trường hợp thất thoát tiền, cơ chế nào sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân. Và liệu có nhất thiết nhà nước phải đứng ra trực tiếp quản lý Quỹ?

Việt Nam đã khảo sát mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở của một số nước trên thế giới như mô hình của Singapore, của Mỹ hay của Đức. Vướng mắc trong mô hình của Singapore là Nhà nước bắt buộc người lao động có hợp đồng phải nộp một khoản tiết kiệm nhà ở khiến người lao động không hào hứng tham gia đồng thời với một xã hội lớn hơn và nhiều lao động không thanh toán qua tài khoản việc huy động là rất khó.

Vướng mắc trong mô hình của Mỹ là Nhà nước hỗ trợ thông qua việc hỗ trợ tín dụng vay mua nhà và việc hỗ trợ này đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ và lan ra toàn thế giới, do bắt nguồn từ việc cho vay dưới chuẩn tín dụng bất động sản.

Trong khi đó, mô hình Quỹ tiết kiệm của Đức đã khắc phục được những nhược điểm trên. Nghĩa là tự nguyên tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá. Thay vì sử dụng vốn chính sách thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân. Tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt mất.

Mô hình này giảm tải sức ép tài chính cho Nhà nước, thay vì Chính phủ phải bỏ tiền ra từ đầu cho mọi người với số lượng lớn - điều rất dễ quá tải - thì Chính phủ chỉ phải bỏ ra một chút ban đầu để khuyến khích người dân tham gia tiết kiệm cho mục đích có nhà ở.

Một chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng ở đây là nguồn vốn chỉ dùng cho nhà ở. Những người muốn có nguồn vốn này phải tham gia tiết kiệm trong một khoảng thời gian. Và họ tiết kiệm được 50% thì họ được vay 50%. Có nghĩa là sử dụng nguồn vốn là nguồn vốn tiết kiệm và đầu tư ra chỉ dùng cho nhà ở cho khách hàng cuối cùng do đó nguồn vốn này nếu có sẽ không ảnh hưởng tới đầu cơ và ảnh hưởng tới lạm phát như chúng ta vẫn lo lắng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và để đáp ứng được nhu cầu này rất cần các nguồn vốn phi ngân hàng như Quỹ tiết kiệm nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia