Top

Quy hoạch đô thị thiếu kiểm soát: Nhiều hệ lụy khôn lường

Cập nhật 19/01/2017 09:32

Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa (ĐTH) đã tăng từ 20% năm 1998 lên mức 36,6% vào năm 2016. Song, do phát triển thiếu kiểm soát, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển vượt dự báo và tạo ra những hệ lụy khôn lường.


Các khu nhà cao tầng mọc chen chúc nhau tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn

Quy hoạch không theo kịp phát triển

Thống kê của Cục Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng) cho thấy, tính đến năm 2016, cả nước đã có 802 đô thị và hơn 10.000 điểm dân cư nông thôn. So với năm 1998, tỷ lệ ĐTH tăng từ 20% lên mức 36,6% vào năm 2016. Diện tích đất đô thị đã tăng từ 630km2 vào năm 1998 lên mức hơn 41.700km2 vào năm 2016. Những số liệu này cho thấy, tốc độ ĐTH của nước ta diễn biến rất nhanh, thậm chí vượt xa dự báo.

Tại hội thảo "Hướng tới phát triển bền vững tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam" do Cục Phát triển hạ tầng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã đưa ra những đánh giá về thực trạng ĐTH tại Việt Nam. Cụ thể là do phát triển thiếu kiểm soát, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển vượt dự báo, thậm chí xuất hiện xu hướng ĐTH toàn tỉnh. Công tác quản lý đô thị cũng chưa theo kịp thực tiễn phát triển. Tình trạng dự báo quy hoạch chưa đáp ứng được xu thế phát triển của đô thị, các quy hoạch dễ dàng bị điều chỉnh, quản lý hành chính đô thị yếu… đang khá phổ biến.

Nhận xét về những bất cập của quá trình ĐTH, bà Trần Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã nhấn mạnh sự chậm phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Thực tế cho thấy, mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận tải của người dân. Năng lực chiếu sáng đô thị cũng chưa được quan tâm đúng mức, môi trường cũng trong tình trạng thiếu kiểm soát. Các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất còn thiếu, yếu và tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường vẫn xảy ra.

Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát việc quy hoạch các đô thị cũng như việc xây dựng một số dự án lớn trong nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng những dự án thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo kiểm tra ngay trong tháng 1-2017.
 

Đồng quan điểm này, ông AchimFock, chuyên gia về quản lý danh mục và hoạt động, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, qua thực tế đánh giá tại một số dự án có thể nhận thấy, đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải và chưa theo quy hoạch. Nhiều dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị triển khai chậm. Các dự án phát triển đô thị mới thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu hạ tầng xã hội. Dự án cải tạo môi trường đô thị chưa gắn với các dự án cải tạo chỉnh trang và phát triển mới nơi ở, nơi làm việc và giải trí của đô thị. Đặc biệt, tình trạng quản lý khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị chưa hiệu quả đã khiến diện tích đất dự án bỏ hoang lớn nhưng lại thiếu đất dự trữ phát triển cho mục tiêu dài hạn.

Điều chỉnh quy hoạch chỉ có lợi cho nhóm lợi ích

Những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị cũng là chủ đề “nóng” được thảo luận tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Ngành Xây dựng diễn ra mới đây tại Hà Nội. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị đã chỉ ra hai xu hướng diễn biến không có lợi cho tổ chức đô thị. Tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bệnh viện, trường học không những không được di dời ra khỏi trung tâm, mà còn được xây dựng thêm, tăng khối nhà, tăng tầng, tăng giường bệnh vì áp lực phục vụ trước mắt. Ngược lại, những cơ sở xác định chắc chắn được di dời thì nhà đầu tư lại “nhanh tay” trực sẵn với dự án sau xây cao hơn, mật độ nhiều hơn dự án trước...

Theo ông Chính, lỗi ở đây là do vấn đề quản lý thực hiện quy hoạch. Bởi 10 năm trước, khi vẽ nên Khu đô thị Linh Đàm, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng, khi trong phạm vi chỉ có 3ha đất mà có tới 12 tòa nhà cao tầng mọc lên, phá nát khu bán đảo...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng nhấn mạnh, ĐTH là quá trình tất yếu, nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết. Có thể nói, Việt Nam chưa có một công cụ tốt để kiểm soát việc thực hiện quy hoạch. Quy hoạch ban đầu được xây dựng từ sự góp ý của cả xã hội, thường là một sản phẩm rất tốt, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có một nhóm nhỏ tham gia và chất lượng quy hoạch sau điều chỉnh không được như ban đầu nữa...

Trước những vấn đề "nóng" của đô thị hiện nay như gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng và triều cường, thiếu hụt năng lượng và phát thải khí CO2... các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm soát tình trạng phát triển nhà ở và các khu công nghiệp; đồng thời, cần quản lý chặt các dự án nhà ở quy mô trung bình và lớn... để xây dựng kế hoạch và có những hành động kịp thời.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới