Top

Quy hoạch điểm đỗ xe ở Hà Nội: Bài toán hóc búa

Cập nhật 08/01/2010 09:25

Ảnh minh họa: Internet)

Cùng với sự phát triển ồ ạt của các phương tiện giao thông cá nhân, "bức tranh" về giao thông tĩnh của Hà Nội ngày càng trở nên ngột ngạt, khiến lòng đường, vỉa hè, trụ sở, thậm chí kể cả khuôn viên ký túc xá các trường học cũng bị biến thành điểm đỗ xe…

Trong khi hầu hết dự án xây dựng điểm đỗ xe cả ngầm lẫn nổi đều chậm tiến độ. Hướng giải quyết nghịch cảnh "thừa ôtô, thiếu bãi đỗ" ở Hà Nội đang làm các cơ quan chức năng của thành phố đau đầu!

Lộn xộn các điểm đỗ xe

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 300.000 ôtô và trên 3,6 triệu xe máy, chưa kể phương tiện của quân đội và người ngoại tỉnh sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô.

Sự bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân trong những năm qua đang làm bộc lộ sự thiếu và yếu của mạng lưới giao thông tĩnh Hà Nội. Đến thời điểm này, các điểm đỗ xe của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu phương tiện.

Tại 10 quận nội thành có trên 960 điểm trông giữ ôtô, xe máy, trong đó có gần 350 điểm trông giữ ôtô, nhưng có tới 83 điểm không phép. Nhiều điểm đỗ xe sai quy hoạch hoặc bố trí không hợp lý như điểm đỗ xe trên đường Thanh Niên, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu, Giảng Võ…

Hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 tổng số điểm đỗ xe công cộng có phép trên địa bàn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cầu cao, cung yếu dẫn tới thực tế hàng loạt cơ quan, công sở, trường học, thậm chí cả các ký túc xá sinh viên cũng đua nhau "làm kinh tế", tự phát mở điểm trông giữ xe ngày và đêm. Các điểm đỗ xe khác còn lại chủ yếu là tận dụng vỉa hè, lòng đường, chung cư và ngõ ngách.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố hiện rất thấp, chỉ chiếm khoảng 2,5-3%, trong khi các thành phố, đô thị phát triển thường phải chiếm tới 20-25%.

Đây chính là nguyên nhân làm bùng phát các điểm đỗ xe trái phép, sai quy hoạch và bố trí không hợp lý nêu trên.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về bến, bãi, điểm đỗ xe trái phép của các lực lượng chức năng còn chưa triệt để, hiệu quả thấp đã góp phần làm cho thực trạng ngột ngạt của giao thông tĩnh của Thủ đô thêm tắc.

Không phải đến bây giờ thành phố và các sở, ngành liên quan của Hà Nội mới tính đến việc xây dựng hệ thống giao thông tĩnh để đáp ứng nhu cầu đỗ xe ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân theo cấp số nhân như hiện nay, trong khi hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại quá ít, thì tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến phố là điều khó tránh khỏi.

Các chuyên gia giao thông cảnh báo, nếu không có giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu đỗ xe, thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng trong thời gian không xa.

Điểm đỗ xe thông minh - Tại sao không?

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, nhằm giải quyết bài toán hóc búa về giao thông tĩnh, thành phố đã và đang triển khai 14 dự án xây dựng điểm đỗ xe theo phương thức xã hội hóa.

Sở Giao thông Vận tải đang đôn đốc các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành, kịp thời đưa vào hoạt động từ năm 2010 một số dự án cống hóa mương làm bãi đỗ xe trên các phố Phan Kế Bính, Nguyễn Khánh Toàn, Thái Hà, Nghĩa Đô và các điểm đỗ xe ngầm ở vườn hoa Vạn Xuân, khu đô thị mới Cầu Giấy...

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cũng vừa có báo cáo sơ bộ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đề án Nghiên cứu sắp xếp lại mạng lưới các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn Thủ đô đến năm 2020.

Điểm nổi bật của đề án là xây dựng mạng lưới các điểm đỗ xe công cộng thông minh, kết nối trực tiếp với các dự án giao thông, quy hoạch chung của thành phố.

Theo đó, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải đề xuất các nguyên tắc sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe công cộng trên cơ sở lựa chọn vị trí và các loại hình đỗ xe ở các khu vực hạn chế phát triển, khu vực mở rộng phát triển, khu vực xây mới...

Đối với loại hình đỗ xe công cộng trong khu vực hạn chế phát triển sẽ áp dụng mô hình điểm đỗ xe nhiều tầng và sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa (dùng thang máy).

Trong điều kiện quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn hạn hẹp, số lượng phương tiện lớn, Hà Nội có thể thí điểm áp dụng mô hình điểm đỗ xe thông minh nêu trên.

Đây là mô hình đang được vận hành phổ biến ở nhiều quốc gia, vì vừa tiện lợi, tiết kiệm chi phí xây dựng, đất đai, điều hành, vừa chứa được số lượng xe lớn hơn rất nhiều so với điểm đỗ truyền thống.

Tại các khu vực mở rộng phát triển của Hà Nội có thể xây dựng điểm đỗ xe trên tuyến, đường nội đô và điểm đỗ xe ngầm.


DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+