Top

Quỹ hỗ trợ người bị thu hồi đất: Tiền chỉ nằm trên giấy

Cập nhật 13/07/2009 08:50

Những người dân bị giải tỏa cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đang ở khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi cho hay không biết gì về Quỹ 156 - Ảnh: N.Triều

Bắt buộc phải đóng Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi ở TP.HCM (Quỹ 156) nhưng nhiều đơn vị vẫn phớt lờ dù đất đã thu hồi gần xong.

Ra đời từ tháng 10-2006, Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi được ngân sách cấp vốn “mồi” ban đầu là 50 tỉ đồng, sau đó vốn của quỹ bổ sung chủ yếu từ nguồn thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư các dự án có thu hồi đất. Theo quy định, chủ đầu tư sử dụng đất thu hồi của dân phải đóng góp cho quỹ mức 5% trong tổng chi phí bồi thường và hỗ trợ đối với dự án mới triển khai, 3% đối với dự án bồi thường dở dang. Tính đến giữa tháng 6-2009, thống kê từ 20 quận huyện cho thấy hiện có 281 dự án mới và 271 dự án bồi thường dở dang.

Sắp hết quỹ

Nhu cầu rất lớn


Theo một khảo sát của cơ quan chức năng TP.HCM năm 2008: gần 17.000 hộ dân bị thu hồi đất có nhu cầu vay vốn với số tiền 504 tỉ đồng, hơn 19.000 người có nhu cầu hỗ trợ về giáo dục, hơn 3.000 người có nhu cầu hỗ trợ học phí đào tạo nghề...

Ở quận 2, báo cáo khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ 156 của các chủ đầu tư khoảng 600 tỉ đồng, nhưng quỹ mới nhận hơn 5 tỉ đồng. Còn ở quận 1, thống kê số tiền làm nghĩa vụ này khoảng 163 tỉ đồng, vậy mà danh sách nộp tiền cho quỹ được chốt vào giữa tháng 6-2009 vẫn chưa có tên của quận 1. Theo hội đồng quản lý Quỹ 156, ước tính khả năng thu của quỹ năm 2009 khoảng 600 tỉ đồng nhưng trong sáu tháng đầu năm chỉ có bốn chủ dự án thực hiện nghĩa vụ đóng góp ban đầu là hơn 16 tỉ đồng.


Báo cáo ngày 1-7 của hội đồng Quỹ 156 cho biết quỹ hiện còn trên 15 tỉ đồng. Trong khi đó, theo hội đồng này, khảo sát cho thấy nhu cầu của năm 2009 cần hỗ trợ học phí cho khoảng 14.000 lượt học sinh, sinh viên (khoảng 7 tỉ đồng); hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 400 lượt người với hơn 700 triệu đồng. Đặc biệt, hỗ trợ vốn vay để giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động với số tiền hơn 125 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn cho các nhu cầu này khoảng 135 tỉ đồng. Tuy nhiên từ khi ra đời đến nay Quỹ 156 mới nhận số tiền khoảng 61,5 tỉ đồng.

Tiếp tục cảnh “chợ chiều”?

Tại quận 2, một trong những dự án thu hồi đất lớn nhất là đô thị mới Thủ Thiêm. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, dự án đã bồi thường được hơn 420ha trong số 690ha đất cần thu hồi. Nếu tính trên tổng dự toán số tiền bồi thường, hỗ trợ người bị thu hồi đất khoảng 12.000 tỉ đồng, số tiền phải thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ 156 ở dự án này đã hơn 350 tỉ đồng. Còn nay, khi thực hiện chính sách được điều chỉnh, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tăng lên khoảng 25.000 tỉ đồng..., số tiền làm nghĩa vụ đóng Quỹ 156 chắc chắn là một khoản không nhỏ. Nhưng đến nay ở dự án khu đô thị Thủ Thiêm chưa thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ 156. Cơ quan quản lý dự án còn băn khoăn: nếu buộc phải thực hiện Quỹ 156 thì phải lấy từ ngân sách nhà nước để đóng, trong khi hiện nay các nguồn tài chính dành cho dự án chủ yếu tập trung để giải quyết yêu cầu cấp bách nhất là chi trả tiền đền bù và hỗ trợ.

Tại quận 8, UBND quận cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp có dự án triển khai bồi thường dở dang và đề nghị chủ dự án làm nghĩa vụ đóng Quỹ 156. Thế nhưng theo UBND quận, một số chủ dự án nêu khó khăn do kinh tế khủng hoảng, mức trích nộp Quỹ 156 mức tương đối cao, tạo áp lực lớn về vốn đối với doanh nghiệp... Tính đến đầu tháng 6-2009, ở quận này mới có một dự án làm nghĩa vụ đóng Quỹ 156 với số tiền 3,781 tỉ đồng, trong khi tổng số tiền phải đóng cho quỹ trên 21 tỉ đồng.

Trước đây, từ hồi tháng 9-2008, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo chủ tịch UBND các quận huyện mời các chủ dự án lên làm việc, yêu cầu đóng Quỹ 156 để giải quyết ách tắc về nguồn vốn cho quỹ này. Dù vậy, đến thời điểm này Quỹ 156 chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Có ai nói gì đâu

Những người dân mà chúng tôi gặp ở khu tái định cư B27 (phường An Phú, quận 2) đều trả lời như thế khi được hỏi có biết hay không về Quỹ 156. Bà Lê Ánh Tuyết, tổ phó chung cư An Lộc 1, cho biết từ tháng 10-2008, khi gia đình chuyển từ phường An Khánh về tái định cư ở chung cư này, bà chưa hề nghe chính quyền địa phương hay chủ đầu tư nói gì về Quỹ 156. Cách đây khoảng hai tháng, UBND phường phổ biến cho các tổ trưởng, tổ phó ở khu tái định cư về chính sách cho vay vốn, theo đó mỗi hộ khó khăn có thể được xét cho vay 30 triệu đồng. Theo bà Tuyết, ở chung cư này người dân đã kê khai và đăng ký vốn nhưng đến nay chưa thấy phản hồi có ai được vay hay không. “Chỉ nghe nói là sẽ được xét cho vay chứ không biết rõ là từ nguồn nào, còn chuyện hỗ trợ học nghề với giải quyết việc làm thì không nghe ai nói hết” - bà Tuyết nói.

Tương tự, bà Bùi Kim Phương, tái định cư ở chung cư An Phúc, cũng cho biết không hay gì về Quỹ 156. Khi chuyển về tái định cư ở chung cư này, bà phải sống bằng việc mua chuối, mua dừa về che dù bán dưới sân chung cư nhưng bị ban quản lý đuổi và lập biên bản. Bà Phương than thở: “Lập biên bản thì lập chứ chẳng lẽ tui ngồi không chịu chết”. Chồng bà, ông Lê Văn Bọ, lúc còn ở phường An Lợi Đông làm thuê trên tàu, nhưng khi về đây mất luôn việc làm phải chuyển sang chạy xe ôm lây lất từng bữa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quỹ 156, ông Mai Văn Nguyên - chánh văn phòng đồng thời là người phát ngôn của UBND quận 2 - cho biết: “Chúng tôi đã phổ biến chính sách này xuống từng phường, bà con nào cần vốn để kinh doanh, buôn bán hay học nghề thì lập đề án gửi về phường, phường trình lên quận giải quyết thôi”. Về phản ảnh của người dân rằng họ không biết gì về Quỹ 156, ông Nguyên khẳng định địa phương có phổ biến đến người dân và “bà con nói không biết là việc của bà con”!

 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO