Top

Quy định mức giá trần dịch vụ chung cư: Nên hay không?

Cập nhật 22/01/2013 11:07

Nên hay không việc quy định mức giá trần dịch vụ nhà chung cư là những tranh cãi được đưa ra tại hội thảo Quản lý giá dịch vụ nhà chung cư do Sở Xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội.
 

Keangnam là 1 trong 6 dự án xảy ra nhiều mâu thuẫn về phí dịch vụ giữa chủ đầu tư và cư dân

Nên hay không?

Ông Nguyễn Văn Bách - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) cho hay, trong quá trình quản lý các toà nhà chung cư thì vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư là khá phổ biến. Tại một số dự án đã phát sinh mâu thuẫn do chưa thống nhất về giá, chất lượng cung cấp các dịch vụ chung cư giữa một số hộ dân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư hoặc đơn vụ quản lý chung cư gây ra mất ổn định trật tự, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân.

Ông Bách cho rằng, trước kia, thời điểm bất động sản “nóng”, người mua không bao giờ quan tâm đến hợp đồng dẫn đến các điều khoản sau này thường phát sinh tranh chấp. Nay dù chủ đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện hợp đồng song mâu thuẫn vẫn không giải quyết được.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), thành phố không nên quy định mức giá trần dịch vụ nhà chung cư. Lý do ông Hiệp đưa ra bởi các toà nhà khác, dù có đầy đủ tiện ích nhưng rất khó quyết định toà nhà này hạng A, B, C hay D.

Đồng quan điểm trên, ông Michael Schmith - Tổng điều hành công sản khu đô thị Nam Thăng Long lý giải, tại Ciputra, nếu tính đúng tính đủ, mức phí bảo trì lên tới 12.500 đồng/m2. Để gánh bớt cho khách hàng, chủ đầu tư chỉ thu 7.000 - 8.000 đồng/m2, biệt thự khoảng 4.000 - 5.000 đồng/m2.

“Khu Ciputra có khối lượng công việc đồ sộ với hệ thống vận hành thang máy, máy phát điện và 500 bảo vệ, nên không thể áp theo giá trần của thành phố. Còn nếu tính 4.000 đồng/m2, chúng tôi chỉ vệ sinh một tuần một lần thay vì hằng ngày và giảm nhân viên bảo vệ của tòa nhà từ 3 - 4 người xuống còn 1” - ông Michael khẳng định.

Cần tiếp tục

Theo báo cáo của sở Xây dựng, sau hơn 1 năm sở tham gia giải quyết tranh chấp tại 6 dự án: Keangnam, Golden West Lake, 57 Láng Hạ, 88 Láng Hạ, Bitexco Mỹ Đình - Mễ Trì và 96 Định Công, những nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành chung cư chưa công khai trong việc quản lý giá dịch vụ nhà chung cư. Trong quá trình thực hiện, nhiều chủ đầu tư và người dân chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Dân sự, nhiều chủ đầu tư đã áp dụng mức giá trần để thu các hộ dân mặc dù tần suất, nội dung và chất lượng dịch vụ chưa tương xứng…

Về phía đơn vị quản lý toà nhà, đại diện công ty Savills Việt Nam thẳng thắn cho biết, Việt Nam chưa có quy trình quản lý cụ thể, rõ ràng tại các khu chung cư; Chưa phân chia rõ ràng về diện tích sở hữu chung cư, sở hữu riêng, doanh thu chung/riêng, mục đích sử dụng của từng khu vực. Hơn nữa, chất lượng xây dựng chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tranh cãi giữa cư dân và chủ đầu tư. Điểm quan trọng nữa là các chủ đầu tư chưa công khai bản ngân sách thu, chi nên dẫn tới những mâu thuẫn.

Để “gỡ rối” những mâu thuẫn trên, theo ông Trần Như Trung - Phó giám đốc công ty Savills Hà Nội thì các bên có liên quan phải vào cuộc, đồng thời phải xây dựng được cơ sở pháp lý toàn diện, từ khía cạnh đăng ký căn hộ, hình thức sở hữu chung - riêng, cụ thể hình thức sở hữu quyền quản lý từ các bên liên quan đến một toà nhà cụ thể. Ông Trung cũng cho rằng, không nên đặt ra giá trần cụ thể, chất lượng tòa nhà sẽ do thị trường quyết định.

Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước, ông Bách cho rằng cần thành lập Ban quản trị sớm để đại diện tiếng nói của dân làm việc với chủ đầu tư. Ban Quản trị sẽ đàm phán thuê đơn vị quản lý chuyên nghiệp và xây dựng dự toán công khai với cư dân sau đó họp dân đưa ra mức phí dịch vụ hợp lý, khách quan và minh bạch.

Ở khía cạnh nhà quản lý, ông Đỗ Mạnh Khởi – Phó cục trưởng cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, bộ Xây dựng nhấn mạnh, một trong những tồn tại lớn nhất là vấn đề minh bạch, công khai thông tin. Rất nhiều chủ đầu tư không công khai mức phí, số tiền cấu thành nên mức giá đó. Chính vì vậy, nhà nước vẫn phải tham gia quản lý. Để hạn chế những mâu thuẫn liên quan, chủ đầu tư phải công khai mức phí dịch vụ để người dân được biết, đồng thời mỗi toà nhà phải thành lập một ban quản trị.

“Việc quy định giá dịch vụ nhà chung cư vẫn phải tiếp tục. Nếu không người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi chủ đầu tư thường tự ý áp đặt mức phí. Chủ đầu tư có quyền thu cao hơn quy định miễn sao được hơn 50% người dân ủng hộ” - ông Khởi khẳng định.
 

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN