Top

Quốc hội sẽ bàn chuyện một giấy nhà-đất

Cập nhật 23/05/2009 08:20

Sẽ thiết kế một quyển sổ chung cho nhà-đất kiểu như sổ hộ khẩu hay hộ chiếu. Một đầu mối cấp giấy chứng nhận cho nhà, đất.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp này, Quốc hội chỉ sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở về nội dung quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho Việt kiều. Tuy nhiên, đến hôm qua (22-5), có tin Chính phủ vừa đề nghị bổ sung thêm nội dung gộp hai giấy sử dụng đất-sở hữu nhà ở vào chương trình làm việc của Quốc hội. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thuận (ảnh) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết:

Nội dung này được Chính phủ đưa vào những ngày cuối trước khi khai mạc kỳ họp và hôm qua tôi đã trao đổi với anh Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. Chắc sẽ phải lồng vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Thống nhất là gộp

* Ngày 22-5, Chính phủ đã trình Quốc hội luật sửa đổi một số điều của hai luật nhà ở và đất đai nhưng không đưa vấn đề một giấy vào luật này. Tại sao, thưa ông?

+ Vì chưa kịp chuẩn bị. Chính phủ còn đang bàn chứ đã thống nhất được phương án gộp thế nào và giao cho cơ quan nào làm đầu mối quản lý vấn đề cấp một giấy nhà-đất đâu.

* Nhưng Chính phủ đã xin bổ sung vào chương trình làm luật của kỳ họp này, vậy thì chắc cũng có hướng rồi chứ?

+ Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp cùng Văn phòng Chính phủ bàn bạc thống nhất dự thảo trình Quốc hội. Quốc hội cử Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật cùng tham gia để đẩy nhanh tiến độ, sớm trình Quốc hội.

Cho đến nay mới thống nhất được vấn đề cơ bản là gộp. Còn các vấn đề liên quan để triển khai một giấy giao Bộ Xây dựng hay Bộ TNMT làm đầu mối thì theo tôi biết vẫn chưa thống nhất được. Theo Luật Nhà ở thì cấp giấy sở hữu nhà phải qua ngành xây dựng, Luật Đất đai thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải do TNMT quản lý. Cho nên vẫn còn ý kiến khác nhau.

Sẽ thông qua ngay kỳ họp này

* Quan điểm của ông thế nào?

+ Tôi cho là nội dung sửa đổi chỉ cần quy định chung là cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở chỉ bằng một giấy, một cửa, đồng thời bãi bỏ các quy định liên quan trong hai luật Đất đai và Nhà ở. Còn làm thế nào để triển khai giao Bộ Xây dựng hay Bộ TNMT làm đầu mối hướng dẫn, thực hiện thì để Chính phủ quyết.

Với đất đai, nhà nước chỉ nên quan tâm hai việc chính: ràng buộc người sử dụng đất và chủ sở hữu bất động sản nghĩa vụ sử dụng, khai thác theo quy hoạch; và mọi khoản lợi tức trên đó phải được kiểm soát, điều tiết, nộp thuế.

* Đến giờ vẫn chưa ra được dự thảo, liệu có kịp trình ngay trong kỳ họp này?

+ Phải kịp chứ. Chương trình kỳ họp là dùng kỹ thuật ban hành một luật sửa nhiều luật và thông qua ngay trong kỳ họp này mà. Muốn gì thì gì, tuần tới cũng phải trình Quốc hội.

Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên:

Cập nhật mọi biến động vào một giấy

Chính phủ đã bàn về vấn đề này. Tinh thần là sẽ thiết kế một quyển sổ chung, khoảng tám trang, kiểu như sổ hộ khẩu hay quyển hộ chiếu. Trên sổ có thể ghi nhận nhiều miếng đất khác nhau, nhiều loại tài sản gắn liền với đất và có thể thể hiện thông tin cả khi chủ sử dụng đất khác với chủ sở hữu tài sản. Hình thức như vậy sẽ thuận lợi cho giao dịch mua bán, cầm cố, thế chấp của dân. Chẳng hạn có thể dành riêng hai trang cuối để ghi chép biến động đất đai, biến động tài sản trên đất và các giao dịch liên quan đến thửa đất, tài sản trên đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền:

Bức xúc lắm rồi, sẽ sửa ngay

Theo kế hoạch ban đầu, trong kỳ họp này, Chính phủ trình sửa cùng lúc một số điều ở bốn luật: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp. Trong đó, sửa đổi chính là ở hai luật đầu, liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Việc sửa đổi này được thực hiện theo kỹ thuật một luật sửa nhiều luật.

Nhưng mấy ngày trước, Chính phủ đề nghị sửa thêm một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về gộp giấy đỏ, giấy hồng làm một. Như vậy, có khả năng Chính phủ sẽ trình Quốc hội một dự án luật để sửa cả sáu luật kể trên. Một vài ngày tới, khi Chính phủ trình sang, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra và báo cáo Quốc hội.

Cho đến buổi họp ngày 22-5, Chính phủ mới chỉ trình sửa hai luật Đất đai và Nhà ở về nội dung quyền sử dụng, sở hữu nhà ở, đất ở cho Việt kiều, còn sửa toàn diện Luật Đất đai xin lùi sang năm 2010. Trong khi đó, doanh nghiệp kiến nghị nhiều về thống nhất một giấy nhà-đất, cho thấy vấn đề bức xúc lắm rồi, cần giải quyết ngay. Dự kiến cùng với các vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, chuyện một giấy sẽ được quyết ngay tại kỳ họp này.


Một đầu mối cấp giấy chứng nhận cho nhà, đất

Ngày 22-5, tại TP.HCM, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo để trình bày báo cáo cuối cùng đề án của tư vấn quốc tế về hệ thống quản lý nhà, đất. Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập một hệ thống quản lý thông tin nhà đất hiện đại ở TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. “Điều khó khăn nhất khi thực hiện dự án là phải giải quyết được những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở cùng sự phân chia thẩm quyền quản lý giữa hai bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng” - ông Terence Wilson, tư vấn quốc tế của dự án, nhận định.

Theo mô hình của hệ thống này, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất sẽ là đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin (gồm cấp giấy chứng nhận, cập nhật biến động, đăng ký xóa bỏ thế chấp...) thực hiện trên phần mềm ViLIS. Khởi đầu thí điểm, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 6 và quận Tân Phú (TP.HCM) là nơi duy nhất làm nhiệm vụ đăng ký nhà đất được giao thêm chức năng đăng ký nhà và công trình gắn liền với đất. Văn phòng này phải trở thành văn phòng một cửa dịch vụ hoàn thiện.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP