Những rắc rối liên quan đến nhà tái định cư (NTĐC) kéo dài nhiều năm qua đã tạo thành định kiến xấu trong dư luận xã hội nên cứ nói đến NTĐC là người ta không có mấy ấn tượng tốt đẹp, mà chỉ nghĩ đến xuống cấp nhanh, chất lượng phục vụ kém... Bị định kiến như thể "một sản phẩm không mong muốn", NTĐC không những không là lực hút giúp giảm gánh nặng GPMB, mà còn là lực cản kéo dài nhiều dự án.
Khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Đàm Duy
|
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, sau khi hợp nhất năm 2008, hằng năm, Hà Nội triển khai khoảng 1.000 dự án phải GPMB, thu hồi đất. Nhu cầu NTĐC lên tới 20.000 căn hộ/năm. Nhưng trong hơn 10 năm qua, cả thành phố mới xây dựng được khoảng 11.000 căn hộ, chiếm già nửa số căn hộ cần đáp ứng cho một năm GPMB. Điều này cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu NTĐC tại Hà Nội. Mặc dù tính chung thì thiếu, nhưng do công tác quản lý, sử dụng quỹ NTĐC yếu kém nên đã xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Có dự án được giao nhà vài năm để mốc mà chưa sử dụng đến vì tiến độ kéo dài, có dự án khác phải "chờ dài cổ" chưa thấy NTĐC đâu. Nguyên nhân là vì các sở, ngành, quận, huyện đều có thể làm chủ đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng NTĐC. Mỗi nơi một kiểu, mỗi chủ đầu tư một "phách". Cùng với những yếu kém trong kiểm tra, giám sát, thành phố chưa có được một "nhạc trưởng" để điều hành, quản lý quỹ NTĐC.
Sở QHKT cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đã hình thành quỹ đất cho 150 dự án NTĐC. Quỹ nhà này nhằm chuẩn bị cho hàng loạt các dự án quan trọng trong thời gian tới như các đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị, thậm chí cả dự án dài hơi như trục Hồ Tây - Ba Vì. Nhưng với cơ chế hiện hành, rất khó để bảo đảm Hà Nội sẽ có quỹ NTĐC đầy đủ, chất lượng.
Hà Nội đã sử dụng nguồn vốn GPMB linh hoạt và hiệu quả. Đó là gom tất cả nguồn vốn GPMB các dự án về một đầu mối là Kho bạc Nhà nước. Trên cơ sở đó, dự án nào cần vốn trước, thành phố sẽ bố trí vốn tập trung hoàn thành GPMB cho dự án đó, tiếp theo mới đến các dự án khác. Đây là cách phù hợp nhất để sử dụng nguồn vốn trong bối cảnh số lượng vốn không đủ đáp ứng tất cả dự án cùng lúc cũng như tốc độ triển khai các dự án rất khác nhau. Xét về cung - cầu, quỹ NTĐC của TP Hà Nội cũng có điểm chung với vốn GPMB, do vậy cũng đã có ý kiến đề xuất việc áp dụng phương pháp điều hành, sử dụng quỹ NTĐC tương tự nguồn vốn GPMB. Đó là quy về một đầu mối quản lý, điều hành bố trí quỹ NTĐC. Với cách này, TP Hà Nội mới có thể tập trung GPMB các dự án cấp bách, trọng điểm trước, nhất là sẽ giải quyết được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu trong bố trí NTĐC.
Bên cạnh đó, điểm tồn tại trong việc xây dựng quỹ NTĐC hiện nay là chưa coi NTĐC như một sản phẩm. Một khi coi NTĐC là sản phẩm, có thể xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá… cho nó. Từ đó, hễ các doanh nghiệp xây dựng có sản phẩm nhà đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định, thì bất kể doanh nghiệp đó thuộc thành phần kinh tế gì, thành phố cũng có thể đặt hàng và mua các sản phẩm ấy. Các sở, ngành, quận, huyện cũng có thể tiếp tục là chủ đầu tư xây dựng NTĐC như hiện nay miễn là sản phẩm của họ đạt tiêu chuẩn, tiêu chí sau khi "đầu mối" điều hành NTĐC của thành phố thẩm định và bổ sung vào quỹ chung. Cách này sẽ giúp huy động được các nguồn lực đầu tư đa dạng của xã hội, giải quyết được vấn đề thiếu vốn đầu tư NTĐC hiện nay.
Có thể nói, nếu quy về một đầu mối điều hành NTĐC cùng với xây dựng cơ chế tương ứng, thành phố sẽ có cơ quan quản lý làm cơ sở thực hiện các ý tưởng xây dựng, quản lý, điều hành NTĐC linh hoạt và cơ động hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: