Top

Quản lý chung cư: Cần cả quy định lẫn chế tài

Cập nhật 28/09/2017 13:15

Vấn đề quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được xây dựng theo Luật Nhà ở đang diễn biến phức tạp, xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân. Cụ thể là những vấn đề liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng và vận hành, quản lý, phần sở hữu chung, sở hữu riêng.


Đó là nhận định của Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017, bên cạnh vấn đề quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Qua đánh giá sơ bộ, 8 - 10% chung cư trên địa bàn TP.HCM có tình trạng mâu thuẫn giữa chủ đầu tư - cư dân - ban quản trị. Nguyên nhân xuất phát từ phía chủ đầu tư, cũng có trường hợp do ban quản trị và chủ đầu tư không thống nhất được việc quản lý, vận hành, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Theo người đứng đầu Sở Xây dựng, có chung cư phí quản lý, vận hành trên dưới 10 tỷ đồng, nhưng cũng có chung cư do cư dân đóng góp lên đến 60 - 70 tỷ đồng để quản lý, vận hành.

Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, sở dĩ có mâu thuẫn kéo dài giữa chủ đầu tư chung cư và cư dân bởi pháp luật chưa quy định rõ trong việc sở hữu chung, riêng tại chung cư. Đồng thời khả năng hậu kiểm của cơ quan chức năng còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém, nên dẫn đến một số chủ đầu tư vi phạm pháp luật, tranh chấp với cư dân.

Có trường hợp cư dân khiếu nại chủ đầu tư chung cư vì "tiền hậu bất nhất" giữa thời điểm rao bán nhà và giao nhà. Theo đó, thay vì sử dụng phần khối đế công trình cho các tiện ích công cộng và thương mại như quảng cáo thì chủ đầu tư lại chuyển đổi công năng thành officetel để bán "lần hai" khi đã bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư rao bán căn hộ với mức giá cao vì cho rằng đảm bảo đầy đủ tiện ích như hồ bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng khi bàn giao lại lấy phần nhà sinh hoạt chung để cho thuê, tranh thủ kiếm thêm tiền. Qua đánh giá của Sở Xây dựng, Tân Phú và Tân Bình là hai quận tập trung nhiều tranh chấp chung cư. Có trường hợp chưa khởi công hay đang thi công đã xảy ra tranh chấp.

Sở Xây dựng đã thành lập một tổ công tác chuyên tham mưu xử lý tranh chấp chung cư, phối hợp các quận, huyện để tìm hướng giải quyết vướng mắc. Song, thay vì chỉ đơn thuần đừng lại "tham mưu", thực tế cần những quy định, chế tài cụ thể đối với quyền, nghĩa vụ, thậm chí là hình thức xử lý theo quy định của pháp luật nếu ban quản trị chung cư lạm quyền, mập mờ thu chi, gây thất thoát tài chính (phí vận hành).

Nếu chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian bàn giao quỹ bảo trì (2%), Sở Xây dựng phải nhanh chóng kiến nghị UBND thành phố để có quyết định cưỡng chế, thu hồi phần này bàn giao lại cho ban quản trị.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG