Top

Phân khu đô thị sông Hồng: Nguy cơ dự án cất tủ kính

Cập nhật 28/11/2014 10:24

Nếu Hà Nội tương lai phát triển thành thành phố 2 bên sông, phân tích liên kết thành phố bằng những cây cầu đã đủ chưa? Nên phân tích thêm những yếu tố nào gây nên hạn chế kết nối sông Hồng với không gian thành phố hiện nay để sau này có giải pháp quy hoạch khả thi.

Dù nhiều bộ, ngành cùng quản lý lưu vực sông Hồng, nhưng hầu như chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm chính, dẫn đến sông Hồng ngày càng bị lấn chiếm. Cho nên yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là cần quan tâm, quản lý chặt hơn khu vực này. Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đào Ngọc Tuấn cảnh báo như vậy tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa mới diễn ra.

Sông Hồng ngày càng bị lấn chiếm

Trước đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã đưa ra đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Theo đó, Phân khu đô thị sông Hồng đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa giới hành chính 13 quận, huyện, với diện tích gần 11.000 ha; hiện trạng dân cư gần 230.000 người. Khu vực nghiên cứu trải qua nhiều địa bàn, có nhiều đặc điểm khác biệt và nhiều điều kiện khống chế.

Vì vậy, việc nghiên cứu lập quy hoạch là cần thiết, giúp quản lý và gìn giữ những nét văn hóa, các giá trị về cảnh quan khu vực.

Kiến trúc sư Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc 4, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm đồ án cho biết, mục tiêu của đồ án là tạo các không gian xanh, không gian mở cho thành phố và hướng thành phố quay về phía sông Hồng. Thêm vào đó, việc bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên sẵn có, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trong khu vực, bảo tồn và tôn tạo các không gian, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử cũng là mục tiêu cần quan tâm.

Việc kết nối không gian đô thị cũ và mới, kết nối các trục không gian cảnh quan chính sẽ tạo thêm sức hút cho du lịch Thủ đô.

Tuy nhiên, cùng với đó các chuyên gia cũng cho rằng, đồ án quy hoạch này cần đề cập đến quản lý nguồn tài nguyên nước trên sông Hồng; đảm bảo nguồn cấp nước sạch; là nơi có môi trường sinh thái ổn định và bền vững. Cũng như nghiên cứu áp dụng các nguyên tắc sinh thái tiên tiến để biến sông Hồng thành biểu tượng trung tâm xanh của Hà Nội; thiết kế các đê mới và các biện pháp kiểm soát lũ sao cho chúng không trở thành rào cản với không gian mặt nước.

Có như vậy, đồ án sẽ không tạo nên những đường biên phân cách, không gian của sông Hồng sẽ hòa nhập chung với không gian đô thị. Bên cạnh đó, khuyến khích giải pháp tiếp cận cộng đồng, để cư dân Thủ đô và cả nước dễ dàng đến sông Hồng bằng nhiều phương tiện giao thông và từ nhiều hướng khác nhau trong thành phố. Đó chính là tính liên vùng của đồ án.

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cũng đưa ra giả định: Nếu Hà Nội tương lai phát triển thành thành phố 2 bên sông, phân tích liên kết thành phố bằng những cây cầu đã đủ chưa? Nên phân tích thêm những yếu tố nào gây nên hạn chế kết nối sông Hồng với không gian thành phố hiện nay để sau này có giải pháp quy hoạch khả thi. Đây là giả thiết mà ban soạn thảo đồ án cần phải đặt ra.

Thêm vào đó, vị đại diện này cũng cho rằng, cần làm rõ tác động môi trường khi triển khai xây dựng đê quai và việc khai thác quỹ đất trong hành lang đê xây dựng đô thị; nghiên cứu địa chất vùng đất 2 bên sông (bên lở), để kiểm soát xây dựng công trình và khống chế tầng cao; đánh giá về ý nghĩa lịch sử - văn hóa, bản sắc nổi bật của văn minh Đại Việt, của Thăng Long ngàn năm văn hiến hiện diện ở sông Hồng và ven 2 bên bờ sông…

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cũng cho rằng, đồ án này cần phải cập nhật, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ các tỉnh liên quan và nói rõ báo động lũ số 1, số 2, số 3. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm về nút thắt giao thông Cầu Thanh Trì và Cầu Nhật Tân đã xảy ra.

Còn kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc nhận định, đây là quy hoạch đa ngành nên những người thực hiện đồ án cần phải đi tham quan ở các nước; bổ sung thêm cho đầy đủ cơ sở khoa học. Đồng thời, phải nghiên cứu kỹ hơn nữa về vấn đề dân số, di dân… Bởi, việc giảm hàng chục vạn dân ở khu vực “bờ xôi ruộng mật” khu vực Hà Nội là không dễ dàng.

Ông Đào Ngọc Tuấn thì cho rằng, để quản lý chặt khu vực sông Hồng phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương một cách thống nhất và đồng bộ. Vị này lưu ý thêm: “Nếu không có nguồn lực thì tất cả các ý kiến được gọi là sáng tạo nhất của chuyên gia nước ngoài cũng như chuyên gia trong nước rồi cũng cất trong tủ kính mà thôi”.

Nhiều ý kiến đồng tình quan điểm trên, dự án Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã nghiên cứu khá bài bản, toàn diện về các vấn đề trị thủy sông Hồng đoạn qua Hà Nội, phát triển đô thị hai bên sông Hồng với những khu đô thị mới cao tầng, hiện đại. Tuy nhiên, việc di dời 39.100 hộ dân, trong đó có nhiều khu vực đã được quy hoạch, nhà ở kiên cố, xóa bỏ hoàn toàn những khu vực có giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể là không khả thi.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng