Top

“Phá băng” nhà đất bằng thuế, lãi suất

Cập nhật 13/12/2012 09:31

Đó là các đề xuất mới nhất của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay

Đề nghị giảm 50% thuế GTGT đầu ra cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70 m² sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² sàn sử dụng... Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Xây dựng vừa gửi Bộ Tài chính nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS).

Giảm thuế để giảm giá

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để có chính sách thực hiện các ưu đãi ngay trong năm 2013. Theo đó, giảm 50% thuế giá GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế GTGT đầu ra cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70 m² sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² sàn sử dụng. Gia hạn nộp thuế GTGT đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở và thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng; áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất (10%) đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội...
 

Một dự án căn hộ tại TPHCM. Thị trường nhà đất đóng băng kéo dài đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: HỒNG THÚY


Do phải trình Quốc hội mà kỳ họp gần nhất là tháng 5-2013 nên Bộ Xây dựng đề nghị nếu các giải pháp trên không thể triển khai áp dụng ngay từ ngày 1-1-2013 thì Bộ Tài chính cần xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng trong 12 tháng để bảo đảm hiệu quả hỗ trợ, khuyến khích thị trường BĐS và thị trường nhà ở xã hội.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt giải pháp, đáng chú ý là sẽ cho phép chia nhỏ căn hộ diện tích lớn nhằm giảm giá bán, tạo điều kiện cho người mua lẫn chủ đầu tư. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép nới lỏng nhiều điều kiện về xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội nhằm cải thiện thanh khoản cho phân khúc này.

Cho vay mua nhà lãi suất 7%/năm

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), việc Bộ Xây dựng kiến nghị giảm thuế là một tín hiệu tốt, chứng tỏ các bộ, ngành đã thật sự bắt tay vào cuộc để cứu thị trường BĐS. Tuy nhiên, song hành với các đề xuất này, vẫn cần có thêm một số giải pháp tài chính khác mới có thể tháo gỡ được tảng băng BĐS.

Theo ông Châu, khó khăn nhất hiện nay là hàng tồn kho rất lớn trên tất cả các phân khúc thị trường; nhiều dự án dở dang, đền bù giải tỏa còn ngổn ngang. Người tiêu dùng và nhà đầu tư mất lòng tin và chưa quay trở lại tham gia thị trường BĐS. Khó khăn thứ 2 là nợ xấu BĐS rất lớn đang tạo ra một vòng luẩn quẩn: Nợ xấu - lãi vay cao - tính thanh khoản kém (hoặc mất thanh khoản) - không cơ cấu được nợ vay cũ - không tiếp cận được khoản vay mới. Nếu để tự bản thân DN vận động thì chắc chắn sẽ không thể thoát ra được.

Một trong những giải pháp mà Horea kiến nghị là sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo đó, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi (khoảng 8%/năm) cho người mua căn hộ đầu tiên, người đang ở nhà chật hẹp (dưới 5 m2/người) để mua căn hộ. Đồng thời, xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ đang chịu lãi suất cao (trên dưới 20%/năm) để chuyển sang hưởng mức lãi suất theo chính sách hiện nay; cho DN được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để tiếp tục hoàn thiện công trình, sản phẩm cung ứng cho thị trường...

Ngày 11-12, Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đề xuất với Thủ tướng các giải pháp giải cứu thị trường BĐS. Trong 5 giải pháp “phá băng” thị trường BĐS mà VAFI đưa ra, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất chính là cho người thu nhập thấp mua nhà vay vốn lãi suất 7%/năm. Cụ thể, người mua nhà trị giá dưới 2 tỉ đồng/căn được vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm cho 3 năm đầu (Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất khoảng 3%/ - 5%/năm). Theo tính toán của VAFI, tổng vốn Nhà nước cấp bù lãi suất sẽ vào khoảng 8.000 tỉ đồng trong 3 năm (2013, 2014, 2015 ). Với số tiền này, VAFI cho rằng sẽ thu hút số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 120.000 căn hộ chung cư.
Theo lập luận của VAFI, Nhà nước sẽ không phải thực chi 8.000 tỉ đồng này. Khi được thực hiện, chương trình kích cầu sẽ giải phóng hàng tồn kho BĐS, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, Nhà nước sẽ thu được nhiều khoản thuế gia tăng và dĩ nhiên, những khoản thuế gia tăng sẽ lớn hơn nhiều so với số vốn ban đầu bỏ ra trước.
 

Khó dự báo thị trường

Tại hội thảo “Triển vọng thị trường BĐS Việt Nam năm 2013” do Công ty CP Tri thức doanh nghiệp quốc tế phối hợp với Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức sáng 12-12, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự báo thị trường BĐS năm 2013 sẽ rất khó đoán vì phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kinh tế trong nước và thế giới.
Theo đó, thị trường BĐS sẽ tiếp tục suy giảm từ nay đến quý I/2013 và nếu thỏa mãn những “điều kiện tốt đẹp nhất” sẽ phục hồi từ quý II/2013 rồi bước vào một chu kỳ mới từ quý III/2013 trở đi. Tuy nhiên, nếu có rủi ro nào xảy đến, thị trường sẽ thật sự trầm lắng, đặc biệt là ở phân khúc nhà trung - cao cấp. Mặc dù vậy, thị trường BĐS sẽ không đổ vỡ nhờ vào khả năng phòng vệ cao của người Việt Nam.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động