Top

“Phá băng” bất động sản

Cập nhật 12/04/2012 09:50

Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định việc hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm nhằm hạ lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp (DN) cũng như nợ xấu của các NH.

Đặc biệt, sẽ mở van tín dụng cho vay đối với xây nhà để ở, xây nhà để cho thuê, để kinh doanh...


Chủ trì buổi họp báo sáng 11-4, ông Bình cho biết NH Nhà nước mở van đối với vay tiêu dùng mà trước đây được xem là lĩnh vực không khuyến khích. Trước đây, chỉ cho vay mua nhà để ở, nhưng đến nay đã cho phép cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, bán, cho thuê... Riêng đối với lĩnh vực chứng khoán, từ đầu năm nay NH Nhà nước không khuyến khích hệ thống NH cho vay. Về bản chất, vốn NH là vốn ngắn hạn, không thể cho vay trung và dài hạn. Nhưng bằng những giải pháp tiến hành với các tổ chức tín dụng, hi vọng thời gian tới thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện vững chắc.

"Nợ xấu trong hệ thống NH tăng lên trong mọi lĩnh vực. Đầu năm 3,2% thì đến nay nợ xấu trung bình đã là 3,6%, ở các tổ chức tín dụng có thể còn cao hơn"

Thống đốc NH Nhà nước NGUYỄN VĂN BÌNH
Ông Bình cho biết với các giải pháp đưa ra đã loại 50% các lĩnh vực, đối tượng mà trước đó không khuyến khích cho vay, trong khi đó vẫn giữ nguyên tỉ trọng cho vay các lĩnh vực không khuyến khích là 16%. Điều đó có nghĩa khối lượng cho vay lĩnh vực không khuyến khích tăng gấp đôi. Vì vậy với những giải pháp thận trọng, với lộ trình từng bước tháo gỡ, vẫn có thể đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2012.

Tại buổi họp báo, ông Bình đã trả lời một số câu hỏi.

* Xin thống đốc giải thích kỹ hơn lý do mở tín dụng cho bất động sản, nhà ở?

- Thời gian qua, với mục tiêu kiềm chế lạm phát thì phải thu hẹp tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa. Theo đó, chúng ta đưa bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất (nhóm không khuyến khích). Đến nay, điều kiện kiềm chế lạm phát và thanh khoản hệ thống NH đã được cải thiện. NH Nhà nước quyết định tháo gỡ từng bước, trước mắt phải gỡ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở vì nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Hiện mặt bằng giá nhà đã ở mức hợp lý, phù hợp mức thu nhập của người dân... Các tầng lớp thu nhập đều có khả năng tiếp cận với bất động sản. Nếu mở tín dụng sẽ giảm được lượng tồn kho nhà ở trong kinh doanh bất động sản, từ đó tạo trung chuyển dòng vốn hợp lý trong nền kinh tế.

Khi bất động sản được tháo gỡ một phần có thể giúp tháo gỡ nhiều lĩnh vực khác như giải phóng hàng tồn kho ximăng, sắt thép, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng, tạo trung chuyển vốn, cải thiện nợ xấu trong hệ thống NH...

* Việc hạ một loạt lãi suất huy động, lãi suất tái cấp vốn... nhưng DN vẫn không tiếp cận được vốn vay?

- Mặc dù giảm lãi suất nhưng một số DN vẫn không tiếp cận được với lãi suất giảm. Tôi cũng xin nói là DN có nhiều loại hình khác nhau và cũng có tình hình tài chính khác nhau. Do vậy tôi khẳng định DN nào tốt, đủ điều kiện vay vốn theo các quy định hiện hành thì hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 14-16%/năm. Nếu nhà báo nào có danh sách những DN như vậy thì mang đến đây, tôi với tư cách là thống đốc NH Nhà nước khẳng định dự án đó sẽ được vay vốn.

Còn hiện nay, các DN của chúng ta cũng rất khó khăn. NH cũng là DN chứ NH không phải chỗ sản xuất ra tiền vì tiền này là tiền của nền kinh tế, của nhân dân. Nên cho vay phải có trách nhiệm bảo vệ khoản tiền đó chứ NH không phải là chỗ để cấp phát. Ngay cả những DN nếu có tốt đi nữa nhưng ở lĩnh vực không khuyến khích cho vay thì đến NH đề nghị vay với lãi suất thấp là không có. Chúng ta không cấm các tổ chức tín dụng cho vay nhưng không khuyến khích họ dù tình hình tài chính lành mạnh. Cho nên đối với các lĩnh vực kinh doanh này vẫn phải cho vay với mức lãi suất cao 20-25%/năm vì thông qua công cụ lãi suất để giảm cho vay khu vực không khuyến khích và ưu tiên vốn cho khu vực sản xuất: nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ...

Thực tế có một số DN đúng đối tượng mà chúng ta đang khuyến khích cho vay như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu nhưng tình hình tài chính vô cùng xấu thì làm gì có NH nào dám cho vay. Với tư cách là thống đốc NH Nhà nước, nếu phát hiện NH nào cho những DN đó vay thì tôi sẽ cách chức giám đốc NH đó. Và đồng chí giám đốc đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật vì không tuân thủ quy định về hoạt động cho vay tín dụng.

Còn việc hạ lãi suất sẽ tùy vào khả năng hấp thụ vốn của DN. DN kêu không vay được vốn thì cần thông cảm với khó khăn của họ nhưng phải xem lại là vì sao họ không vay được vốn. NH Nhà nước đã báo cáo với Chính phủ và thống nhất đến nay không đặt ra việc tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng, mà quan trọng là việc hấp thụ vốn. Thanh khoản của hệ thống NH đang cải thiện, các tổ chức tín dụng đang thừa tiền để mua trái phiếu Chính phủ. Nếu cho vay được thì họ đâu có phải chịu lãi suất thấp của việc mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NH Nhà nước. Nhưng vấn đề là cần tìm ra các DN tốt để NH có thể cho vay hay không.

* Với trần lãi suất huy động 12%/năm thì kỳ vọng lãi suất cho vay là bao nhiêu?

- Với việc giảm lãi suất tiền gửi xuống 1%, thì lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ dao động 13-16%/năm. Thậm chí có những tổ chức tín dụng sẽ cho vay thấp hơn. Giảm lãi suất cho vay là chiều hướng chắc chắn, không thể tránh khỏi nên nhiều tổ chức tín dụng đã có biện pháp đi tắt để thu hút khách vào NH mình.

* NH Nhà nước có chủ trương cơ cấu nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do các nguyên nhân khách quan không?

- NH Nhà nước đã có cơ sở pháp lý ban hành trong nhiều thời gian trước đây để hướng dẫn các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ cho các DN. Nhưng vì chính tình hình tài chính của các NH thương mại như chúng tôi đã trình bày là thanh khoản được cải thiện một bước nhưng chưa bền chặt. Do vậy, đôi khi các tổ chức tín dụng vẫn thúc ép DN trả nợ đúng hạn theo hợp đồng tín dụng. Chính vì vậy, một trong những nội dung chỉ đạo lần này là NH Nhà nước yêu cầu các NH hết sức chủ động để cơ cấu lại nợ đối với các DN. Tuy nhiên, không phải tất cả khoản nợ của tất cả DN được cơ cấu mà chỉ với các DN có khó khăn tạm thời mà đường hướng sản xuất kinh doanh của họ vẫn rất tốt, có khả năng khắc phục được những khó khăn thì NH mới cơ cấu lại nợ. Hay nói tóm lại nếu như những khó khăn đó của DN chỉ là tạm thời thì mới xử lý được. Còn khó khăn do bản chất sử dụng vốn sai mục đích thì không thể xử lý.

* Dư nợ tín dụng vào từng ngành thuộc lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, chứng khoán, bất động sản là bao nhiêu, thưa ông?

- Tỉ trọng cho vay từng ngành thì đến nay dùng khái niệm cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực không khuyến khích. Đối với lĩnh vực không khuyến khích cuối tháng 12-2011, tỉ trọng này là trên 11% nhưng đến ngày 31-3-2012 chỉ còn 10%. Như thế cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích thì ngày càng giảm, chứng tỏ dư nợ tín dụng của hệ thống NH tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh đã tăng. Còn riêng dư nợ trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản chỉ quanh 10%, vào chứng khoán trực tiếp khoảng 3%.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ