Top

Ô nhiễm môi trường “bủa vây” dự án bất động sản

Cập nhật 29/12/2017 14:49

Bãi tập kết rác nằm ngay cạnh dự án, khói bụi của nhà máy, mùi hôi từ nước thải, bãi rác…, tất cả đang bủa vây nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM.


Nhiều khu vực tại TP.HCM đang quá tải rác thải. Ảnh: Gia Huy

Khổ vì ô nhiễm môi trường

Nói đến dự án bất động sản ảnh hưởng nặng nhất vì ô nhiễm rác thải tại TP.HCM phải nhắc tới dự án Him Lam Phú An ở quận 9. Dù nằm cách bãi rác 500m, nhưng tới nay chủ đầu tư dự án này vẫn mong muốn được bỏ tiền ra để cùng quận di dời bãi rác này ra nơi khác để khi dân cư về ở sẽ hưởng không khí trong lành hơn, thay vì phải ngửi mùi hôi thối từ bãi tập kết rác này gây ra.

Theo đại diện chủ đầu tư, bãi tập kết rác nằm tại đường Thủy Lợi, phường Phước Long A có từ trước khi dự án xây dựng. Đây là bãi tập kết rác của nhiều phường tại quận 9, mỗi ngày bãi tập kết rác này là nơi trung chuyển của khoảng 500 tấn rác thải sinh hoạt. Với số lượng rác trên, hiện trạm trung chuyển rộng hơn 100m2 này đã xảy ra tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân xung quanh.

Dự án Ehom 3 tại quận Bình Tân, TP.HCM cũng khổ sở vì ô nhiễm môi trường. Theo hàng trăm hộ dân đang sống tại dự án này thì từ ngày đưa vào sử dụng năm 2014 tới nay, không gian sống tại dự án này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải từ những nhà máy tại khu công nghiệp thuộc huyện Bình Chánh và khu công nghiệp thuộc khu vực tỉnh Long An.

Đứng tại các tòa nhà của dự án này, có thể thấy ngay những cột khói lớn bốc khói, theo gió tạt về phía chung cư. Tình trạng ô nhiễm nặng nhất thường đến từ sáng sớm khi khói bụi này bám quanh dự án. Nặng nề nhất là tháng 7 vừa qua, các căn hộ tại hầu khắp các tòa tháp của dự án bám đầy bụi. Ccư dân phản ánh tới quận và cơ quan chức năng, kết luận bước đầu là bụi này đến từ ống xả của Công ty May mặc Top Royal.

Tại đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, người dân tại dự án chung cư Thủy Lợi và dự án Saigonres Riverside cũng đau đầu bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên ở con kênh xuyên tâm quanh hai dự án này. Một điều trớ trêu và tạo ra bức xúc lớn với người dân ở hai dự án chung cư này đó là khi mở bán dự án, chính các chủ đầu tư dự án lại lấy con kênh này để quảng cáo dự án nằm ngay tại con kênh xanh mát…

Trong khi đó thực sự là điểm đen về ô nhiễm môi trường của quận Bình Thạnh khi đa phần rác thải sinh hoạt của người dân quanh hai bờ con kênh này đều thải ra đây. Hàng chục năm đi qua, rác thải đã đọng lại con kênh này gây ô nhiễm môi trường nặng.

Công ty Bất động sản Phúc Khang cũng đau đầu vì ô nhiễm môi trường khi dự án bất động sản chuẩn xanh của công ty này tại quận 4 bị bủa vây bởi mùi hôi thối từ những con kênh nước đen. Những con kênh bị ô nhiễm bởi nguyên nhân từ những nhà máy sản xuất nhựa tái chế và nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải ra…

Trước đó, vào tháng 6/2016, thị trường bất động sản khu Nam TP.HCM gần như lâm vào cảnh “đóng băng” bởi ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải Đa Phước, huyện Bình Chánh gây ra.

Tình trạng ô nhiễm nặng này khiến cho doanh nghiệp địa ốc và người dân sống tại khu Nam phải cầu cứu lãnh đạo TP.HCM. Chẳng hạn, Công ty Dịch vụ bảo trì và quản lý chung cư Era Town cho biết chỉ trong vòng 2 tháng, công ty này phải 2 lần gửi công văn đến lãnh đạo TP.HCM về tình trạng ô nhiễm mùi, khiến gần 3.000 hộ dân sinh sống chịu ảnh hưởng. Các chủ dự án khác như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chung cư Belleza, Hoàng Anh Gia Lai… đều có văn bản cầu cứu  lãnh đạo TP.HCM vì mùi hôi thối mà bãi rác này gây ra.

Tới nay, tuy đã được xử lý nhưng doanh nghiệp địa ốc và người dân khu Nam cho biết, thỉnh thoảng mùi hôi thối vẫn xuất hiện, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Còn các doanh nghiệp địa ốc thì lo sợ không phát triển dự án mới tại đây, chính vì vậy từ năm 2016 tới nay khu Nam được cho là nơi ít xuất hiện dự án bất động sản mới nhất TP.HCM.

Chỉ nỗ lực của chủ đầu tư không đủ

Để có được môi trường tốt cho dân cư sinh sống, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bỏ số tiền lớn ra để tạo không gian sinh sống nội khu cũng như cải tạo các khu vực xung quanh dự án.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư dự án Him Lam Phú An cho biết, muốn bỏ ra số tiền 50 tỷ đồng để di dời bãi trung chuyển rác ra nơi khác. Mục đích của Công ty là tới tháng 6/2018, cư dân về ở tại dự án này không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm mùi hôi tại bãi rác. Tuy nhiên, chủ đầu tư này vẫn gặp khó trong việc di dời bãi rác nói trên.


Theo lãnh đạo UBND phường Phước Long A, phường nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân cũng như kiến nghị của nhiều cử tri liên quan tới bãi trung chuyển rác này. Tuy nhiên, bãi trung chuyển trên thuộc đơn vị quản lý là Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nên nằm ngoài thẩm quyền xử lý của địa phương. Còn phía UBND quận 9 thì cho biết, phải tới năm 2025 mới có thể di dời được bãi rác này, lý do là chưa có quỹ đất cũng như quy hoạch là năm 2025.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm mới đây đã công nhận trước cử tri TP.HCM rằng tình hình ô nhiễm vẫn đang diễn biến theo hướng đáng lo ngại. Nước ngầm, tiếng ồn, không khí, bùn thải… chưa được xử lý đạt yêu cầu. Mức độ ô nhiễm tại nhiều nơi vẫn vượt chuẩn cho phép. Nhiều khu vực ô nhiễm đã gây ảnh hưởng cho khu dân cư.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là ngân sách không đủ kinh phí để xử lý vấn đề ô nhiễm một cách toàn diện, bền vững. Được biết, năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có xây dựng kế hoạch cụ thể về việc di dời các cơ sở, với mục tiêu đến năm 2020, Thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.

Kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn, trong giai đoạn đầu tiên (từ năm 2016) sẽ xác định cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng, lập danh mục và đề ra hình thức xử lý.

Giai đoạn tiếp theo là đến năm 2017, thực hiện hình thức xử lý hành chính, đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ, ưu đãi các cơ sở phải di dời.

Cuối cùng, tới năm 2018, phân loại doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm thành hai mức độ để xử lý. Với những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu đầu tư cải tạo lại công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp tái phạm thì áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng cộng với buộc phải khắc phục hậu quả…

Tới nay đã hết năm 2017 và chỉ còn 1 năm nữa để TP.HCM thực hiện kế hoạch này. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện Thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị, với hơn 180 cơ sở tại huyện Củ Chi, 80 cơ sở tại quận 9 và 70 cơ sở tại huyện Bình Chánh. Hầu hết doanh nghiệp đang trong danh sách phải di dời đều nại ra lý do cho việc chây ỳ, bởi nếu phải chuyển ra khỏi trung tâm Thành phố, họ sẽ gặp nhiều bất lợi trong sản xuất, kinh doanh .

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc thu gom, xử lý chất thải rắn và thực hiện kế hoạch di dời những cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường trong TP.HCM ra ngoài còn một số bất cập và chưa có giải pháp bền vững. Đặc biệt, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác…


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản