Những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị hay tình trạng ùn tắc giao thông, chất lượng và tiến độ các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là những nội dung được nhiều cử tri các quận, huyện quan tâm kiến nghị gửi HĐND TP Hà Nội khóa XIII.
Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên |
Dự án để hoang, tắc đường bê bết
Tổng hợp ý kiến của cử tri cho biết, những năm qua, công tác quy hoạch của thành phố thiếu đồng bộ gây lãng phí lớn. Nhiều dự án phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch như: dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô; quy hoạch đường Kim Ngưu... Cử tri đề nghị sớm hoàn chỉnh các quy hoạch đồng bộ và lâu dài.
Bên cạnh đó, cử tri một số quận, huyện tiếp tục băn khoăn về một số dự án “treo”, chậm tiến độ hoặc để đất hoang hóa nhiều năm nay nhưng chưa được thành phố thu hồi, xử lý thấu đáo.
Cử tri quận Hà Đông phản ánh, dự án xây dựng tòa tháp đôi (trên khuôn viên đất của rạp Nguyễn Trãi) và tòa tháp Thiên niên kỷ (trên khuôn viên đất của Bảo tàng Hà Tây cũ) đã giải phóng mặt bằng từ lâu nhưng bỏ hoang chưa khởi công xây dựng, trở thành tụ điểm tệ nạn, đề nghị thành phố kiểm tra, đôn đốc....
Cử tri quận Hoàng Mai đề nghị thành phố kiểm tra và cho thu hồi giấy phép làm bãi đỗ xe ở các khu vực hai bên bờ sông Tô Lịch và sông Lừ. Bởi theo quy hoạch đất hai bên bờ sông trên là để trồng cây xanh, nhưng hiện nay bị biến thành các bãi đỗ xe.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị thành phố có chính sách tạo điều kiện cho người nghèo, cán bộ công chức có thể thuê, hoặc mua trả chậm nhà ở và công khai rộng rãi để nhân dân biết, đảm bảo công bằng.
Vấn đề ùn tắc giao thông nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các cử tri. Cử tri ở nhiều địa phương từ nội thành tới ngoại thành như: Ba Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm, huyện Phúc Thọ..., mong muốn thành phố tiếp tục tập trung cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.
Cử tri quận Hà Đông đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tại nút giao thông cầu Trắng, ngã tư bưu điện và cầu Am. Cử tri huyện Phúc Thọ đề nghị thành phố chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường 417, tuyến kè đê sông Hồng khu vực huyện này để bà con đi lại thuận tiện, bảo đảm đời sống.
Cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố mở rộng đường từ Trường THPT Cầu Giấy nối với đường Phùng Chí Kiên, điều chỉnh phân luồng giao thông ngõ 81, đường Lạc Long Quân để chống ùn tắc, giải quyết xung đột giao thông từ cầu 361, K83, cầu Cót sang đường Láng, sớm đầu tư đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt sang quận Tây Hồ.
Cử tri quận Hai Bà Trưng đề nghị thành phố nghiên cứu mở rộng tuyến đường Vành đai 2 (phố Minh Khai) để khắc phục nạn ùn tắc giao thông khu vực này.
Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị thành phố có kế hoạch chỉnh trang tu sửa, tiếp tục thi công những đường phố trên địa bàn quận hiện đã xuống cấp ở các phường Khương Mai, Phương Liệt, Nhân Chính, đường Khương Đình, đường vào 3 trường học ở phường Thanh Xuân Nam.
Tránh ùn tắc giao thông, bài toán nhiều năm Hà Nội chưa tìm ra đáp số (Cảnh thường thấy trên đường phố của Thủ đô Hà Nội). Ảnh: Phạm Yên |
Nước bẩn, rau bẩn, phố bẩn
Bất bình trước tình trạng vứt rác ra đường, nạn quảng cáo rao vặt trên tường, đặc biệt trên các công trình công cộng gây mất mỹ quan, nhiều cử tri đề nghị thành phố nhanh chóng có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đưa ra chế tài xử phạt nặng đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Trên địa bàn thành phố có nhiều phòng khám thuê người Trung Quốc khám, chữa bệnh bằng đông dược. Chất lượng có đúng như quảng cáo hay không? Khi kiểm tra những nơi này có dấu hiệu lẩn tránh. Vậy ai chịu trách nhiệm khi hậu quả xảy ra do buông lỏng quản lý lĩnh vực này? - ĐB Ngô Văn Ny chất vấn. |
“Không chỉ nạn vứt rác ra đường, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt, khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề rất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Vì sao trong kế hoạch năm 2010, thành phố không đề ra được chỉ tiêu giải quyết cụ thể”- Đại biểu Ngô Văn Ny (huyện Từ Liêm) nói.
Nhiều cử tri cho rằng, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn của thành phố hiện đạt hiệu quả thấp. Trong thời gian tới, UBND TP cần có giải pháp thực sự hiệu quả trong cuộc tuyên chiến với rác thải, để thành phố ngày một sạch sẽ hơn. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân vứt rác đúng nơi quy định, điều chỉnh thời gian thu gom rác.
Bên cạnh đấy, nhiều cử tri cũng kiến nghị, thành phố sớm kiểm tra, xử lý việc một số doanh nghiệp quảng cáo lợi dụng chủ trương, thực hiện quảng cáo trá hình, “nhao” theo đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vi phạm an toàn giao thông.
Nhiều đại biểu, cử tri đặt câu hỏi, đến nay trên địa bàn thành phố mới chỉ có 52% cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Số còn lại 48% chưa được cấp giấy chứng nhận, vì sao? Đề nghị UBNDTP cho biết vì sao nhiều nơi không quản lý được chất lượng thực phẩm, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm? Thành phố cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, hướng khắc phục trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề xử lý nước thải, cử tri huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây đề nghị xử lý ô nhiễm trong hệ thống kênh Tây Ninh huyện Thạch Thất tại một số làng nghề chế biến sắn và hệ thống xử lý chất thải của Bệnh viện Bảo Long trên địa bàn xã Cổ Đông. Cử tri huyện Chương Mỹ cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà máy chế biến và xử lý rác thải tại xã Trần Phú...
Ngoài ra, cử tri các huyện ngoại thành đề nghị thành phố có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất của nhân dân.
Đại biểu Vũ Đức Tân (quận Ba Đình):
Chất vấn đến cùng vấn đề ùn tắc giao thông
Đợt này, tôi sẽ tập trung hỏi về việc thành phố đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc tổ chức lại giao thông. Với số tiền đã chi, hiện hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông đến đâu? Hay các giải pháp tình thế thì chỉ có thời điểm thôi chứ không giảm được nạn ùn tắc, thậm chí phát sinh thêm nhiều điểm khác. Các giải pháp tình thế chống ùn tắc giao thông tiếp tục duy trì đến bao giờ? Nếu thành phố không có giải pháp hiệu quả, giao thông Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt giao thông trên các tuyến đường trong dịp đại lễ 1.000 năm sẽ rối bời. Tôi sẽ chất vấn và tái chất vấn đến cùng các vấn đề này.
Đại biểu Bùi Thị An (quận Hai Bà Trưng):
Dự án mương Phan Kế Bính sẽ xử lý ra sao?
Tôi thấy nhiều công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nói chung là chậm, nhưng xử lý công trình bị chậm hay chất lượng không đạt? Hay việc xã hội hóa, cống hóa các mương làm bãi đỗ xe nhưng lại biến tướng như dự án mương Phan Kế Bính sẽ được xử lý ra sao? Ngay cả vấn đề nhà siêu mỏng, siêu nhỏ các kỳ họp HĐND trước đây đều đề cập, nhưng thử hỏi chúng ta đã xử lý được bao nhiêu trường hợp? Đây là một vấn đề cần phải làm chứ không thể bàn mãi, bởi hiện nay tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ lại xuất hiện rất nhiều trên các tuyến phố mới hình thành.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: