Trước những quan điểm cho rằng, giá trị hàng tồn kho bất động sản không hề giảm mà còn tăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: "Điều đó không đúng. Bởi tồn kho giảm ở đây được tính với các dự án đủ điều kiện để bán hàng, còn những dự án không triển khai hoặc dự án chưa xong thủ tục hoặc làm ăn lôm côm thì chết chắc rồi, không tính".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Nguồn: internet
|
Trước đó, khi nhận định về vấn đề tồn kho trong bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng thực chất hàng tồn kho bất động sản vẫn đang ở mức cao, tổng giá trị tồn kho bất động sản có thể tăng thay vì giảm.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, cho biết, năm 2014 còn rất nhiều dự án đắp chiếu không bán được sản phẩm nào trong khi chủ đầu tư tiếp tục bung hàng. Do đó về mặt số lượng sản phẩm không đổi nhưng giá trị hàng tồn kho chắc chắn tăng. Chẳng hạn với một doanh nghiệp đầu tư đã vay 3.000 - 4.000 tỷ, mỗi năm trả lãi 10%, số tiền này sẽ được tính vào vốn hóa và tính vào hàng tồn kho.
Ông Đực cho rằng, dự án bán được chưa chắc đạt 10%, còn lại 90% vẫn là đắp mềm đắp chiếu và đặt câu hỏi liệu 10% có đủ cứu 90% kia để giảm giá trị hàng tồn kho hay không? “Tuy nhiên, thực tế những dự án đắp đắp chiếu to hơn những dự án tái sinh vì không thể cứu vớt được còn những dự án nhỏ có thể tái khởi động được. Chưa kể số dự án hồi sinh ít nên báo cáo một cách máy móc, giảm khai giảm, tăng không cộng vào. Theo tôi tồn kho tăng chứ không giảm”, ông Đực phân tích.
Về vấn đề này, tại Hội thảo “Kinh doanh bất động sản, cơ hội và thách thức trong đà phục hồi” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho rằng, trong năm 2014 vừa qua thị trường bất động sản đã có sự hồi phục rõ ràng, chứ không chỉ là tín hiệu. Sự phục hồi của thị trường có thể nhìn thấy rõ qua các yếu tố. Thứ nhất, giao dịch liên tục tăng liền trong 8 quý với mức giao dịch quý sau cao hơn quý trước, giúp hàng tồn kho giảm mạnh.
“Cũng có quan điểm cho rằng, hàng tồn kho không giảm mà còn tăng, điều đó không đúng. Tồn kho giảm ở đây được tính với các dự án đủ điều kiện để bán hàng, còn không tính những dự án không triển khai hoặc dự án chưa xong thủ tục, vì hiện cả nước có đến 4.000 dự án, nhưng với những dự án làm ăn lôm côm thì chết chắc rồi, không tính”, ông Nam nói.
Một yếu tố khác cho thấy sự phục hồi của thị trường là dòng tiền dành cho bất động sản trong hệ thống ngân hàng đang tăng cao. Hiện nay, dòng tiền này đã lên con số trên 300.000 tỷ đồng, vượt mốc 280.000 tỷ đồng so với thời điểm thị trường thăng hoa năm 2008. Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Nam cho biết, gói này đang giải ngân rất tốt.
Tính đến ngày 15/1/2015, đã có khoảng 10.000 tỷ đồng được giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 6.000 tỷ đồng là cho người dân vay. Có trên 12.000 hộ dân đã được vay để mua nhà, trong đó riêng địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 6.000 hộ, chiếm tổng dư nợ khoảng 50% so với cả nước. Hiện tại, với sự tham gia của 15 ngân hàng thương mại và Nghị quyết 67 đã bổ sung thêm đối tượng, kéo dài thời gian cho vay từ 10 lên 15 năm thì gói 30.000 tỷ đồng càng có điều kiện để giải ngân nhanh hơn.
Cũng theo ông Nam, để thúc đẩy thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành tung ra gói 50.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất cho vay ổn định 7%/năm với thời gian cho vay là 10 năm. Song song đó, nhiều chính sách mới điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 tới và hàng loạt chính sách liên quan có hiệu lực trong thời gian tới sẽ giúp thị trường hồi phục bền vững hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh doanh & Pháp luật
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: