Top

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Nối sân bay quốc tế Long Thành - TP.HCM và khu vực

Cập nhật 24/04/2010 09:10

Đường thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, rút ngắn 20 km từ TP.HCM đi Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 23-4, tại thị trấn Long Thành (Đồng Nai), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chính thức phát lệnh động thổ gói thầu số 3 đoạn từ Km 14+100 đến Km 23+900 thuộc huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đây là gói thầu nằm trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế cho xe chạy với vận tốc 120 km/giờ, bốn làn xe… Sau khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ kết nối sân bay quốc tế Long Thành - TP.HCM và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong giai đoạn cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, nhất là hệ thống giao thông đường bộ cao tốc sẽ tạo tiền đề rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đối với dự án này, khi xây dựng xong sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách lưu thông đi lại giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ và tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển kinh tế - xã hội”.


Họa đồ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ bổ sung vào hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian, khoảng cách đi lại giữa các tỉnh; đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh của TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Đà Lạt, Dầu Giây, Xuân Lộc. Dự án đi qua địa phận các quận 2, 9 thuộc TP.HCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai.

Dự án có chiều dài 55 km, gồm bốn làn xe (giai đoạn một) với điểm đầu tại vị trí giao tiếp giữa đường Lương Định Của với trục đường Đông - Tây, phường An Phú, quận 2, TP.HCM (Km 0) và kết thúc tại Km 1829+800 trên quốc lộ 1A, cách ngã ba Dầu Giây hiện hữu chừng 2,7 km, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất.

Trong giai đoạn một, công trình có quy mô bốn làn xe, tim tuyến trùng với tim tuyến giai đoạn hoàn chỉnh. Khi đầu tư hoàn chỉnh, đường có quy mô tám làn xe, bề rộng nền đường 36 m. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc này thì hành trình từ TP.HCM đi Vũng Tàu, ra các tỉnh phía Bắc sẽ được rút ngắn khoảng 20 km so với hiện nay, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2013.

Gói thầu số 3 thuộc huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) với tổng chiều dài 9,8 km, thiết kế cho bốn làn xe chạy 120 km/giờ. Giá trị hợp đồng hơn 1.800 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến là 36 tháng.
Ông Trần Xuân Sanh, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư dự án), cho biết: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải và giao lưu quốc tế. Đây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc trục đường bộ Bắc - Nam. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần cùng hệ thống giao thông trong khu vực thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tương lai, đường cao tốc này cũng sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Tuyến cao tốc từ TP.HCM nối kết với quốc lộ 51, sân bay Long Thành và quốc lộ 1A tại Dầu Giây hoàn thành sẽ là tuyến khởi đầu cho dự án đường cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt trong tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP