Khác hẳn nhà biệt thự ở Việt Nam với quan niệm “làm sao cho nổi bật”, nhà ở Mỹ họ quan tâm thêm về sự hài hoà không nổi trội với cảnh quan chung kèm lối sống theo thu nhập và hướng nội.
Tác giả xin mạo muội kể nốt vài chuyện đã biết, liên quan đề tài này trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình.
Chưa quyết mua, chớ vội trả giá!
Ngoài chuyện lùng sục để xem nhà đẹp, nhà mơ, ta cần biết một số chuyện rất quan trọng mà bất cứ ai cũng cần phải biết đó là chuyện “xóm làng” (neighborhood). Trong lúc tìm nhà, chúng tôi đã tìm ra phương cách sử dụng Wikimapia và Google earth để xác định vị trí của căn nhà.
Thật là thú vị khi chúng tôi có thể biết ngay căn nhà ở gần một đường rầy xe lửa, gần một con đường cao tốc hay sát bên một nhà thờ thậm chí còn thấy được con đường trước nhà (street view) nếu cho chúng tôi một địa chỉ cụ thể. Do vậy, với cách tìm nhà hiện đại này, ta có thể quyết định đến 60% việc có đến xem hay không.
Ngoài việc tìm hiểu vị trí và địa hình của nhà, các con tôi còn tìm hiểu thêm về các thông tin khác bao gồm hệ thống trường học theo sắp hạng của thành phố (school districts), tỷ lệ tội phạm (crimes rate), trung bình thu nhập của dân cư vùng (average household incomes), trình độ học vấn người dân trong vùng, mức độ hài lòng (appreciation rate) để ta có thể đánh giá ngay được cái vùng đang ở có khả thi với ta hay không.
Như tôi đã kể, việc có realtor (người môi giới) là một sự thuận lợi để bảo vệ người mua và người bán nhà, tuy nhiên sự rắc rối cũng bắt đầu từ đây. Người realtor dắt ta đi xem nhà, giúp ta trả giá với chủ nhà, và trong tương lai sẽ giúp ta hoàn tất các thủ tục mua nhà thậm chí thủ tục với ngân hàng liên quan đến nợ và thuế.
Tuy vậy, nếu ta không thấy thoả mãn với người này thì việc thay người realtor khác sẽ là chuyện khá rắc rối. Một người bạn con tôi khi mua một căn nhà để khỏi mất tiền cọc, đã phải chờ đợi rất lâu để thanh lý cái hợp đồng nguyên tắc vì đã lỡ trả giá (offer) căn nhà nhưng giờ chót muốn mua căn khác với người realtor khác. Vì vậy, việc tham khảo người đi trước là một kinh nghiệm quý giá cho chúng tôi.
Nhà kiểu… Mỹ!
Ở những vùng gần trung tâm Minneapolis, đa phần nhà có từ rất lâu, có nhà cả trăm năm tuổi, hoặc chí ít cũng phải thập niên 1930, nhưng nhìn bên ngoài không khác mấy nhà hiện đại. Như vậy xem ra, sự bảo thủ về kiến trúc nhà ở của Mỹ ở vùng này cũng khá mạnh. Khác ta nghĩ, nhà Mỹ... toàn gỗ không. Gõ vào tường nghe bộp bộp với vách thạch cao. Vậy mà người ta xây cả nhà mấy lầu với vỏ bao che toàn bằng gỗ, rồi lấy các chất liệu giả gạch ốp bên ngoài (veneer), mới thoạt nhìn tưởng kiên cố lắm!
Tuy vậy, với kỹ thuật sấy tẩm gỗ tiến bộ, gỗ trở thành vật liệu vĩnh cửu như làm khung xương nhà, bậc cầu thang ngoài trời, vách che ngoài trời, hàng rào thiên niên vạn đại. Ai qua Mỹ mua nhà đều nói đùa là nhà ở Việt Nam hoá ra kiên cố hơn, chơi sang hơn. Tính thực dụng của người Mỹ còn thể hiện trong cái nhà vệ sinh. Họ không lát gạch lên tường hết đến đụng trần như nhà Việt Nam, họ chỉ dán đúng cái chỗ có khả năng nước văng, hoặc là lắp một cục bồn tắm và vách liền khối hay quây lại bằng vách kính, còn lại là sơn nước hoặc dán giấy.
Có khi sàn nhà vệ sinh dán gạch nhựa cho đỡ lạnh chân! Nhưng cái mà nhà vệ sinh ở Việt Nam thường thiếu là cái tủ đựng khăn lông và đồ vật dụng, trong khi họ quan tâm rất kỹ cái này khi luôn luôn dành một chỗ trong nhà tắm hoặc gần đó với ngăn kệ đựng khăn lông và giấy đầy ắp.
Tôi hay quan tâm cái bếp và cái cửa sổ vì hai thứ đó bộc lộ rất nhiều về độ tuổi và mức độ bảo trì của căn nhà. Tôi còn nhớ, lúc đến một căn nhà nhìn qua rất đẹp nhưng khi nhìn vào cái bếp, bên trong còn nhem nhuốc dấu tích sơn mới và cũ đã cho thấy căn nhà này được sửa vội để bán, và chủ nhà đã không ở đó lâu rồi.
Họ đánh lừa khách bằng cách bố trí vật dụng, tranh ảnh, đồ đạc như nhà có chủ đang ở, nhưng khi mở một cánh cửa sổ, vết sơn trì lại cũng có thể cho biết nhà vừa cải tạo khiến ta không yên tâm về tình trạng thật của nó.
Có lẽ những căn nhà của triệu phú sẽ khác những căn chúng tôi đi xem, nhưng dường như ít thấy những mức độ đầu tư thái quá cho các vật dụng trong nhà ở Mỹ. Tất cả là sự vừa phải và thực tế. Mà thật vậy, nếu ta không tiếp xúc một người đi đường thì ta không phân biệt được người đó là triệu phú hay một anh thất nghiệp bởi vì phong cách bên ngoài như nhau, có thể hiểu được tại sao căn nhà của người Mỹ cũng giống nhau đều khắp.
Cái khác của họ có thể là ở vị trí của căn nhà, neighborhood (hàng xóm), số phòng ngủ, diện tích và các tiện nghi khác như hồ bơi, cổng gác chứ còn cận cảnh thì cũng không khác bề ngoài bao nhiêu. Khác hẳn nhà biệt thự ở Việt Nam với quan niệm “làm sao cho nổi bật”, nhà ở Mỹ họ quan tâm thêm về sự hài hoà không nổi trội với cảnh quan chung kèm lối sống theo thu nhập và hướng nội. Ngay cả màu sắc cũng chỉ quanh quẩn một số gam màu nhạt nhạt.
Khó như mua căn nhà thứ hai!
Tôi có nói chuyện với một số người Việt sống lâu năm ở Mỹ, họ mong có được một căn thứ hai để cho thuê. Họ nói, việc mua một căn nhà để ở và trả xong nợ là điều tuyệt vời như mơ, nhưng để có thể có một cuộc sống nhàn hạ hơn thì căn nhà thứ hai sẽ là một giấc mơ đẹp. Bởi vì với tiền cho thuê nhà, họ sẽ đảm bảo được chuyện đóng thuế, bảo trì căn nhà và tiền trả góp.
Dĩ nhiên, nếu vay tiền để có căn thứ hai thì là chuyện khác hẳn, lãi suất vay sẽ lớn hơn vì đây là đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, có một số suy nghĩ người ta thiên về thuê nhà hơn mua nhà bởi vì điều kiện công ăn việc làm bấp bênh, việc mua nhà sẽ kéo theo nhiều rắc rối hơn.
Nghe đâu còn có chuyện cho thuê hoặc cho mượn credit ngân hàng (đứng tên dùm) để mua nhà với danh nghĩa đồng sở hữu (co-sign) khiến cho xảy ra nhiều chuyện đau buồn khi nửa chừng người mua bỏ cuộc làm người cho mượn tên ôm “bad credit” (tín dụng xấu), khiến cho sau này sẽ rất khó vay được tiền mua nhà cho mình.
Thâm nhập thế giới địa ốc của Mỹ với tư cách kẻ đứng ngoài: “Tìm nhà dùm cho con” – xem ra có vẻ đỡ nhức đầu hơn người sống tại Mỹ lo chuyện mua nhà cho mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: