Top

Những "chân rết" của công ty địa ốc Alibaba tại Đồng Nai

Cập nhật 07/11/2018 10:43

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang vào cuộc điều tra về việc kinh doanh đất nền tại huyện Long Thành của công ty Alibaba.

Rầm rộ quảng cáo, bất chấp giấy phép


Nhiều năm nay, công ty Cổ phần địa ốc Alibaba là đơn vị “có tiếng” trong giới kinh doanh đất nền thuộc nhiều tỉnh thành phía Nam. Gần đây, đơn vị này cũng đứng ra rao bán nhiều khu đất "vip" tại rìa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, liên quan đến các dự án khủng của Alibaba tại Đồng Nai, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Công an tỉnh này vào cuộc điều tra, xác minh việc kinh doanh đất nền của Alibaba.

Alibaba quảng cáo rầm rộ các dự án gần sân bay quốc tế Long Thành

Theo đó, Alibaba chưa được đơn vị chức năng nào cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào trên địa bàn huyện Long Thành nhưng công ty này vẫn quảng cáo rầm rộ, bán "khống" hàng trăm lô đất tại hơn 20 dự án khác nhau trên địa bàn huyện Long Thành.

Cuối năm 2017, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (bộ Công an) đã làm việc với các sở, ngành tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của công ty Cổ phần địa ốc Alibaba về việc công ty này tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán đất nền ở nhiều dự án và thu tiền của nhiều khách hàng.

Dù vậy, đầu tháng 11/2018, các "chân rết" của Alibaba vẫn ngang nhiên nhận đặt cọc, bán "khống" đất nền hàng loạt dự án tại Đồng Nai.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Long Thành, qua kiểm tra, công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đã thành lập thêm 1 chi nhánh tại xã Long Phước do ông N.Đ.T. phụ trách.

Công ty này còn liên kết với công ty Cổ phần địa ốc T.C. để thực hiện bán khống nhiều lô đất “ma”. Và đến nay, nhờ sự móc nối đó mà Alibaba đã mở bán đất nền với diện tích khoảng 60ha tại các xã Phước Bình, Phước Thái, Long Phước và An Phước (rìa dự án sân bay quốc tế Long Thành).

Mẫu quảng cáo của Alibaba đã lừa được nhiều người chi tiền đặt cọc

Tại ấp 4, xã Phước Bình, Alibaba đã rao một dự án có tên Alibaba Center Park II với quy mô 5,5ha, chia thành hơn 340 lô nền. Bước đầu xác minh, cơ quan chức năng đã xác định khu đất trên do một phụ nữ có hộ khẩu tại tỉnh Bình Dương có tên là T.T.H.N., Giám đốc công ty Cổ phần địa ốc T.C., đứng ra phân phối. Nhưng khi huyện kiểm tra thì dự án này chưa được cấp phép.

Còn ở xã Long Phước, đoàn kiểm ra cũng phát hiện các vị trí phân lô bán nền của Alibaba được rao bán bằng danh nghĩa của nhiều người khác và cũng không có bất kỳ giấy phép nào của cơ quan chức năng.

Những vị trí mà công ty cổ phần địa ốc Alibaba và công ty cổ phần địa ốc T.C. rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch làm giao thông và đang thuộc quyền sở hữu của các cá nhân.

Khó xử lý?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Để xử lý vi phạm của Alibaba và công ty Cổ phần địa ốc Tia Chớp rất khó. Do việc quảng cáo, giới thiệu mua bán đất nền, ký hợp đồng,… đều không diễn ra tại địa phương. Do đó UBND huyện Long Thành đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của hai công ty trên để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời kiến nghị sở Thông tin - truyền thông kiểm tra, có biện pháp xử lý các thông tin quảng cáo rao bán đất nền khi chưa đủ điều kiện”.

Dù từng bị kiểm tra, nhân viên Alibaba vẫn tiếp tục rao bán đất.

Bên cạnh đó, UBND huyện Long Thành cũng khuyến cáo người dân khi mua đất nền nên đến UBND xã có dự án đó hoặc phòng Tài nguyên - môi trường huyện để tìm hiểu thông tin về dự án. Tránh việc tin vào quảng cáo rồi bung tiền mua đất dẫn đến tiền mất tật mang.

Hiện tại, để hạn chế việc người dân bị lừa mua đất dự án "ma", UBND huyện Long Thành đã phối hợp với các xã dựng biển thông báo tại những nơi đang rao bán đất nền hoặc ở đầu các tuyến đường chính với nội dung nghiêm cấm các hành vi phân lô bán nền đất nông nghiệp và những hình thức mua bán trái phép.

Để tìm hiểu những dự án mà Alibaba quảng cáo trên website cũng như facebook, chúng tôi đã có mặt tại huyện Long Thành để tìm hiểu thực tế, hầu hết vị trí các dự án này rất đẹp.

Khác khu đất nền đều đã được san bằng, có hệ thống đường nhựa, nhiều khu có cột đèn đường… Do vậy, nhiều người dễ dàng chi tiền để sở hữu ngay sau khi đi xem đất mà không hỏi đến giấy tờ pháp lý của dự án.

Theo người dân địa phương thì thời gian qua, mỗi ngày đều có người ghé xem đất, thậm chí có công ty dùng xe khoảng 12- 24 chỗ đưa một đoàn khách tới xem đất.

Bản thân những người địa phương cũng không nắm được dự án của Alibaba có giấy phép hay không. Tuy nhiên, họ cho biết rất nhiều người đã đặt cọc tiền cho Alibaba sau khi xem đất nền dự án vì sợ “mất cơ hội” đầu tư đất đẹp.

Alibaba chăm sóc khách hàng chu đáo, đưa đón đi xem dự án nên nhiều khách hàng mắc bẫy.

Chị K. người dân TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ với PV Người Đưa Tin, chị cũng đã đóng cọc một lô đất tại dự án này. Trước đó theo dõi báo chí chị có biết về các dự án “ma” nhưng tìm hiểu thấy đây là công ty lớn nên an tâm.

Tuy nhiên, hiện nay, chị biết tin dự án mình đã cọc mua là đất nông nghiệp, không có phép nên chị vô cùng lo lắng. Chị K. cho biết, sẽ liên hệ với công ty Alibaba để hỏi rõ sự việc và sẽ đề nghị công ty trả cọc.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đưa tin